Thế giới từ tình trạng thiếu hụt sang thừa mứa vắc xin COVID-19

29/03/2022 - 15:37

PNO - Sau khi chạy đua để nâng cao năng lực và đáp ứng các đơn đặt hàng của các mũi tiêm COVID-19, ngành công nghiệp vắc xin toàn cầu đang đối mặt với nhu cầu suy giảm khi nhiều nhà sản xuất tranh giành thị trường còn lại.

Ngay cả khi nhiều nước vẫn đang triển khai các mũi vắc xin tăng cường hay mũi tiêm COVID-19 thứ 4 để  tiếp tục duy trì nhu cầu tiêm chủng trên toàn thế giới thì tình trạng thiếu hụt vắc xin gần như không còn hoặc nếu có còn thì cũng rất ít.

Thay vào đó, sẽ có một sự đảo ngược đáng kể là trong thời gian tới, khả năng dư thừa vắc xin toàn cầu đang có xu hướng xảy ra nhiều hơn.

Trên toàn thế giới, hơn 11 tỷ liều đã được sử dụng, với sự tiếp nhận ngày càng tăng từ các nước nghèo hơn do tỷ lệ bao phủ thấp.

Nhưng sau khi vật lộn với tình trạng thiếu hụt trầm trọng vào năm ngoái, hồi tháng Giêng, chương trình COVAX - một sáng kiến ​​chia sẻ vắc xin do Tổ chức Y tế thế giới hậu thuẫn cho biết nguồn dự trữ đang vượt quá nhu cầu.

Nhu cầu vắc xin trên toàn cầu đã giảm kéo theo doanh thu của các công ty dược giảm theo
Nhu cầu vắc xin trên toàn cầu đã giảm kéo theo doanh thu của các công ty dược giảm theo

Theo dự đoán, doanh thu vắc xin COVID-19 của Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson có thể đạt 61 tỷ USD trong năm nay, cao hơn một chút so với doanh thu năm 2021. Ông Scott Rosenstein, cố vấn chăm sóc sức khỏe đặc biệt của Tập đoàn Eurasia có trụ sở tại New York, cho biết: “Nguồn cung đang vượt quá nhu cầu ở nhiều nơi trên thế giới, ngay cả khi nhiều quốc gia tung ra các đợt tiêm tăng cường”. 

Hơn 9 tỷ liều có thể được sản xuất vào năm 2022, nhưng nhu cầu vắc xin có thể giảm xuống với tốc độ khoảng 2,2 tỷ đến 4,4 tỷ liều mỗi năm vào năm 2023.

Doanh thu của AstraZeneca sẽ giảm vào năm 2022 sau khi đạt khoảng 4 tỷ USD vào năm ngoái. Pfizer đã có doanh thu vắc xin là 36,8 tỷ USD vào năm ngoái thì năm nay họ dự kiến ​​sẽ đạt doanh thu 32 tỷ USD. Con số này dựa trên các hợp đồng đã ký vào cuối tháng 1/2022. Trong khi đó, giám đốc điều hành của Moderna cho biết chính phủ Mỹ vẫn chưa đặt hàng cho năm 2022.

Ở Ấn Độ, nơi có ngành công nghiệp vắc xin lớn nhất thế giới cũng đang phải vật lộn với tình trạng thừa nguồn cung trong nước và toàn cầu.

Viện Huyết thanh của Ấn Độ, nhà cung cấp chính của đất nước đông dân thứ 2 thế giới đã sản xuất 2 tỷ liều vắc xin vào năm ngoái, đã ngừng sản xuất vào tháng 12/2021 sau khi thiếu đơn đặt hàng. Ông Rosenstein đặt câu hỏi: “Một trong những câu hỏi lớn trong tương lai sẽ là các nhà sản xuất làm gì với toàn bộ năng lực sản xuất vắc-xin này khi nhu cầu giảm dần”.

Nhiều công ty đã chuyển sang sản xuất các loại vắc xin khác nhưng cũng có công ty kiên trì và tiếp tục nghiên cứu những loại vắc xin mới để đón đầu các biến thể mới
Nhiều công ty tiếp tục nghiên cứu những loại vắc xin mới để "đón đầu" các biến thể mới

Các nhà cung cấp vắc xin của Ấn Độ  đang xem xét các cơ hội sản xuất vắc xin ngoài COVID-19. Trong khi đó, ở những nơi khác trên thế giới, một số nhà phát triển vắc xin đang gặp khó khăn. Kalbe Farma của Indonesia đã tạm dừng công việc liên quan đến COVID-19 với tập đoàn Genexine của Hàn Quốc trong tháng này, với lý do nguồn dự trữ dồi dào. Giờ đây, họ hướng tới việc sử dụng công nghệ DNA cho các loại vắc-xin khác.

Bên cạnh đó, bất chấp những áp lực hiện tại, cũng có nhiều công ty có thể vẫn sẽ tiếp tục với công việc sản xuất vắc xin đồng thời theo đuổi chế phẩm cải tiến vượt trội hơn so với các sản phẩm vắc xin ban đầu để "đón đầu" các biến thể mới.

Ông Gary Dubin, chủ tịch đơn vị vắc xin tại Takeda Pharmaceutical của Nhật Bản, cho biết có vẻ như COVID-19 đang phát triển thành một bệnh dịch đặc hữu, có nghĩa là nó có thể vẫn luôn tồn tại như cúm chẳng hạn.  Nếu như thế thì nhu cầu vắc xin vẫn có. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi về việc liệu các mũi tiêm thông thường có cần thiết hay không và tần suất ra sao? Và liệu các biến thể mới có thay đổi bức tranh hiện tại hay là không?

Trọng Trí (theo NY Times, Strait Times)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI