Hãy dừng kiểm soát cách làm mẹ
“Stop Censoring Motherhood” (Hãy dừng kiểm soát cách làm mẹ) là tên của dự án mà nhiếp ảnh gia Ashlee Wells Jackson (sống ở Chicago, Mỹ) cùng người bạn đời Laura Weetzie Wilson vừa phát động trên nền tảng mạng xã hội Facebook và Instagram. Ashlee nổi tiếng với hàng ngàn bức ảnh chụp 450 bà mẹ sau sinh.
Những bức ảnh của cô khắc họa rõ nét tình mẫu tử thiêng liêng khi người mẹ thực hiện thiên chức, và mô tả cả những chi tiết về sự thay đổi cơ thể của người mẹ sau sinh. Thế nhưng, điều cản trở Ashlee là tài khoản Facebook và Instagram của cô liên tục bị cảnh báo, thậm chí bị buộc ngưng hoạt động nhiều lần với lý do những hình ảnh ấy bị cho là nhạy cảm.
Mới đây, tài khoản Instagram của cô lại bị khóa vì lý do tương tự. Ashlee chia sẻ: “Những bức ảnh của tôi không xâm phạm quy tắc đăng ảnh của Facebook hay Instagram nhưng họ vẫn gây khó dễ. Tôi chỉ muốn chia sẻ những bức ảnh chân thật nhất giúp mọi người hiểu hành trình làm mẹ vất vả nhưng đầy cảm xúc, ý nghĩa đến thế nào”.
Dự án “Stop Censoring Motherhood” ra đời với mong muốn kêu gọi các mạng xã hội hãy linh động, có cơ chế thân thiện hơn với những bức ảnh chủ đề mẹ và con.
Beyoncé viết bài chia sẻ về nữ quyền
Nữ ca sĩ Beyoncé - tượng đài âm nhạc của giới trẻ cũng là một trong những người nổi tiếng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động truyền cảm hứng cho nữ giới. Mới đây Beyoncé đã viết bài chia sẻ về nữ quyền.
Bài viết của cô gửi đến tổ chức Shriver Report, là sáng kiến truyền thông do nhà báo, cũng là cựu phu nhân Thống đốc bang California (Mỹ) Maria Shriver sáng lập nhằm tạo diễn đàn thảo luận về những khuynh hướng xã hội ảnh hưởng đến phụ nữ.
Trong diễn văn của mình, Beyoncé nhấn mạnh: “Truyền thông nhiều lần nhắc đến xu hướng nữ giới nắm quyền nhưng chúng ta không cần điều đó. Chúng ta cần một nửa lao động Mỹ là nữ giới có được mức lương xứng đáng với sức lao động. Hiện mức lương nữ giới chỉ bằng khoảng 70% lương nam giới ở cùng ngành nghề và cấp bậc”.
Với Beyoncé, nữ quyền không chỉ là mỹ từ xuất hiện trên truyền thông mà phải là sự công bằng.
Dịch vụ khách sạn dành riêng cho quý cô
Khảo sát trong ngành du lịch phục vụ du khách nữ, giáo sư Judi Brownell - Chuyên ngành truyền thông tổ chức tại Đại học Cornell - cho biết, ba yếu tố quan trọng nhất khách hàng nữ lưu tâm khi chọn khách sạn là: điều kiện an toàn, cảm giác mình có quyền định đoạt và được chăm sóc.
Dựa vào kết quả nghiên cứu này, nhiều khách sạn đã mở riêng dịch vụ hướng đến đối tượng khách hàng nữ. Khách sạn Naumi (Singapore) dành hẳn tầng ba với chín phòng cho những vị khách đặc biệt. Những căn phòng này trang bị sẵn thảm tập yoga, sản phẩm chăm sóc da và cả máy duỗi tóc. Khách sạn Dukes London (Anh) thì có 15 phòng trang trí hoa tươi, có những tạp chí thời trang sành điệu cho khách hàng nữ.
Cô Susan Leung, Giám đốc kinh doanh của khách sạn Crowne Plaza Bloomington (Mỹ) cho biết, việc chú ý và cung cấp những dịch vụ, vật dụng cho nữ giới đã khiến khách sạn này trở thành một trong những lựa chọn mà khách hàng nữ (chiếm 47% số lượng khách hàng thường xuyên) đặt lên hàng đầu khi đến khu vực này.
Tim Cook viết bài ủng hộ bình đẳng cho người lao động
Giám đốc điều hành Apple Tim Cook thường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông chia sẻ quan điểm về công việc, quản lý nhân sự. Mới đây, ông có bài đặc biệt trên tờ Wall Street Journal. Đây là lần đầu tiên Tim Cook trực tiếp chia sẻ quan điểm cá nhân liên quan đến việc ủng hộ sự bình đẳng cho người lao động.
Ông viết: “Việc tôn trọng sự đa dạng của cá nhân là vấn đề cơ bản của quyền con người. Sự đa dạng ấy tạo nên môi trường sáng tạo, đóng góp đáng kể vào sự thành công cho việc kinh doanh của chúng tôi. Chỉ khi người lao động cảm thấy được đánh giá đúng với giá trị của mình thì họ mới thoải mái, tự tin làm việc một cách tốt nhất”.
Ở đây, Tim Cook nhấn mạnh đến việc các công ty phải tuân thủ đạo luật chống kỳ thị trong lao động, hướng đến bảo vệ sự đa dạng giới tính trong môi trường làm việc. Nhiều năm trước, Tim Cook công khai mình là người đồng tính và ông luôn có tên trong danh sách những người đồng tính có ảnh hưởng nhất ở Mỹ.
Ứng dụng giúp trẻ tránh bị bắt nạt
Tổ chức xã hội hoạt động vì trẻ em Plan International của Anh công bố số liệu khảo sát trong năm 2017 cho thấy, có đến 50% trẻ em gái (từ 11-18 tuổi) bị bắt nạt trên mạng. Môi trường mạng được cho là môi trường lý tưởng để các vụ bắt nạt xảy ra bất cứ lúc nào. Nhận thức được điều này, nhiều ứng dụng đã được viết dựa trên nền tảng trí thông minh nhân tạo nhằm bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt trên mạng.
Một số ứng dụng uy tín phổ biến nhất hiện nay trên thế giới là Know Bullying, TooToot, Net Nanny, Kaspersky Safe Kids, WebWatcher, CloseCircle, SafeToNet… Các ứng dụng trên có điểm chung là cung cấp kiến thức cơ bản giúp phụ huynh nhận diện dấu hiệu trẻ bị bắt nạt trên mạng, chủ động lọc những nội dung phù hợp cho trẻ tiếp cận, theo dõi những trang mạng con mình đã vào nhằm can thiệp kịp thời.
Adidas sản xuất giày từ nhựa tái chế
Hãng giày Đức Adidas báo cáo trong năm 2017, họ đã bán được một triệu đôi giày làm từ rác thải nhựa đại dương. Chất liệu làm ra mỗi đôi giày đến từ trung bình 11 vỏ chai nhựa, hoặc từ các nguyên liệu khó phân hủy khác trôi dạt trên biển, hay nằm sâu dưới đáy biển. Đây là một trong những dự án quan trọng mà Adidas cam kết thực hiện nhằm tạo quy trình sản xuất, bán hàng thân thiện môi trường.
Năm 2016, công ty này kêu gọi giảm dùng túi nhựa ở 2.900 cửa hàng bán lẻ trên toàn thế giới. Kết quả là tiết kiệm đến 70 triệu túi nhựa và thay thế bằng túi giấy. Adidas đã có kế hoạch đến năm 2024 sản xuất tất cả sản phẩm giày và phụ kiện bằng nhựa tái chế.
Anh Thông (tổng hợp)