Thế giới vừa trải qua tháng 4 nóng nhất lịch sử

08/05/2024 - 18:01

PNO - Chuỗi kỷ lục nhiệt độ toàn cầu chưa dừng lại, với tháng 4/2024 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận, theo cơ quan nghiên cứu khí hậu của châu Âu.

Các nhà khoa học từ Cơ quan nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, nhiệt độ toàn cầu trong tháng 4/2024 ấm hơn tất cả các giai đoạn cùng kỳ trước đó, tính từ năm 1940 đến nay, đồng thời ấm hơn tới 1,58 độ C so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp, theo báo Anh The Independent đưa tin ngày 8/5.

Chuỗi kỷ lục nhiệt độ toàn cầu đã kéo dài đến tháng thứ 11 liên tiếp, với tháng 4/2024 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận — Ảnh: Press Association
Chuỗi kỷ lục nhiệt độ toàn cầu đã kéo dài đến tháng thứ 11 liên tiếp, với tháng 4/2024 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận — Ảnh: Press Association

Các nhà nghiên cứu của C3S cũng lưu ý, tháng 4 vừa qua là tháng thứ 11 liên tiếp giữ kỷ lục tháng nóng nhất được ghi nhận. Nghĩa là 10 tháng trước đó đều là các tháng nóng nhất, so với các giai đoạn cùng kỳ trước đó.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 5/2023 đến tháng 4/2024 là mức cao nhất từng được ghi nhận, cao hơn khoảng 1,61 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp (1850-1900).

Ở châu Âu, nhiệt độ tháng 4 vừa qua cao hơn 1,49 độ C so với nhiệt độ trung bình của các tháng 4 trong giai đoạn 1990-2020, khiến nơi đây trở thành lục địa nóng thứ 2 được ghi nhận.

Nhiệt độ bề mặt nước biển trung bình toàn cầu, bên ngoài các vùng cực, là 21,04 độ C, cao nhất trong kỷ lục của các tháng cùng kỳ từ năm 1979 đến nay, và chỉ thấp hơn một chút so với kỷ lục cao nhất là 21,07 độ C, được ghi nhận trong tháng 3/2024.

Tháng vừa qua cũng là tháng thứ 13 liên tiếp mà nhiệt độ bề mặt nước biển ấm nhất được ghi nhận, so với các giai đoạn cùng kỳ trước đó.

Mặc dù hiện tượng El Nino, yếu tố quan trọng đằng sau sự ấm lên bất thường, đang có dấu hiệu suy yếu để chuyển sang La Nina, Tiến sĩ Carlo Buontempo, Giám đốc C3S, cảnh báo: “Trong khi sự biến nhiệt liên quan đến chu kỳ tự nhiên, như El Nino, đến rồi đi, năng lượng dư thừa bị giữ lại trong đại dương và khí quyển, do nồng độ khí nhà kính ngày càng tăng, sẽ tiếp tục đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức kỷ lục mới”.

C3S cho biết thêm, tác động của sức nóng rất rõ ràng, nhiều vùng ở châu Á đã và đang phải vật lộn với cái nóng chết người: hàng triệu trẻ em Bangladesh bị gián đoạn việc học, nhiều cánh đồng lúa Việt Nam khô héo do hạn mặn, còn người dân Ấn Độ phải đi bỏ phiếu dưới cái nóng tới 110 độ F (hơn 43 độ C).

Trường An (theo The Independent)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI