Thế giới sẽ không nhượng bộ đường 9 đoạn của Trung Quốc

01/09/2021 - 22:05

PNO - Mới đây, tạp chí khoa học nổi tiếng Science Advances (Mỹ) đã gỡ một bài đăng về công trình khoa học của nhóm tác giả Trung Quốc, trong đó sử dụng nhiều hình ảnh bản đồ chứa đường 9 đoạn.

Hôm 25/8, tạp chí khoa học Science Advances đăng tải nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Trung Quốc về chủ đề biến đổi khí hậu có tựa đề “Rapid greening response of China’s 2020 spring vegetation to COVID-19 restrictions: Implications for climate change”.

Đáng chú ý, trong báo cáo, nhóm tác giả người Trung Quốc từ các cơ quan nghiên cứu về môi trường, biến đổi khí hậu, khoa học địa chất đã sử dụng bản đồ đường lưỡi bò (đường 9 đoạn) dẫn đến việc vấp phải sự chỉ trích từ phía các nhà khoa học Việt Nam và quốc gia khác trong khu vực.

Báo cáo của các nhà khoa học Trung Quốc sử dụng bản đồ chưa hình ảnh đường lưỡi bò
Báo cáo của các nhà khoa học Trung Quốc sử dụng bản đồ chứa hình ảnh đường lưỡi bò

Đến sáng 31/8, tạp chí Science Advances đưa ra thông báo trên trang Facebook về việc rút bài đăng trước đó, và xem xét các hướng xử lý tiếp theo do các tranh cãi về vấn đề chủ quyền biển đảo.

Theo Sputniknew, động thái này của tạp chí được đưa ra sau khi các nhà khoa học Việt Nam đồng loạt lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Trong đó, Trợ lý giáo sư Đinh Ngọc Thạnh (ĐH Soongsil, Hàn Quốc) đã báo cáo phản hồi, gửi thư đến tạp chí và thông qua trang cá nhân Facebook kêu gọi các nhà khoa học cùng lên tiếng.

Ông Đinh Ngọc Thạnh nhấn mạnh “Các nhà khoa học và mọi người phải cùng lên tiếng phản đối xuất bản những tài liệu vi phạm chủ quyền của Việt Nam như thế này. Nếu cộng đồng khoa học Việt Nam im lặng thì e rằng chúng ta sẽ thua về chủ quyền ngay trên sân chơi khoa học”.

Trang Facebook của Science Advances  đưa ra lời xin lỗi và gỡ bõ bài đăng trước đó. Dù vậy, báo cáo khoa học vẫn tồn tại trên trang web chính thức của tạp chí
Trang Facebook của Science Advances đưa ra lời xin lỗi và gỡ bõ bài đăng trước đó. Dù vậy, báo cáo khoa học vẫn tồn tại trên trang web chính thức của tạp chí

Đáng chú ý, về vấn đề đăng tải bản đồ đường 9 đoạn trong các bài viết khoa học, hãng tin Sputnik dẫn lời Ths. Nguyễn Thùy Anh, Viện Biển Đông cho rằng, trước năm 2009, số lượng các bài báo có bản đồ yêu sách này chỉ mang tính đơn lẻ.

Tuy nhiên, kể từ năm 2010 đến thời điểm hiện tại, số lượng những bài đăng, hình ảnh, ấn phẩm đều tăng lên. Năm 2018, các tạp chí khoa học tự nhiên uy tín đã đăng hơn 57 bài. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019 có 45 bài, con số này cũng không giảm trong năm 2020 và 2021.

Vào năm 2016, Scientific Reports - tạp chí được xuất bản bởi Nature Publishing Group có trụ sở chính tại London (Anh) - đã yêu cầu một nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Trung Quốc, xóa đường chín đoạn khỏi bài báo của mình, và yêu cầu người này sử dụng thuật ngữ "Trung Quốc mở rộng" để mô tả một bản đồ bao gồm đảo Đài Loan.

Bên cạnh các ấn bản khoa học, Trung Quốc thường xuyên tìm cách đưa hình ảnh đường 9 đoạn vào các sản phẩm, bài đăng, phim ảnh mang tính quốc tế.

