Thế giới tích cực chuẩn bị phòng, chống dịch bệnh mang tính toàn cầu

28/02/2020 - 12:02

PNO - Giữa lúc Trung Quốc chiến đấu với dịch COVID-19, quốc gia này cũng đã chứng kiến sự tái phát của dịch cúm gia cầm H5N1, với hơn 17.000 con gà bị tiêu hủy vào đầu tháng 2/2020. Tuy nhiên, chuỗi sự kiện này chỉ là “phần nổi của tảng băng”, theo đánh giá năm 2019 của Tổ chức Tình báo kinh tế (EIU) về năng lực y tế toàn cầu

Lan truyền nhanh, khó ứng phó

Tháng 10/2019, báo cáo Chỉ số an ninh sức khỏe toàn cầu của EIU chỉ ra rằng, “không một quốc gia nào trên thế giới chuẩn bị đầy đủ để xử lý một dịch bệnh hay đại dịch”. Mức độ phòng, chống 100% rất khó đạt được; điểm trung bình toàn cầu là 40/100 và ngay cả ở những nước giàu nhất, điểm trung bình cũng chỉ 51,9.

Hôm 25/2, ông Bruce Aylward - chuyên gia dẫn đầu đoàn công tác của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Trung Quốc - nhận định, thế giới chưa hề chuẩn bị để đối mặt với dịch COVID-19
Hôm 25/2, ông Bruce Aylward - chuyên gia dẫn đầu đoàn công tác của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Trung Quốc - nhận định, thế giới chưa hề chuẩn bị để đối mặt với dịch COVID-19

Ngay từ tháng 3/2019, các học giả từ Viện Vi-rút học Vũ Hán và Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã xuất bản một báo cáo, dự đoán rất có khả năng các đợt bùng phát vi-rút corona trong tương lai như SARS hoặc MERS sẽ bắt nguồn từ dơi, đặc biệt là tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều mà các học giả Vũ Hán không lường trước được là, dù COVID-19 không gây tử vong mạnh mẽ như hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), nó dễ lây lan hơn gấp nhiều lần, tương tự như cúm H1N1. Việc rất dễ lây lan nhưng ít gây chết người vốn là cơ chế tiến hóa của chính vi-rút, nhằm thích nghi và nâng cao xác suất sống sót cho chính nó. Sau khi lây nhiễm từ động vật sang người, vi-rút SARS-CoV-2 tính đến 17g ngày 27/2 đã xuất hiện ở hơn 50 quốc gia.

Xu hướng tiến hóa của vi-rút khiến việc chẩn đoán bệnh trở nên tốn thời gian hơn và cộng đồng toàn cầu phải trả giá đắt hơn cho sự chậm trễ trong khâu phát hiện. 

Bài học từ COVID-19

Cho đến nay, có ba bài học quan trọng được rút ra từ dịch bệnh COVID-19.  

Đầu tiên, những nỗ lực nghiên cứu là cần thiết để chuẩn bị cho sự bùng phát dịch bệnh trong tương lai; phương pháp này giúp chuyển hành động toàn cầu từ kiểm soát và dập tắt sang phòng ngừa. Sự hợp tác chống dịch toàn cầu lẽ ra phải bắt đầu ngay từ bước này thay vì phản ứng với vi-rút sau khi nó trở thành một hiện tượng quốc tế. 

Thứ hai, khuyến cáo từ cộng đồng học thuật và khoa học cần phải được cân nhắc nhiều hơn. 

Cuối cùng, các dạng bệnh mới hầu như đều nhân lên theo thời gian, mỗi nhánh sinh vật phân ra các nhánh phụ có mức độ lây nhiễm và nguy cơ tử vong khác nhau, dễ dàng tấn công nhiều quốc gia cùng một lúc. Điều cần thiết là cách tiếp cận thận trọng và kết nối bình đẳng của cộng đồng quốc tế.

Xử lý vấn đề từ nhiều cấp độ 

Theo các chuyên gia, cách tiếp cận cần thiết của thế giới trong tương lai phải gồm ba cấp độ, bao gồm một tầm nhìn tổng quát để nhận diện đầy đủ các loại dịch bệnh khi chúng xảy ra; một tầm nhìn cận cảnh để điều tra từng căn bệnh; và một tầm nhìn xa để thấy trước việc vi-rút sẽ biến đổi như thế nào trong tương lai.

Điều này được thể hiện trong sáng kiến toàn cầu về nhận diện bộ gen vi khuẩn (GMI), được các nhà khoa học ủng hộ vào năm 2011. GMI là một hệ thống toàn cầu để tổng hợp, chia sẻ, khai thác và dịch dữ liệu gen vi sinh vật trong thời gian thực. Điều này có thể cung cấp tầm nhìn tổng quát thông qua việc chia sẻ thông tin giữa các nhà khoa học, chính phủ và khu vực tư nhân.

Chẳng hạn, EIU đã cùng Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu Singapore (A*STAR) phát triển các xét nghiệm chẩn đoán COVID-19; China Mobile tăng cường theo dõi người dùng điện thoại và giảm thiểu lây lan; Alibaba phân phối nhu yếu phẩm; Glaxosmithkline thiết kế các phương pháp điều trị, vắc-xin... 

Thông qua nghiên cứu tổng hợp về sự tiến hóa nhanh chóng của vi-rút, các nhà khoa học cũng dự đoán được tương lai. Tuy nhiên, quá trình đòi hỏi sự tham gia của siêu kính hiển vi, công cụ giải trình tự bộ gen (WGS) hoặc công cụ giải trình tự bộ gen thế hệ tiếp theo (NGS). Chúng toàn diện hơn so với các xét nghiệm hiện có gọi là xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase sao chép ngược (RT-PCR). Vì vậy, thế giới cần chuẩn bị đội ngũ được đào tạo và những tổ chức chuyên môn vững vàng nhằm đối mặt với các bệnh truyền nhiễm tiềm năng trong tương lai. 

Tấn Vỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI