Thế giới vừa trải qua tháng Một nóng nhất trong lịch sử

08/02/2024 - 16:01

PNO - Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh Châu Âu (EU) cho biết, thế giới vừa trải qua tháng Một nóng kỷ lục do biến đổi khí hậu gây ra.

 

Một người đàn ông uống nước trong đợt nắng nóng ở Santiago, Chile vào ngày 31/1/2024 - Ảnh: REUTERS/ Sofia Yanjari
Một người đàn ông uống nước trong đợt nắng nóng ở Santiago, Chile vào ngày 31/1/2024 - Ảnh: REUTERS

Nhiệt độ tháng 1/2024 đã vượt qua kỷ lục của tháng 1/2020 trong dữ liệu cơ sở dữ liệu của C3S, duy trì liên tục kể từ năm 1950.

Báo cáo được đưa ra sau khi năm 2023 được xác định là năm nóng nhất kể từ năm 1850. Tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra và hiện tượng thời tiết El Nino - làm ấm vùng nước bề mặt ở phía đông Thái Bình Dương - đã đẩy nhiệt độ lên cao.

Kể từ tháng 6/2023, nhiệt độ của mỗi tháng đều đạt mức kỷ lục khi so sánh với tháng tương ứng của những năm trước.

Phó Giám đốc C3S Samantha Burgess cho biết: “Đây không chỉ là tháng Một ấm nhất được ghi nhận, chúng ta còn vừa trải qua khoảng thời gian 12 tháng với nhiệt độ cao hơn 1,50C so với thời kỳ tham chiếu tiền công nghiệp”.

Bà Burgess nói thêm: “Việc giảm nhanh chóng lượng phát thải khí nhà kính là cách duy nhất để ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu tăng lên”.

Các nhà khoa học Mỹ dự báo năm 2024 có khả năng nóng hơn năm 2023 và gần như chắc chắn nằm trong top 5 năm ấm nhất của lịch sử.

Hiện tượng El Nino bắt đầu suy yếu từ đầu năm 2024 và các nhà khoa học chỉ ra rằng nó có thể chuyển sang dạng La Nina mát hơn vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, nhiệt độ mặt nước biển trung bình toàn cầu trong tháng 1/2024 vẫn cao nhất khi so với cùng kỳ các năm.

Theo Thỏa thuận Paris 2015, các quốc gia phải nỗ lực ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu vượt quá 1,50C, tránh gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn và không thể khắc phục được.

Mặc dù nhiệt độ trung bình trong khoảng thời gian 12 tháng qua đã vượt quá 1,50C, thế giới vẫn chưa vi phạm mục tiêu của Thỏa thuận Paris, vốn đề cập đến nhiệt độ trung bình toàn cầu trong nhiều thập kỷ.

Một số nhà khoa học cho biết mục tiêu này không còn khả thi trên thực tế, dù vậy họ vẫn kêu gọi các chính phủ hành động nhanh hơn để cắt giảm lượng khí thải CO2. Qua đó, làm giảm càng nhiều càng tốt tình trạng nắng nóng chết người, hạn hán và mực nước biển dâng cao vốn gây hại cho con người và hệ sinh thái.

Tấn Vĩ (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI