Cùng con đọc sách

Thế giới nhiệm mầu trong những trang sách

21/04/2021 - 06:41

PNO - Trẻ có một tình yêu và sự thích thú tự nhiên với những cuốn sách, chỉ cần luôn có ai đó sẵn sàng cầm lên một cuốn sách và ngồi xuống mở sách ra để đọc cùng trẻ, bằng tất cả sự chú tâm và niềm vui.

Những buổi sáng cuối tuần, tôi luôn cố ngủ muộn thêm một chút để khi thức dậy, bước vào phòng đọc gia đình, sẽ được ngắm nhìn một khoảnh khắc cảm động và tan chảy. Đó là hình ảnh một em bé dậy sớm, lặng lẽ ngồi ghếch chân lên ghế, đọc say sưa một cuốn sách mà em yêu thích. Khi phát hiện có người đang ngẩn ra ngắm mình, em sẽ ngẩng đầu lên, khẽ nói: “Mẹ có muốn đọc cùng con hai trang thôi không?”. Và thế là, giờ đọc sách buổi sáng của chúng tôi bắt đầu…

Những cuốn sách thiếu nhi đầu tiên được chúng tôi mua về khi chuẩn bị sinh con đầu lòng. Mỗi tối trước giờ đi ngủ, cả nhà lại cùng đọc một chương trong cuốn Chiếc mũ của phù thủy của nhà văn Tove Jansson cho em bé trong bụng nghe. Cuộc thám hiểm đầy kỳ lạ ở thung lũng Mumi và bức tranh sinh động của mùa hè phương Bắc đã trở thành một ngăn ký ức ấm áp của cả nhà. Giờ đọc sách trước khi đi ngủ cũng được duy trì trong gia đình từ ngày đó, cho đến tận bây giờ, 11 năm sau, khi chúng tôi đã có thêm một em bé nữa, vừa tròn năm tuổi.

Chị Hoài Anh trong những giờ đọc sách cho trẻ ở Hà Nội - Ảnh: nhân vật cung cấp
Chị Hoài Anh trong những giờ đọc sách cho trẻ ở Hà Nội - Ảnh: nhân vật cung cấp

Trong quá trình làm việc với phụ huynh, thầy cô giáo và những người quan tâm đến việc nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ, câu hỏi tôi thường nhận được nhất là “làm thế nào để trẻ thích đọc sách?”. 

Câu hỏi này luôn gợi nhắc tôi về một buổi đọc sách tại Hội sách mùa thu ở Hoàng thành Thăng Long vài năm trước. Hôm đó, tôi được mời đến để đọc sách cho các bạn nhỏ nghe tại sân khấu của hội sách vào lúc 5 giờ chiều. Gần đến giờ đọc sách nhưng khu vực sân khấu rất thưa thớt, vắng vẻ. Mặc dù thông báo đã được phát vài lần trên loa nhưng có vẻ không ai chú ý. Đúng giờ, tôi cầm sách lên sân khấu và bắt đầu đọc sách cùng bạn nhỏ duy nhất có mặt cùng bố lúc đó. Chúng tôi đọc cuốn Cuộc du hành bất đắc dĩ của Stanley và vô cùng hồi hộp với những sự cố “kinh khủng hãi hùng” mà bạn túi ni-lông Stanley gặp phải khi bị rơi xuống biển sâu. 

Tại TP.HCM, hội thi Lớn lên cùng sách cũng được tổ chức từ nhiều năm nay nhằm phát huy văn hóa đọc trong nhà trường. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM còn tổ chức hội thi sáng tác ảnh với chủ đề Trò chuyện cùng sách nhằm khuyến khích học sinh đọc sách. 

Ở các trường, học sinh cũng được khuyến khích đọc sách. Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) vừa tổ chức tổng kết dự án Sách và những chuyến đi. Đây là dự án do cô Đặng Thị Sang, giáo viên ngữ văn, triển khai cho lớp 10A13 của trường trong thời gian khoảng năm tuần. Thông qua hình thức mô phỏng một chuyến đi của thanh xuân với nhiều trạm dừng chân; học sinh sẽ ghi chép lại những cảm nhận về cuộc sống, con người, những trích dẫn hay trong sách.

Ở mỗi trạm dừng chân, học sinh sẽ có bảng tóm tắt nội dung, ý nghĩa của cuốn sách với hình thức báo tường hoặc những trang nhật ký đọc sách, những bức tranh, những câu nói ấn tượng được ghi chép lại. Dự án lấy ý tưởng từ tiết đọc sách của Trường THPT Bùi Thị Xuân với mong muốn học sinh có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn tri thức rộng mở từ trang sách, truyền cảm hứng và khơi gợi, kiến tạo thói quen đọc sách. 

Q.Phạm

 

Dần dần, tôi thấy các bạn nhỏ kéo cha mẹ đến. Lũ trẻ kéo đến ngày một đông hơn, bạn nào cũng nhanh chóng tìm một chỗ để quây quần xung quanh nghe tôi đọc sách. Buổi chiều hôm đó vẫn luôn là buổi đọc sách đáng nhớ nhất của tôi, giúp tôi nhận ra nhiều bài học quý báu cho công việc đọc sách cùng trẻ sau này. Đó cũng là câu trả lời tự tin nhất mà tôi chia sẻ với các phụ huynh và thầy cô giáo khi được hỏi làm thế nào để trẻ thích đọc sách. Tôi tin rằng, trẻ có một tình yêu và sự thích thú tự nhiên với những cuốn sách, chỉ cần luôn có ai đó sẵn sàng cầm lên một cuốn sách và ngồi xuống mở sách ra để đọc cùng trẻ, bằng tất cả sự chú tâm và niềm vui.

Và người ấy không ai khác, phải chính là cha mẹ trẻ. Người đầu tiên đưa trẻ vào thế giới sách nên là cha mẹ. Nơi đầu tiên nuôi dưỡng tình yêu đọc cho trẻ cần là gia đình.

Mem Fox, tác giả sách thiếu nhi được yêu thích nhất nước Úc, trong cuốn sách Reading Magic có chia sẻ: “Khi một số cha mẹ nói với tôi rằng, họ không đủ thời gian để đọc sách cho con dù chỉ 10 phút mỗi ngày, tôi cảm thấy lặng người đi. Bản thân chúng ta cần phải tự tạo ra thời gian cho chính mình”.

“10 phút đọc sách cùng con mỗi ngày”, chỉ 10 phút thôi, việc tưởng chừng đơn giản này lại là thử thách của không ít bậc cha mẹ. Công việc bận rộn, áp lực cuộc sống và những lo toan, bận tâm chất ngất mỗi ngày khiến cha mẹ không còn cảm hứng để làm bất cứ điều gì vui vẻ cùng con ngoài những công việc mang tính chất trách nhiệm như cho con ăn, kèm con học. Chúng ta đã hoàn toàn quên mất việc vui chơi như một đứa trẻ cùng con như thế nào, đọc đi đọc lại một cuốn sách ngốc nghếch chỉ vì nó buồn cười không chịu được hay ngồi lặng im bên nhau thật lâu để quan sát một điều gì đó cùng con… 

Nhưng, chúng ta chẳng còn cách nào khác ngoài việc tự tạo ra thời gian cho chính mình. 

Theo một khảo sát gần đây, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Đồng thời, thời gian dành cho việc đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới. Còn theo số liệu khảo sát của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), khi được hỏi dùng thời gian rảnh để làm việc gì là chủ yếu, có đến 41,7% số bạn trẻ trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% đọc sách. 

Theo thống kê của Vụ Thư viện thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trung bình một người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm. Điều đáng tiếc nhất chính là trong số 4 cuốn sách được đọc, có đến 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn còn lại là thể loại khác. So sánh với Singapore, trung bình người dân nước này đọc 14 cuốn sách mỗi năm, người Nhật đọc 20 cuốn; với một số nước như Đức, Pháp, Israel… con số này là trên 20 cuốn/năm. 

Một số gợi ý giúp cha mẹ đọc sách cùng con

- Thiết lập giờ đọc sách của cả gia đình: Hãy chọn ra một khoảng thời gian thoải mái, thư giãn, thong thả nhất trong ngày để làm giờ đọc sách của cả gia đình. Đó có thể là giờ đọc sách trước khi đi ngủ, giờ đọc sách buổi sáng khi con thức dậy hoặc những ngày cuối tuần thảnh thơi. Cả nhà có thể cùng nhau đọc chung một cuốn sách hoặc mỗi người tự đọc cuốn sách yêu thích của mình. Hãy dành ít phút sau khi đọc để chia sẻ những điều thú vị trong cuốn sách vừa đọc, cùng chơi một trò chơi liên quan đến cuốn sách ấy hoặc làm một món đồ thủ công gợi cảm hứng từ cuốn sách để tận hưởng niềm vui mà những cuốn sách mang lại.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

- Góc đọc sách của gia đình: Một góc đọc sách gần gũi, thoải mái, êm ái với những kệ sách nhỏ tiện dụng, có thể dễ dàng tìm thấy cuốn sách yêu thích cũng là điều rất tuyệt vời. Cha mẹ có thể đặt những kệ sách nhỏ trong phòng ngủ, phòng khách để trẻ có thể dễ dàng nhìn thấy sách mỗi ngày và chọn một cuốn sách yêu thích để đọc cùng cha mẹ. 

- Đọc sách để nuôi dưỡng niềm vui và sự gắn bó: Hãy để trẻ tận hưởng niềm vui trong trẻo của việc đọc và xây dựng mối quan hệ gắn bó bền chặt với cha mẹ qua những giờ đọc sách trong gia đình. Đó mới là điều giúp trẻ nuôi dưỡng và duy trì niềm vui đọc sách trở thành thói quen lâu dài theo trẻ đến khi trưởng thành.

- Làm giàu trải nghiệm đọc cùng con: Cha mẹ hãy cùng trẻ đi nhà sách, tới thư viện mỗi cuối tuần hoặc định kỳ hằng tháng. Cả gia đình có thể tham gia các buổi đọc sách cộng đồng, các hoạt động triển lãm sách dành cho thiếu nhi hay các cuộc gặp gỡ, giao lưu với tác giả để mở rộng sự cảm nhận, tương tác và tri thức của trẻ ra ngoài cuốn sách. Đây cũng là những chất liệu tuyệt vời để nuôi dưỡng niềm vui đọc sách lâu dài cho trẻ.

Phạm Thị Hoài Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI