Thế giới thiếu máu do nỗi lo từ đại dịch

08/10/2020 - 06:07

PNO - Cơ quan y tế Uganda cho biết, nguồn cung cấp máu đã giảm mạnh kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu do ngày càng ít người hiến máu và trường học vẫn đóng cửa, dẫn đến nhiều trường hợp bệnh nhân chết do thiếu máu.

Chị Gudiya Devi ôm con trai Vivek bên ngoài trung tâm hiến máu.  Cậu bé đã qua đời vào ngày 1/9 do không tìm được nguồn máu thích hợp  - Ảnh: Mohammad Sartaj Alam (Telegraph)
Chị Gudiya Devi ôm con trai Vivek bên ngoài trung tâm hiến máu. Cậu bé đã qua đời vào ngày 1/9 do không tìm được nguồn máu thích hợp - Ảnh: Mohammad Sartaj Alam (Telegraph)

Số người hiến máu giảm mạnh

Học sinh là nhóm người hiến máu đông nhất ở Uganda, nhưng các trường học đã đóng cửa từ tháng Ba trong nỗ lực hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Điều này đồng nghĩa, cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm thu thập máu không đạt được mục tiêu cần thiết.

Tiến sĩ Emmanuel Batiibwe - giám đốc bệnh viện dành cho tầng lớp nghèo ở thủ đô Kampala - tiết lộ nhiều trường hợp tử vong trong những tháng gần đây liên quan đến việc thiếu máu. Vào tháng Bảy, Bệnh viện Batiibwe chỉ nhận được 18/218 đơn vị máu cần thiết. Hội Chữ thập đỏ Uganda - tổ chức giúp cơ quan chức năng vận động người hiến máu - cho biết, việc vận động hiến máu không dễ dàng trong đại dịch.

Tình trạng thiếu máu cũng được báo cáo ở nhiều nơi khác, kể cả châu Âu. Truyền thông ở Romania cho rằng, nỗi sợ nhiễm COVID-19 là một trong những nguyên nhân khiến số người hiến máu giảm. Các thành phố Iasi và Cluj đang đối mặt với tình cảnh thảm khốc khi một số bệnh nhân ung thư cần được truyền máu và những người cần phẫu thuật gấp phải tự tìm người hiến tặng nếu muốn sống sót.

Thiệt hại sinh mạng gián tiếp từ đại dịch

COVID-19 đã khiến hầu hết các hoạt động hiến máu của Ấn Độ ngừng hẳn do người dân ngại đến bệnh viện. Từ đó, có những mất mát đáng lẽ đã không xảy ra. Nhớ lại ngày bế cậu con trai Vivek lả dần trên tay, chị Gudiya Devi lặng lẽ nhìn về phía chân trời. Vivek là một trong hai triệu người Ấn Độ mắc bệnh thalassemia - căn bệnh di truyền phổ biến ở Ấn Độ. Do hệ miễn dịch suy giảm nên bệnh nhân chỉ có thể sống đến 30 tuổi nếu được truyền máu giàu chất sắt hằng tháng. 
Ấn Độ đã vượt qua cột mốc 6 triệu ca mắc COVID-19 và đang chật vật kìm hãm tốc độ lây nhiễm. Do đó, chính phủ buộc phải hướng tất cả các nguồn lực chăm sóc sức khỏe cộng đồng ít ỏi của mình vào COVID-19 và vô tình bỏ rơi các bệnh khác, chẳng hạn như trường hợp của Vivek. Cậu bé năm tuổi qua đời ngay tại cửa trung tâm truyền máu do không có người hiến phù hợp.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tổng cộng 118,5 triệu lần hiến máu trên toàn thế giới mỗi năm, 40% trong số này là ở các nước có thu nhập cao, nơi sinh sống của 16% dân số thế giới; tỷ lệ hiến máu ở các nước nghèo còn quá thấp. Ít nhất 1% dân số của mỗi quốc gia phải hiến máu để đáp ứng đủ nhu cầu cơ bản cho việc truyền máu, nhưng theo báo cáo vào tháng 6/2020 của WHO, 62 quốc gia chưa đạt được tỷ lệ này, là các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình và hơn một nửa đến từ châu Phi.

Chia sẻ thông tin và tạo niềm tin

Gần đây, tại Ấn Độ, những câu chuyện về cách đưa thân nhân nhập viện sau khi nhiễm SARS-CoV-2 tràn ngập, còn những bài đăng kêu gọi hiến máu lại trôi mất. Do đó, theo Lorenna Nogueira Pacheco - bác sĩ tại Đại học Goiás (Brazil) - cách đơn giản để cải thiện hoạt động hiến máu là kết nối người hiến và người tiếp nhận thông qua internet. Người cần máu sẽ đăng ký thông tin về nhóm máu, tuổi, giới tính, thành phố và email. Bằng cách này, tin nhắn sẽ được gửi đến những người hiến máu có nhóm máu tương thích. Phương án này đã được áp dụng tại Iran, quốc gia đã kích hoạt hệ thống đặt hẹn hiến máu trực tuyến trong cả nước. 

Bên cạnh đó, bác sĩ Lorenna Nogueira Pacheco cho rằng, cần tạo lòng tin cho người hiến máu bằng quy trình nghiêm ngặt như đảm bảo giãn cách xã hội, đo nhiệt độ và phát khẩu trang, khử trùng thường xuyên các cơ sở y tế và trì hoãn lịch hẹn đến 28 ngày đối với những người hiến máu đã tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID‐19. 

Tấn Vĩ (theo AP, European Sting, Telegraph, WHO)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI