Thế giới thiếu ăn vì COVID-19: Gánh nặng đè lên vai phụ nữ

20/07/2020 - 07:01

PNO - Cuộc khủng hoảng COVID-19 đẩy nhiều gia đình vào cảnh lầm than. Trong đó, phụ nữ là những người chịu khổ nhiều nhất.

Nạn đói và suy dinh dưỡng đang gia tăng trên khắp thế giới khi cuộc khủng hoảng COVID-19 đẩy nhiều gia đình vào cảnh lầm than, hạn chế tiếp cận chế độ ăn uống lành mạnh. Trong đó, phụ nữ là những người chịu khổ nhiều nhất.

Nạn đói gia tăng 

Theo báo cáo vào giữa tháng Bảy của Liên hiệp quốc, nạn đói và suy dinh dưỡng đang gia tăng trên khắp thế giới. Ước tính gần 690 triệu người thiếu dinh dưỡng vào năm 2019, nhiều nhất kể từ năm 2009, và đại dịch có thể khiến thêm 132 triệu người rơi vào tình trạng đói kinh niên vào cuối năm nay. Đồng thời, tình trạng béo phì đang gia tăng khi các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe vẫn nằm ngoài tầm với của hàng tỷ người. 

Phụ nữ nhận những túi bắp từ chương trình viện trợ lương thực, diễn ra gần Pretoria, Nam Phi - Ảnh: Reuters
Phụ nữ nhận những túi bắp từ chương trình viện trợ lương thực, diễn ra gần Pretoria, Nam Phi - Ảnh: Reuters

Maximo Torero - nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc, đồng tác giả của báo cáo - giải thích: “Nhiều người chuyển sang dùng thực phẩm rẻ hơn, ít lành mạnh hơn, vốn có thể làm tăng mức độ thừa cân và béo phì”.

Bên cạnh đó, Jacqueline Paul - cố vấn giới tính cao cấp tại tổ chức Chương trình Lương thực thế giới tiết lộ phụ nữ sẽ chiếm khoảng 60% trong số những người bị suy dinh dưỡng kinh niên, và có những lo ngại rằng con số sẽ tăng thêm tùy thuộc vào tác động của đại dịch.

Hy sinh vì gia đình 

Hầu hết những người thiếu dinh dưỡng sống ở châu Á, mặc dù số lượng đang tăng nhanh nhất ở châu Phi do biến đổi khí hậu, xung đột, suy thoái kinh tế và bùng phát châu chấu sa mạc gây thiệt hại mùa màng, làm trầm trọng thêm nạn đói trong những năm gần đây.

Điển hình, nạn đói gia tăng tại Nam Phi do hoạt động phong tỏa vì COVID-19. Đáng chú ý, bằng chứng mới củng cố những gì các chuyên gia cho là một hiện tượng cũ: người lớn chịu đói vì lợi ích của trẻ em. Nghiên cứu động lực thu nhập quốc gia Nam Phi trong đại dịch COVID-19 công bố ngày 15/7 cho thấy, tình trạng đói ở người lớn cao hơn (22%) so với trẻ em (15%). 

Theo báo cáo, tại các hộ gia đình trải qua nạn đói trong bảy ngày (ngay trước cuộc khảo sát), 42% phụ huynh chọn hy sinh để bảo vệ con trẻ khỏi cơn đói. Các chuyên gia nói rằng đây không phải là hiện tượng mới, đặc biệt là những phụ nữ da màu hy sinh cho gia đình trong nhiều năm. 

Nomvelo Ndlovu - một bà mẹ đơn thân có bốn đứa con sống ở vùng nông thôn Mpumuza bên ngoài thành phố Pietermaritzburg, tỉnh KwaZulu-Natal bộc bạch: “Tôi đã làm những gì tôi muốn làm, những gì một người phụ nữ nên làm. Tôi có bốn đứa con và hai trong số chúng đang tuổi ăn tuổi lớn. Là một người mẹ, tôi muốn nhìn con mình hạnh phúc hơn bản thân. Đối với tôi, nhịn ăn không phải là vấn đề, nhưng nếu các con tôi đói, điều đó thực sự sẽ làm tổn thương tôi”.

Trước khi đại dịch lan đến Nam Phi, gia đình của Ndlovu vẫn xoay xở tốt, nhờ các trường học đỡ hộ một phần gánh nặng dinh dưỡng cho bầy trẻ. Nhưng hiện tại, Ndlovu nói rằng cho dù cô có cố gắng che giấu tình trạng kinh tế gia đình với những đứa con của mình, tất cả đều biết rõ có gì đó không ổn.

Chuyên gia an ninh lương thực tại Nam Phi - tiến sĩ Tracy Ledger - cho biết, trong khi cả cha lẫn mẹ đều chịu tác động, gánh nặng thường đè lên vai phụ nữ. Cô giải thích: “Phụ nữ có trách nhiệm chăm sóc trẻ em, bao gồm đặt thức ăn lên bàn, ngay cả trong các hộ gia đình mà họ không phải lao động chính. Người phụ nữ là đối tượng đầu tiên mà một đứa trẻ đói khát tìm đến khi kiếm thức ăn. Phụ nữ thường ăn cuối cùng, hoặc hoàn toàn không ăn, nhường hết cho con cái để bảo vệ chúng". 

Ngọc Hạ (theo Devex, Spotlight, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI