Thế giới tụt hậu trong các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu

25/09/2021 - 18:43

PNO - Hôm 22/9, các nhà lãnh đạo toàn cầu bước vào ngày họp thứ hai của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Bên cạnh sự chia rẽ về quan điểm chính trị và cách xử lý đại dịch COVID-19, dường như các nước đồng điệu hơn về cách ứng phó biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra thông báo bất ngờ rằng Bắc Kinh sẽ ngừng xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài. Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ tăng gấp đôi tài trợ chính phủ vào năm 2024, lên 11,4 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển nhằm nỗ lực giải quyết khủng hoảng khí hậu. Còn Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng hối thúc các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn thực hiện cam kết đối với quỹ khí hậu trị giá 100 tỷ USD mỗi năm.

Trận cháy rừng Beckwourth Complex vào tháng 7/2021 tại quận Lassen gần ranh giới California - Nevada (Mỹ)
Trận cháy rừng Beckwourth Complex vào tháng 7/2021 tại quận Lassen gần ranh giới California - Nevada (Mỹ)

Một phân tích của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về cam kết của các quốc gia theo thỏa thuận Paris cho thấy lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030 sẽ cao hơn 16% so với năm 2010 - trong khi theo các nhà khoa học, tỷ lệ đó phải là giảm 45% mới có thể ngăn chặn thảm họa khí hậu thay đổi. Báo cáo United in Science 2021 trình bày những phát hiện và dữ liệu khoa học mới nhất liên quan đến biến đổi khí hậu từ nhiều cơ quan trên thế giới, dưới sự ủy quyền của Tổng thư ký LHQ António Guterres.

Báo cáo nhấn mạnh 5 năm qua là một trong những thời điểm ấm nhất được ghi nhận trong lịch sử ngành khí tượng, và ngày càng có nhiều khả năng nhiệt độ trung bình sẽ vượt quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong 5 năm tới, điều mà Thỏa thuận Paris tìm cách ngăn chặn. 

Ở tốc độ này, biến đổi khí hậu sẽ có những tác động thảm khốc đối với sức khỏe của thế hệ hiện tại và tương lai. Các ước tính cho thấy, tỷ lệ tử vong do nắng nóng đã tăng 33% ở châu Âu vào năm 2018 so với năm 2000.

Vào ngày 11/8/2021, Sicily (Ý) ghi nhận nhiệt độ 48,8°C, vượt qua kỷ lục nhiệt độ tối đa cao nhất châu Âu được thiết lập ở Athens vào ngày 10/7/1977 ở 48,0°C. Theo dữ liệu gần đây của Cơ quan Lâm nghiệp Nga, hơn 18,16 triệu ha rừng của xứ sở bạch dương bị lửa phá hủy trong tám tháng đầu năm 2021...

Khác với suy nghĩ của nhiều người, đại dịch COVID-19 không làm chậm tiến trình biến đổi khí hậu, và lượng khí thải carbon dioxide đã tăng trở lại sau một đợt suy thoái tạm thời do giãn cách. Nồng độ khí nhà kính trong bầu khí quyển - carbon dioxide, metan và nitơ oxit - tiếp tục tăng trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021 ở mức kỷ lục.

Nhiệt độ toàn cầu tăng cao tạo ra tác động xoắn ốc lên các nền kinh tế và xã hội. Ước tính có khoảng 103 tỷ giờ làm việc tiềm năng bị mất trên toàn cầu vào năm 2019 nếu so với mốc năm 2000. Ngân hàng Thế giới cảnh báo, sản lượng nông nghiệp giảm, khan hiếm nước, mực nước biển dâng cao và các tác động tiêu cực khác của biến đổi khí hậu có thể khiến 216 triệu người phải rời bỏ nhà cửa vào năm 2050. 

Tổng thư ký LHQ António Guterres nói: “Thời gian không còn nhiều. Hội nghị về biến đổi khí hậu tại Glasgow năm 2021 (COP26) (vào tháng 11 tới đây - PV) sẽ mang tính bước ngoặt. Chúng ta cần tất cả quốc gia cam kết không phát thải ròng vào năm 2050… và cắt giảm 45% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030, so với mức năm 2010”. 

Tấn Vĩ (theo Guardian, Conversation, NY Times, Reuters, UNEP)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI