Thế giới sẽ còn đối mặt nhiều đại dịch trong tương lai

29/03/2020 - 06:01

PNO - Tổ chức National Geographic cảnh báo, sẽ có nhiều dịch bệnh như COVID-19 xuất hiện trong tương lai do nạn phá rừng và sử dụng động vật hoang dã.

 Chiến dịch Vì tự nhiên của Tổ chức National Geographic cảnh báo, sẽ có nhiều dịch bệnh như COVID-19 xuất hiện trong tương lai do nạn phá rừng và sử dụng động vật hoang dã làm vật nuôi, thực phẩm, thuốc men.

Tiến sĩ Samuel Myers từ tổ chức Planetary Health Alliance cho biết, sự xâm nhập của con người vào môi trường sống hoang dã đưa mọi người đến gần hơn với các quần thể động vật. Phát biểu trên tờ Automatic, ông Myers nói: “Theo những gì chúng ta biết, các động vật khác là một kho chứa mầm bệnh khổng lồ, nhiều mầm bệnh trong số đó chưa được tìm hiểu rõ”.

Du khách tham quan một chợ động vật hoang dã trên đảo Sulawesi, Indonesia vào tháng 2/2020
Du khách tham quan một chợ động vật hoang dã trên đảo Sulawesi, Indonesia vào tháng 2/2020

David Quammen - chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm cộng tác cùng National Geographic - cho biết, hệ sinh thái của chúng ta chứa nhiều loài động vật hoang dã, thực vật, nấm và vi khuẩn khác nhau. Bên trong mỗi loài, có rất nhiều loại vi-rút độc có thể lây lan sang người như cách SARS-CoV-2 đã thực hiện.

Ông Quammen khẳng định: “Một khi kiểm soát được COVID-19, chúng ta cần bắt đầu suy nghĩ về dịch bệnh tiếp theo”. Ông chia sẻ với tờ Independent của Anh: “Khi chúng ta phá rừng nhiệt đới để xây dựng làng mạc, lấy gỗ, giết hoặc bắt thú rừng để làm thức ăn, chúng ta lật tung số vi-rút đó như vẫy côn trùng bay ra khi dọn đống cỏ khô. Những khoảnh khắc hủy diệt thiên nhiên tạo cơ hội cho các vi-rút lạ xâm nhập vào xã hội con người và sinh sôi”.

Bệnh COVID-19 được cho là đã truyền từ động vật sang người tại một ngôi chợ động vật hoang dã ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Sau đó, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm tiêu thụ và triệt phá các chợ động vật hoang dã. Các nhà nghiên cứu cho rằng, những quy định mới là yếu tố cần thiết để bảo vệ hành tinh cũng như giáo dục về mối liên hệ giữa hủy hoại môi trường và sự gia tăng của bệnh truyền nhiễm.

Các căn bệnh có thể di chuyển từ người sang động vật và ngược lại chiếm hơn 17% các bệnh truyền nhiễm và gây ra hơn 700.000 ca tử vong hằng năm. Số lượng các bệnh này đã gia tăng kể từ những năm 1950 khi 30 bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện lần đầu tiên. Vào những năm 1980, con số này đã tăng gấp ba lần. Chúng bao gồm các bệnh có nguồn gốc động vật như HIV, Ebola, SARS, MERS và Zika. Đây không chỉ là vấn đề con người xâm lấn vào các lãnh thổ động vật. Sự biến đổi khí hậu và nhiệt độ tăng đang tạo điều kiện tốt hơn cho dịch bệnh lây lan, chẳng hạn sốt rét được tìm thấy ở các vĩ độ và độ cao lớn hơn như vùng cao nguyên Kenya. 

Ngọc Hạ (theo Daily Mail, Independent)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI