Thế giới trong làn sóng suy thoái kinh tế đêm

13/02/2025 - 06:09

PNO - Ban quản lý Câu lạc bộ Watergate - địa điểm mang tính biểu tượng ở Berlin, Đức - đã ngậm ngùi viết trong tuyên bố từ biệt của mình: “Những ngày Berlin tràn ngập du khách yêu thích câu lạc bộ đêm đã qua rồi”.

Sự thay đổi lớn về hành vi tiêu dùng

Sự sôi động của các dịch vụ giải trí, vui chơi về đêm đã giảm dần trên toàn thế giới - Ảnh: POCKET ROCKET ASIA (Straits Times)
Sự sôi động của các dịch vụ giải trí, vui chơi về đêm đã giảm dần trên toàn thế giới - Ảnh: Pocket Rocket Asia (Straits Times)

Theo ban quản lý câu lạc bộ (CLB) Watergate, áp lực về chi phí, du lịch suy giảm, sự nhiệt tình giảm sút của thế hệ trẻ đối với tiệc tùng và sự trỗi dậy của các lễ hội âm nhạc là những nguyên nhân dẫn đến việc họ phải đóng cửa.

Thật vậy, những áp lực dẫn đến sự sụp đổ của Watergate cũng là lý do dẫn đến xu hướng biến đổi các trung tâm giải trí về đêm, từ Berlin đến Melbourne, New York hay Singapore. Theo phân tích của tờ Financial Times, tỉ lệ các CLB đêm hoạt động kéo dài qua 3 giờ sáng đã giảm ở 12/15 thành phố lớn trên toàn cầu trong giai đoạn 2014-2024. Lutz Leichsenring - đồng sáng lập công ty tư vấn quốc tế VibeLab (Ả Rập Saudi) - cho biết: chủ sở hữu các địa điểm kinh doanh thường đóng cửa sớm hơn để tiết kiệm chi phí, trong bối cảnh gia tăng các sự kiện và lễ hội vào ban ngày.

Mike Vosters - Giám đốc Công ty Matinee Social Club chuyên tổ chức các bữa tiệc tối ở New York, Mỹ - nói: sự thoái trào của văn hóa CLB và xu hướng mới về lối sống lành mạnh là 2 trong số những động lực chính thức dẫn đến tình trạng này. Melbourne (Úc) từng tự hào là thủ đô nhạc sống của thế giới với các hộp đêm sôi động vào những năm 2000.

Tuy nhiên, lĩnh vực này đã suy giảm mạnh khi thói quen của người tiêu dùng thay đổi và chi phí tổ chức sự kiện tăng lên, đặc biệt là sau đại dịch. Một giám đốc điều hành trong ngành giải trí cho biết, những người trẻ tuổi giờ đây có xu hướng ít ra ngoài vào buổi tối và vui chơi cho đến 6 giờ sáng hôm sau như trước vì họ có ý thức hơn về sức khỏe, tiết kiệm hơn so với các thế hệ trước.

Đối với chủ quán rượu Jun Jung-sook, con phố Nokdu từng sôi động của thủ đô Seoul (Hàn Quốc) không còn là nơi mọi người xếp hàng để có thể thưởng thức bánh kếp kim chi đậu xanh và rượu gạo địa phương makgeolli cay nồng vào cuối ngày. Thói quen nhậu nhẹt sau giờ làm dần không còn trong văn hóa công ty tại Hàn Quốc. Những nhân viên nữ trẻ tuổi giờ đây đã thẳng thắn hơn trong việc từ chối tham gia tiệc tối cùng cấp trên và các đối tác.

Ngành du lịch chịu tác động xấu

Seva Baskin (người Belarus) đã dành 3 tháng ở Singapore vào cuối năm 2024. Anh muốn đắm mình vào văn hóa địa phương và nghĩ rằng các quán bar sẽ là nơi tốt để giao lưu. Tuy nhiên, khi anh rời khỏi nơi ở vào lúc nửa đêm của một ngày thứ Sáu thì nhận ra: tàu điện ngầm đã ngừng hoạt động, giá taxi tăng gấp đôi so với ban ngày. Johann Tuffe - một công dân Pháp 42 tuổi đã làm việc tại Singapore trong 3 năm qua - thừa nhận: “Ở Singapore, bạn cần phải biết những địa điểm, có bạn bè đưa đi chơi hoặc thật sự may mắn. Các quán bar và quán rượu nằm rải rác khắp đảo quốc nên bạn rất khó đến đúng nơi mình muốn”.

Các chuyên gia về dịch vụ khách sạn và tiếp thị nhận định sự suy giảm của dịch vụ giải trí đêm có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đến lượng du khách. Cô Benedicte Liew - giảng viên tại Trường Quản lý kinh doanh của Đại học Bách khoa Nanyang (Singapore) - cho biết: các trung tâm giải trí về đêm đóng vai trò là điểm giao thoa văn hóa, nơi cư dân và khách du lịch gặp gỡ, mang đến sự kết hợp năng động giữa ẩm thực, giải trí và trải nghiệm xã hội.

Cô nói thêm rằng, một bối cảnh giải trí về đêm sôi động sẽ thu hút du khách quốc tế tìm kiếm những trải nghiệm ngoài hoạt động tham quan truyền thống. Điều này cũng sẽ thúc đẩy chi tiêu ở các lĩnh vực khác như bán lẻ và chỗ ở.
Dù vậy, sự suy giảm của dịch vụ giải trí đêm vẫn đang diễn ra, cùng với đó là nỗi lo ngày càng lớn của những người kinh doanh dịch vụ du lịch, giải trí.

Linh La (theo Financial Times, Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI