Tự bao giờ, những nhân vật người già đã trở thành “dàn bao” trên cả màn ảnh nhỏ lẫn màn ảnh rộng. Sự xuất hiện của họ, nếu may mắn thì được chăm chút khắc họa số phận, tính cách; nếu không, chỉ là một mắt xích góp phần hoàn chỉnh những gam màu gia đình, mà trọng tâm câu chuyện hướng về tuyến trẻ.
Trong phim Lửa ấm (đang phát sóng trên kênh VTV1), NSND Lan Hương vào vai bà Mai. Bà Mai là hình ảnh một người mẹ, người bà nội trợ, vai trò quanh quẩn trong nhà/ngoài chợ với những nỗi lo lắng về nghề nghiệp, con cháu. Trong phim Yêu trong đau thương (VTV3), NSND Kim Xuân vào vai bà Hai phú hộ hiền đức nhưng sớm qua đời vì cú sốc con trai ngoại tình.
|
Có được một nhân vật người già được khắc họa xúc động, ấn tượng như bố Sơn trong phim Về nhà đi con là điều vô cùng hiếm hoi của màn ảnh nhỏ |
Phim Vua bánh mì đang phát trên THVL 1 có nhân vật bà nội vô tình bị xô ngã chết vì phát hiện con dâu ngoại tình. NSƯT Hữu Châu góp mặt trong phim Trói buộc yêu thương (VTV3) với “nhiệm vụ” làm mềm đi xung đột kịch tính của phim bằng tiếng cười, sự hài hước của nhân vật… Chưa kể rất nhiều phim trước đó cũng chỉ tập trung câu chuyện về tuyến nhân vật trẻ, còn nhân vật già có xuất hiện hay không cũng không quan trọng.
Sự chênh lệch/thiếu vắng tuyến nhân vật người già trên màn ảnh lâu nay rất lớn. Họ đơn thuần chỉ được xây dựng là những nhân vật “dàn bao”, việc xuất hiện hay mất đi trên phim đều dễ dàng. Nếu may mắn nhân vật được khắc họa ấn tượng, diễn viên có thêm nhiều đất diễn. Ngược lại, nói như biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương, có khi nhân vật bị “bóp méo, làm nhạt đi” theo mong muốn của đạo diễn, hoặc do biên kịch chỉ chú trọng đường dây câu chuyện xoay quanh các nhân vật chính.
Những tên tuổi gạo cội thừa khả năng hóa thân, nhưng lại rất ít cơ hội có vai diễn “để đời” với những nhân vật người già. Khi đề tài phim xưa được khai thác, thì hình ảnh bà hội đồng lên phim thường có chung một màu: giàu có, khó tính, ác độc. Người bà, người mẹ trong các phim đề tài tâm lý xã hội cũng khó vượt trội, ngoài việc chăm sóc, yêu thương, bảo ban con cháu… Tính cách nhân vật được xây dựng có thể hoàn toàn phù hợp với chuyện phim, nhưng khó mong cầu hơn gì ngoài việc nhân vật đảm nhận đúng vai trò “dàn bao”. Có được một hình ảnh người già ấn tượng, xúc động như bố Sơn trong phim Về nhà đi con (2019) là điều vô cùng hiếm hoi của màn ảnh nhỏ nhiều năm qua.
NSND Kim Xuân vẫn không quên những vai diễn xúc động của mình trong phim Tiếng chuông trôi trên sông (đạo diễn Phan Lữ Hoàng Hà, diễn xuất cùng NSND Thanh Nam, 2005) hay Có căn nhà nằm nghe nắng mưa (đạo diễn Mai Thế Hiệp, 2017). Đó là những phim mà người già là nhân vật trung tâm, chuyện phim không quá kịch tính, xung đột, nhưng lắng đọng trong thế giới nội tâm của người già.
