Thế giới trẻ thơ tổn thương nặng nề vì đại dịch

16/03/2021 - 06:05

PNO - Tỷ lệ tử vong, tình trạng thất nghiệp, đói nghèo… là những hậu quả quá rõ ràng của đại dịch COVID-19, khiến ai cũng ám ảnh. Tuy nhiên, có một vấn đề trầm trọng không kém là sự tác động đến thế giới trẻ thơ, dù âm thầm nhưng hệ quả vô cùng to lớn.

Những đứa trẻ đối mặt với nghèo đói phần lớn tập trung tại Nam Á, kế đó là vùng hạ Sahara của châu Phi
Những đứa trẻ đối mặt với nghèo đói phần lớn tập trung tại Nam Á, kế đó là vùng hạ Sahara của châu Phi

Mặc dù là đối tượng bị nhiễm và tử vong thấp nhất trong đại dịch nhưng không vì thế, trẻ nhỏ được an toàn. Ngược lại, những hệ lụy xung quanh đã vô hình đè lên vai những đứa trẻ. Ở những nước nghèo, trẻ ngày càng thiếu ăn do những chương trình cứu trợ bị gián đoạn. Những cái chết đau lòng do đói nghèo và thiên tai diễn ra mỗi giờ. Ở những nước phát triển, dù được chăm sóc đầy đủ nhưng trẻ lại đối diện với tình trạng khủng hoảng tâm lý, sức khỏe tâm thần.

Chết vì đói, tảo hôn vì nghèo khó

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), COVID-19 đã khiến thêm 88 triệu người rơi vào cảnh cực nghèo trong năm 2020, phần lớn tập trung tại Nam Á, kế đó là vùng hạ Sahara của châu Phi. Riêng Tổ chức Lương thực và nông nghiệp (FAO) thống kê, thế giới năm nay có thể có thêm khoảng 83-132 triệu trẻ suy dinh dưỡng vì đại dịch. 

Hằng ngày, truyền thông vẫn đưa tin về những đứa trẻ nằm trên giường bệnh thoi thóp với bộ xương khô vì các dịch bệnh hoặc chết vì đói ở Yemen, Nigeria, Nam Sudan… khiến ai cũng xót xa. 

Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) Henrietta Fore cho biết: “Đối với các nước đang hứng chịu hậu quả của xung đột và biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 đã đẩy cuộc khủng hoảng dinh dưỡng thành một thảm họa đói nghèo. Các gia đình vốn chật vật để nuôi bản thân và con cái, nay đang đứng trước cái chết vì nạn đói".

Đại dịch, đói nghèo còn khiến nhiều quốc gia rơi vào tình trạng tảo hôn kỷ lục. Đối phó với thiếu ăn thì việc “gả” những bé gái đi lấy chồng sớm là cách để hạn chế miệng ăn trong gia đình. Vấn nạn này thường xảy ra ở Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Ấn Độ, Bangladesh, Nigeria, Kenya, Ethiopia và Malawi.

Pintu Paul, nghiên cứu viên trong lĩnh vực kết hôn trẻ em tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển trực thuộc Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), cho biết, hôn nhân ép buộc là vấn đề nan giải ở nước này. “Những gia đình nghèo khó thường tìm cách gả bán con gái mình nhằm giảm bớt áp lực về kinh tế đang đè nặng lên vai họ”, ông Paul nói.

UNICEF ước tính có 650 triệu trẻ em gái và phụ nữ còn sống ngày nay đã kết hôn khi còn nhỏ và dự đoán sẽ có thêm 10 triệu trẻ em gái trong thập niên này. Henrietta Fore nói thêm: “COVID-19 đã làm cho tình hình vốn đã khó khăn của hàng triệu cô gái thậm chí còn tồi tệ hơn”. 

Điều đặc biệt quan tâm của những người ủng hộ trẻ em là hệ lụy giữa kết hôn sớm và chết trẻ. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các biến chứng khi mang thai và sinh nở là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em gái từ 15 đến 19 tuổi ở các nước đang phát triển, và con của họ cũng có nguy cơ tử vong sơ sinh cao hơn. 

Khủng hoảng tâm thần trầm trọng

Việc trường học bị đóng cửa vì đại dịch cũng khiến cho những đứa trẻ cảm thấy bế tắc. Không bạn bè, không được ra ngoài và hằng ngày đối mặt với bốn bức tường cũng như chứng kiến sự mâu thuẫn của cha mẹ, gia đình đã khiến những đứa trẻ dần trở nên trầm lặng.

Trường học  còn là môi trường quan trọng nuôi dưỡng sức khỏe thể chất và tinh thần của các em
Trường học còn là môi trường quan trọng nuôi dưỡng sức khỏe thể chất và tinh thần của các em

Theo UNICEF, hơn 214 triệu trẻ em toàn cầu đã bỏ lỡ hơn 3/4 tổng thời gian học tập trên lớp trong năm 2020. Cơ quan này cho rằng, các trường học cần được sớm mở cửa trở lại, không chỉ để phục vụ việc học mà còn là môi trường quan trọng nuôi dưỡng sức khỏe thể chất và tinh thần của các em. 

Các bác sĩ tâm thần tại nhiều bệnh viện cho biết, trẻ em bị các cơn hoảng loạn, tim đập nhanh và các triệu chứng đau khổ về tinh thần khác ngày càng phổ biến. Tiến sĩ Richard Delorme tại Bệnh viện nhi Robert Debré (Pháp), cho rằng: “Không có nguyên mẫu nào cho đứa trẻ gặp khó khăn". Theo vị bác sĩ này, hằng ngày, bệnh viện tiếp nhận không ít trẻ bị rối loạn tâm thần - những đứa trẻ không chỉ rối loạn ăn uống, thích la hét, đập phá mà còn muốn tự tử. 

Tiến sĩ David Greenhorn cho hay, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hoàng gia Bradford, nơi ông làm việc ở Anh, trước đây mỗi tuần chỉ có vài trẻ gặp các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe tâm thần, bao gồm cả nỗ lực tự tử. Nhưng bây giờ là mỗi ngày, đôi khi còn liên quan đến trẻ em dưới tám tuổi.

Tại Robert Debré, trước đây, mỗi tháng thường tiếp nhận khoảng 20 trường hợp cố gắng tự tử của trẻ từ 15 tuổi trở xuống. Delorme nói, con số này không chỉ tăng gấp đôi kể từ tháng 9/2020, mà một số trẻ em dường như ngày càng quyết tâm kết liễu cuộc đời mình hơn. “Chúng tôi rất ngạc nhiên trước sự khao khát được chết của những đứa trẻ 12, 13 tuổi, thậm chí có những đứa trẻ chín tuổi. Mức độ căng thẳng ở trẻ thực sự rất lớn. Cuộc khủng hoảng COVID-19 ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, từ hai đến 99 tuổi”, ông nói. 

Thảo Nguyễn (theo AP, The Guardian, UNICEF)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI