Ngày 5/12, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) chia sẻ đoạn clip 60 giây ấn tượng, người kể chuyện là danh thủ bóng đá - Đại sứ thiện chí UNICEF David Beckham. Beckham cho thấy các hình xăm ví như những cột mốc ngọt ngào trong cuộc đời anh, gắn liền với tổ ấm yêu thương.
Thế nhưng, với hàng triệu trẻ em trên thế giới vẫn đang hứng chịu hành vi, lời nói, thái độ ứng xử bạo hành, nỗi đau ấy lại là “vết sẹo” hằn sâu trong tâm trí và thể xác. “Bạo lực trẻ em vĩnh viễn để lại hậu quả. Bạo lực là sai trái. Hãy chấm dứt bạo lực” là thông điệp của đoạn clip này.
Năm ngoái, David Beckham cùng đại diện UNICEF đến Campuchia và một số quốc gia khảo sát thực trạng bạo hành trẻ em, một lát cắt nhỏ trong chuỗi hoạt động của Đại sứ thiện chí UNICEF. Những mảnh đời bất hạnh ghim sâu trong tâm trí Beckham, thúc ép anh kiên trì với sứ mạng kêu gọi bảo vệ trẻ em.
|
Trẻ em phải lao động cực nhọc là một trong những vấn nạn của cả thế giới - ẢNH: COUNTERCURRENTS.ORG |
Thống kê của UNICEF chỉ ra, trung bình cứ năm phút trôi qua, một đứa bé trên thế giới chết vì bạo lực. UNICEF định nghĩa bạo lực trẻ em là những hành vi làm tổn hại đến thể xác và tình cảm; xao nhãng, thờ ơ; bóc lột và xâm hại tình dục đối với trẻ em. Năm 2012, thế giới có 223 triệu trẻ em là nạn nhân của bạo hành và ngược đãi. Có vô vàn cách thức man rợ mà người lớn vô tình hay cố ý làm tổn thương con trẻ, và cũng có vô vàn đối tượng có thể gây ra bạo hành với trẻ.
Đáng nói, người gây tội ác cũng là những người thân thiết, gần gũi với nạn nhân và hành động bạo lực nhiều khi lại xảy ra ở những nơi lẽ ra phải đảm bảo an toàn cho trẻ. Theo báo cáo Liên Hiệp Quốc công bố vào tháng 11/2016, có 246 triệu trẻ trên thế giới là nạn nhân của bạo lực học đường.
Asad Khan, cậu bé 11 tuổi mới chuyển đến trường Beckfoot Upper Heaton ở Bradford (Anh) là một người nhập cư. Những học sinh lớp lớn nhiều lần đe nạt, tấn công em. Quá bức bối, Asad treo cổ tự tử chỉ vài giờ sau khi kể cho bố mẹ nghe cơn ác mộng mình phải chịu đựng suốt nhiều ngày liền. Nhà trường sững sờ, không nghĩ bạo lực học đường có thể cướp đi sinh mạng của những học trò non nớt, ngây thơ như Asad Khan.
Bạo lực gia đình, chuyện dài nhiều tập với đủ kiểu ngược đãi con trẻ như đánh đập, ép buộc lao động, chửi mắng, thậm chí là cưỡng hiếp, giết chết… Theo khảo sát về bạo lực gia đình do UNICEF thực hiện, từ 80-98% trẻ em đã bị cha mẹ đánh phạt, trong đó có 1/3 từng bị đánh bằng nhiều vật dụng khác nhau.
Tháng 10 năm nay, cảnh sát Italia tuyên án 30 năm tù với người mẹ độc ác Veronica Panarello. Cô nhẫn tâm giết chết con trai tám tuổi chỉ vì con biết được mối quan hệ loạn luân của cô với bố chồng. Sự việc xảy ra từ cuối năm 2014 khiến dư luận vô cùng phẫn uất. Ở nơi lẽ ra đứa bé phải được yêu thương, bảo bọc thì em trở thành nạn nhân của hành vi vô lương từ mẹ ruột.
Không chỉ đánh đập, nhiếc móc mới là dấu hiệu của bạo lực. Bỏ mặc, thờ ơ với con trẻ cũng là hành vi bạo hành. Ngày 7/12, báo chí Ukraine đưa tin vụ việc một bé gái ba tuổi trong tình trạng nguy kịch, còn em trai chỉ mới hai tuổi đã đói đến chết sau khi cả hai bị mẹ ruột bỏ mặc suốt chín ngày trong nhà mà không cho các em thức ăn.
|
Hai chị em bị mẹ bỏ đói chín ngày liền ở Ukraine - ẢNH: METRO |
Người mẹ trẻ Vladislava Podchapko (20 tuổi) vô cảm và tàn nhẫn đến mức hồn nhiên “bỏ thí” các con ở nhà để hẹn hò với bạn trai. Thậm chí, người mẹ vô trách nhiệm còn nói rằng cô không nghĩ chính mình đẩy con vào tình huống nguy hiểm! Theo kết quả giám định pháp y, bé trai đã chết ba ngày trước khi cảnh sát phát hiện, nghĩa là cô bé ba tuổi phải một mình ở bên xác em trai suốt ba ngày liền. Người mẹ này đối diện với tám năm tù giam nếu bị kết tội ngược đãi trẻ em.
|
Người mẹ nhẫn tâm Vladislava Podchapko - ẢNH: METRO |
Nhiều nghiên cứu độc lập từ các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra, trẻ em bị bạo hành có nguy cơ trở thành tội phạm giết người vị thành niên cao gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần trẻ bình thường. Chuyên gia về thần kinh học và tâm lý học Miriam Birkman thuộc Trung tâm nghiên cứu trẻ em của Đại học Y khoa Yale cho biết, tổn thương tâm lý để lại hậu quả không ai hình dung được, tạo nên vùng ký ức dẫn đến hành vi lệch lạc của trẻ trong tương lai.
Một trong những nhiệm vụ của Đại sứ thiện chí UNICEF David Beckham nhằm hàn gắn nỗi đau của trẻ thơ là khuyến khích các em sử dụng công cụ nhắn tin U-report. Hiện 190.000 người trẻ từ 22 quốc gia sử dụng U-report, trong đó 2/3 xác nhận các em đã và đang là nạn nhân của bạo lực thể xác hoặc tinh thần.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, cuộc chiến chống bạo hành, lời nói và thái độ bạo lực không chỉ dừng ở mức độ lên án mà rất cần việc ươm mầm một thế hệ trẻ biết yêu thương, nhận diện và thẳng thừng nói không với bạo lực. Đó mới là sự thay đổi tận gốc rễ.
Thiên Như (Theo ITV News, Straits Times, Metro, ILO)
Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trên thế giới hiện có 168 triệu trẻ bị bóc lột sức lao động. Các em bị bán làm người giúp việc và bị đối xử như nô lệ trong các gia đình giàu có. Khoảng 115 triệu em phải làm các việc nặng nhọc hoặc trong môi trường độc hại. Những quốc gia có tỷ lệ lao động trẻ em ở mức báo động phải kể đến như Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Kenya... Nhiều em nhỏ phải lao động khổ sai từ khi chín, mười tuổi với thời gian làm việc lên đến 12 giờ mỗi ngày. Các em hoàn toàn không được đi học và nhận được đồng lương ít ỏi hơn nhiều so với người lao động trưởng thành.
|