|
Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, bộ phim lắng đọng trong thế giới nội tâm của người già |
Biên kịch Phạm Hạ Thu ngậm ngùi: “Khi nhìn về sự thiếu vắng những vai diễn người già “để đời” trên màn ảnh nhỏ, tôi thấy thật buồn và tiếc. Thật ra, phim khai thác cuộc sống người già không khó ăn khách, nếu có kịch bản hay, hấp dẫn. Thế giới người già có rất nhiều khía cạnh để khai thác, nỗi cô đơn của họ, sự cách biệt tuổi tác giữa các thế hệ trong gia đình, tình yêu dành cho con cháu; bên cạnh đó cũng có thể khai thác những người già lạc quan, yêu đời… Chỉ là chúng ta quên mất thế giới người già nên chưa khai thác triệt để”.
Màn ảnh nhỏ cũng từng có Cải ơi (ghi dấu ấn nghệ sĩ Mạc Can với vai ông Tư Đèo), Ngọn đèn bốn mặt (nhân vật chính là một ông già sống cô độc giữa cù lao sông Hậu do nghệ sĩ lão thành Hữu Thành thủ vai, 2007), hay bộ phim truyền hình U6! và U7! (2006) của đạo diễn Mỹ Khanh có cốt truyện hài hước, thú vị, đầy cảm xúc về những người già ở khu dưỡng lão… Nhưng tự bao giờ, nhân vật người già chỉ còn là hình ảnh “dàn bao” - cả trên màn ảnh nhỏ lẫn màn ảnh rộng?
“Đối tượng chính của điện ảnh là công chúng trẻ, nếu tuyến chính là người già, phim ra rạp khó thu hút người xem. Nói thật, phim điện ảnh khai thác đề tài người già, có lẽ chỉ chờ đến những nhà làm phim nghệ thuật, có tâm” - biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương bày tỏ. Đó là điều mà khi phải nói ra, những người làm nghề đều thấy chạnh lòng.
|
Phim U6! và U7! (2006) có cốt truyện hài hước, thú vị, đầy cảm xúc về những người già ở khu dưỡng lão |
Quả thật, khi kịch bản “trượt khỏi đường ray” thị hiếu người trẻ, rất khó có thể hy vọng/thuyết phục nhà sản xuất. Biên kịch Phạm Hạ Thu đã viết, chuyển thể, Việt hóa rất nhiều kịch bản theo đặt hàng, nhưng với kịch bản Những ngọn núi chơi vơi - viết về những người già cô độc ngay trong chính ngôi nhà của mình, cũng cần đến sự đầu tư của Hội Điện ảnh TP.HCM. Biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương kể, chị từng viết trên dưới 1.000 tập phim, chưa từng có nhà sản xuất nào đề nghị chị làm kịch bản riêng về thế giới người già.
Nhà làm phim cũng là nhà làm kinh tế, tự xoay xở trong nguồn kinh phí eo hẹp của nhà đài (phim truyền hình) và nỗi lo lợi nhuận (phim điện ảnh), dễ hiểu về những lựa chọn “ăn khách”. Nhưng cũng vì thế mà thế giới người già gần như mất hút trên màn ảnh, dù cuộc đời mênh mông của họ luôn là những chất liệu đắt giá.
Khán giả Việt từng thổn thức với những bộ phim về người già của Hàn Quốc: Đường về nhà (2002), Ngày không còn mẹ (2017), Điều ba mẹ không kể (2019); hoặc bật cười mà thấm thía với những bộ phim Mỹ: Niềm sống - The Bucket List (2007), Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất (2018)… Các phim này khai thác tình tiết rất nhẹ nhàng nhưng dẫn dắt thú vị, cảm động.
Dẫu mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng giúp ta nhận diện được chính mình. Trong nhìn nhận lạc quan của nhiều người làm nghề, “khi nhìn rõ sự thiếu vắng này, nếu chúng ta thực tâm muốn làm, chắc chắn sẽ làm được”. Nhưng, đến bao giờ?
Lục Diệp