Hồi đầu tháng Tám, bộ phim chiếu mạng của Trung Quốc “Em là niềm kiêu hãnh của anh” với sự tham gia Dương Dương và Địch Lệ Nhiệt Ba cũng nhanh chóng bị nhiều trang giải trí ngừng cập nhật phát sóng do bị phát hiện có chứa hình ảnh bản đồ đường lưỡi bò. Đáng nói, nhà phát hành WeTV khẳng định đã xử lý khi duyệt phim, biên tập nội dung đầy đủ.

Cảnh phim ở tập 9 Em là niềm kiêu hãnh của anh tại phút 26:40 có hình ảnh đường lưỡi bò
Cảnh phim ở tập 9 "Em là niềm kiêu hãnh của anh" tại phút 26:40 có hình ảnh "đường lưỡi bò"

Tương tự, nhiều bộ phim Trung Quốc có chứa bản đồ 9 đoạn cũng bị phát hiện, tạo nên làn sóng tẩy chay như “Em là thành trì lũy doanh của anh”, “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta”, “Lấy danh nghĩa người nhà”, “Everest – người tuyết bé nhỏ”.

Hơn hết, “Everest – người tuyết bé nhỏ” vốn dĩ là một phim hoạt hình dành cho trẻ em do hãng DreamWorks (Mỹ) hợp tác sản xuất với Pearl Studio có trụ sở tại Thượng Hải. Trong một phân cảnh, nhà sản xuất đã lồng ghép hiển thị bản đồ châu Á với phiên bản “mở rộng” của đường chín đoạn - bản đồ "đường 10 đoạn" do Bắc Kinh ban hành vào năm 2013.

Cảnh trong tập 15 phim Em là thành trì doanh lũy của anh có bản đồ Trung Quốc với đường lưỡi bò
Cảnh trong tập 15 phim "Em là thành trì doanh lũy của anh" có bản đồ Trung Quốc với "đường lưỡi bò"

Đáp lại, Việt Nam đã rút “Everest – người tuyết bé nhỏ” khỏi các rạp chiếu phim, trong khi ngoại trưởng Philippines kêu gọi cắt cảnh chiếu bản đồ và tẩy chay bộ phim. Ban kiểm duyệt phim của Malaysia cũng yêu cầu cắt bỏ cảnh phim trước khi phát hành.

Vào tháng Bảy, kênh Netflix cũng gỡ một chương trình về gián điệp của Úc khỏi các dịch vụ trình chiếu của họ ở Việt Nam do chứa các phân cảnh có bản đồ Biển Đông thể hiện các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

Cảnh trong phim Everest – người tuyết bé nhỏ hay tựa tiếng Anh là Abominable có chứa bản đồ đường 10 đoạn
Cảnh trong phim "Everest – người tuyết bé nhỏ" hay tựa tiếng Anh là "Abominable" có chứa bản đồ đường 10 đoạn

Netflix xác nhận rằng “Pine Gap” – theo mô tả là một bộ phim kinh dị chính trị quốc tế xoay quanh cơ sở tình báo quốc phòng chung của Úc và Mỹ tại Pine Gap, Lãnh thổ phía Bắc của Úc - đã bị xóa trên nền tảng trình chiếu tại Việt Nam, nhưng "chương trình vẫn có sẵn trên dịch vụ của Netflix ở các nơi khác trên thế giới".

Đường chín đoạn (Nine-dash line) hay còn gọi là Đường lưỡi bò, Đường chữ U là tên gọi dùng để chỉ khu vực bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Yêu sách về quyền lịch sử này của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị Tòa trọng tài Thường trực quốc tế The Hague Hà Lan bác bỏ trong vụ kiện mà Bắc Kinh thua trước chính quyền Philippines năm 2016.

Hình ảnh bản đồ 9 đoạn trong phim Pine Gap
Hình ảnh bản đồ 9 đoạn trong phim "Pine Gap"

 

Linh La (theo Sputnik, TNO, Guardian, France24)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI