Năm quốc tế bảo tồn sông băng
Hiện tượng La Niña dự kiến sẽ giúp nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu mát hơn một chút so với năm 2024, dù điều đó không có nghĩa là toàn bộ hành tinh đã ngừng nóng lên. Theo dự báo của cơ quan khí tượng và khí hậu quốc gia Anh (Met Office), nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu trong năm 2025 sẽ cao hơn khoảng 1,41 độ C so với mức trung bình trước thời kỳ công nghiệp. Trong giai đoạn kiểu khí hậu La Niña, vùng nước lạnh dâng lên, lan rộng trên bề mặt biển ở trung tâm và phía đông Thái Bình Dương, dẫn đến sự truyền nhiệt ròng từ khí quyển đến các đại dương. Điều này khiến không khí lạnh từ Siberia và lục địa châu Á tăng cường di chuyển về phía nam. Đối với Việt Nam, La Niña mang đến một mùa đông với nhiệt độ thấp hơn bình thường và lượng mưa tăng.
|
Biến đổi khí hậu góp phần dẫn đến hạn hán ở Uganda và các khu vực khác ở Đông Phi - Ảnh: Badru Katumba (Getty Images) |
Năm 2024 đang kết thúc với rất nhiều lũ lụt, cháy rừng và nắng nóng. Sven Harmeling - chuyên gia về khí hậu tại Climate Action Network (CAN) châu Âu - cho biết: “Các nhà hoạch định chính sách ở mọi cấp phải tập trung vào cả việc giảm phát thải lẫn thực hiện các hành động phòng ngừa, thích ứng biến đổi khí hậu”. Tuyên bố của Liên hiệp quốc về năm 2025 là “Năm quốc tế bảo tồn sông băng”. Sridhar Anandakrishnan - giáo sư về băng hà học và địa vật lý tại Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) - giải thích: “Nếu băng tan, nguồn nước quan trọng sẽ thiếu hụt, đặc biệt là trong mùa hè nóng và khô. Điều này có thể gây ra vấn đề cho việc tưới tiêu đồng ruộng và cung cấp nước sinh hoạt. Ở nhiều khu vực, nước sông băng cũng được sử dụng để sản xuất thủy điện và việc thiếu nước sẽ gây gián đoạn sản xuất. Trên quy mô toàn cầu, các sông băng tan chảy góp phần đáng kể vào mực nước biển dâng cao”.
Mối đe dọa từ dịch bệnh
Năm 2019, COVID-19 đột ngột xuất hiện, lây lan nhanh chóng đã làm hàng triệu người thiệt mạng trên khắp thế giới. Kể từ đó, mọi người luôn lo lắng về sự xuất hiện của những căn bệnh truyền nhiễm. Theo Conor Meehan - phó giáo sư về sinh học vi sinh, Đại học Nottingham Trent (Anh), 3 bệnh truyền nhiễm khiến các quan chức y tế công cộng lo ngại nhất là sốt rét (ký sinh trùng), HIV (vi rút) và bệnh lao (vi khuẩn). Bên cạnh đó, một loại vi rút cúm đang gây lo ngại lớn ngay lúc này và đang dần trở thành vấn đề nghiêm trọng vào năm 2025 là cúm A/H5N1. Loại vi rút này lây lan rộng rãi ở cả chim hoang dã và chim nuôi lẫn gia cầm.
Gần đây, cúm A/H5N1 cũng đã lây nhiễm cho gia súc cho sữa ở một số tiểu bang của Mỹ và xuất hiện trên ngựa ở Mông Cổ. Cúm gia cầm có thể lây nhiễm cho người với 66 trường hợp ghi nhận ở Mỹ trong năm 2024, chủ yếu trong nhóm công nhân trang trại. Kết hợp điều này với tỉ lệ tử vong 30% ở người và lời cảnh báo rằng cúm gia cầm đang biến đổi theo hướng dễ lây sang người hơn, căn bệnh đang nằm trong danh sách ưu tiên theo dõi của các quan chức y tế công cộng toàn cầu.
Ứng phó với nạn tội phạm công nghệ cao
Báo cáo năm 2024 của công ty nghiên cứu và tư vấn Forrester (Mỹ) dự đoán: tổn thất kinh tế toàn cầu do tội phạm mạng dự kiến sẽ lên tới 12.000 tỉ USD vào năm 2025. Các tổ chức được khuyến khích áp dụng các biện pháp bảo mật chủ động để giảm thiểu tác động đến hoạt động, đặc biệt là khi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và thiết bị sử dụng internet vạn vật (IoT) ngày càng mở rộng. Một dự đoán quan trọng khác là các chính phủ phương Tây có kế hoạch cấm một số phần mềm của bên thứ ba hoặc phần mềm nguồn mở, do những lo ngại ngày càng tăng về các cuộc tấn công vào chuỗi cung ứng phần mềm - nguyên nhân chính gây ra các vụ vi phạm dữ liệu trên toàn thế giới.
Năm 2025, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ áp dụng khoản tiền phạt đầu tiên theo Đạo luật AI mới của EU đối với một nhà cung cấp mô hình AI. Công ước của Liên hiệp quốc chống lại tội phạm mạng - được gọi là “Công ước Hà Nội” theo tên địa điểm tổ chức buổi lễ ký kết vào năm 2025 - sẽ giúp thiết lập khuôn khổ pháp lý toàn cầu đầu tiên cho không gian mạng, nhấn mạnh sự tham gia của tất cả quốc gia trong việc ngăn ngừa và chống lại tội phạm mạng, thu hẹp khoảng cách giữa luật pháp quốc gia với luật pháp quốc tế, đồng thời tạo ra một cơ chế hợp tác liên tục.
Những rủi ro an ninh mạng liên quan đến con người, chẳng hạn như công nghệ deepfake dùng tạo ra những hình ảnh hoặc video giả mạo, nguy cơ đánh cắp dữ liệu nội bộ, sử dụng sai ứng dụng AI tạo sinh… dự kiến sẽ trở nên phức tạp hơn vào năm 2025.
Không chỉ những người giàu có hay những cá nhân nổi tiếng phải đối mặt với rủi ro, mọi người đều có thể là mục tiêu tiềm năng của tội phạm công nghệ. Trộm cắp danh tính là vấn đề nổi bật trong vài năm qua. Tội phạm có thể đánh cắp thông tin cá nhân để mở hạn mức tín dụng hoặc thực hiện hành vi gian lận. Hồ sơ mạng xã hội trở thành kho thông tin khổng lồ, cho phép tin tặc đoán câu hỏi bảo mật hoặc tạo ra các cuộc tấn công lừa đảo có mục tiêu cực kỳ cao nhắm vào bạn bè, người thân của nạn nhân bị đánh cắp danh tính. Hơn nữa, hiện các thiết bị cá nhân - điện thoại, máy tính bảng, thiết bị đeo được - ngày càng được tích hợp nhiều hơn vào cuộc sống và chỉ cần một cú nhấp vào liên kết độc hại cũng đủ để khiến nạn nhân vô tình cung cấp cho tội phạm mạng quyền truy cập vào ảnh cá nhân, tài khoản tài chính và thông tin liên lạc riêng tư.
Linh La (theo AA, The Conversation, New Scientist)