Thế giới phẳng rồi, sao vẫn còn 'ngăn sông cấm chợ'?

21/07/2017 - 00:30

PNO - “Thế giới phẳng” (The World Is Flat) – quyển sách kinh điển của thời đại internet không phải bỗng dưng mà tựa phiên bản chuyển ngữ sang tiếng Việt của nó lại trở thành câu nói cửa miệng phổ biến ngày nay.

Vâng, thế mà trong “thế giới phẳng” hôm nay, sao vẫn còn tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, hoặc là những tư duy “ngăn sông cấm chợ”? Mà đáng nói là, tình trạng ấy, tư duy ấy, lại xuất phát từ các cơ quan công quyền, cơ quan quản lí nhà nước.

Chia taxi theo vùng

Trong dự thảo Quy chế quản lý xe taxi trên địa bàn thành phố được UBND TP.Hà Nội đưa ra lấy ý kiến người dân, qui định phân chia ra thành 2 loại taxi ngoại thành và taxi nội thành. Theo đó, taxi khu vực nào chỉ được đón khách ở khu vực đó. Taxi ngoại thành sẽ bị khống chế về thời gian và địa điểm dừng đỗ trong nội thành…

The gioi phang roi, sao van con 'ngan song cam cho'?
Ngoại thành hay nội thành thì cũng ở thành phố Hà Nội, sao lại chia cắt, phân biệt đối xử gây ra thiệt thòi cho bên này hay bên kia?

Mới là dự thảo để xin ý kiến thôi mà đã bị nhiều người dân… cho ý kiến lại, rằng: Tư duy quản lí như thế là “ngăn sông cấm chợ”. Đơn giản, người dân khi mua ôtô, rồi làm bằng lái, chẳng có qui định nào nói rằng họ hay tài xế của họ chỉ được điều khiển xe trong khu vực nhất định, thậm chí là chỉ được đi trong thành phố Hà Nội. Giấy phép cấp cho doanh nghiệp vận tải taxi cũng thế, chắc chắn không có chuyện ghi rằng chỉ được làm dịch vụ vận chuyển hành khách trong khu vực nội thành hoặc ngoại thành mà thôi.

Nếu phải liệt kê ra tình huống gây bất hợp lí của dự thảo qui định trên thì nhiều lắm. Chỉ cần tóm lược lại: Ngoại thành hay nội thành thì cũng ở thành phố Hà Nội, sao lại chia cắt, phân biệt đối xử gây ra thiệt thòi cho bên này hay bên kia? Quản lí taxi nhưng có cần thiết chia vùng như thế? Taxi bị chia vùng, bị khống chế hoạt động hạn chế trong khu vực nhất định, vậy nói rộng ra các xe khách liên tỉnh thì sao, rồi tàu lửa, máy bay thì sao.v.v… Vậy khi dư luận đã chỉ ra sự bất hợp lí quá mức của điều dự thảo trên rồi, thiết nghĩ UBND TP.Hà Nội tiếp thu và sớm điều chỉnh lại.

Cát Bình Định không được bán ra ngoại tỉnh

Tỉnh Bình Định đang thiếu hụt một lượng cát lớn. Và để đáp ứng nhu cầu xây dựng công trình, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng không được làm thủ tục để vận chuyển cát xây dựng ra khỏi địa bàn tỉnh.

Theo chỉ đạo này, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cũng như bán cát xây dựng. Doanh nghiệp nào thực hiện không đúng theo giấy phép khai thác, xuất bán cát ra ngoại tỉnh thì có thể bị đề xuất thu hồi giấy phép khai thác, không gia hạn giấy phép khi hết hạn.

The gioi phang roi, sao van con 'ngan song cam cho'?
Cát Bình Định không được bán ra ngoại tỉnh

Ngoài Bình Định thì một số tỉnh ven biển Nam Trung bộ, ĐBSCL cũng có chủ trương ưu tiên cát cho tiêu thụ nội tỉnh và không bán cát ra ngoại tỉnh.

Có thể hiểu đây là một phản ứng nhằm bảo vệ giá – tránh tình trạng giá cát trong tỉnh bị nâng cao vì khan hiếm, đồng thời ưu tiên cho tiêu thụ nội tỉnh, đặc biệt là các công trình quan trọng.

Ưu tiên là chuyện bình thường trong cơ chế quản lí và điều tiết, điều phối trên thị trường cũng như trong chính sách. Thế nhưng từ ưu tiên mà đi đến chủ trương không bán cát ra tỉnh ngoài, thì đã trở thành vấn đề đụng đến tự do kinh doanh, quyền tự chủ của doanh nghiệp. Dù đang là chủ trương, thì cũng cần phải xem xét có trái những qui định về tự do kinh doanh, trái với Luật Doanh nghiệp hay không. Bởi đối với các điểm bán, hay doanh nghiệp kinh doanh cát xây dựng, luật pháp hiện hành không hề cấm họ buôn bán, lưu thông cát hàng hóa trong lãnh thổ Việt Nam ngoại trừ việc xuất ra nước ngoài.

Lâu nay trường hợp các giấy phép khai thác cát do các tỉnh cấp thường có nhiều loại. Giấy phép chỉ cho khai thác cát tại địa điểm nhất định, khối lượng ghi rõ, và phục vụ cho công trình nào cụ thể. Có trường hợp cho khai thác dưới dạng nạo vét định rõ địa điểm hay khu vực, xác định khối lượng, nhưng không đề cập đến việc tiêu thụ. Trong trường hợp này, không những không thể đưa ra lệnh cấm bán ra ngoại tỉnh, mà cũng không thể áp chủ trương không bán ra tỉnh ngoài ép doanh nghiệp thực hiện, bởi như thế chính là “ngăn sông cấm chợ”.

Thụy Du

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI