Thế giới ngày càng mặn hơn

03/11/2023 - 06:18

PNO - Theo nghiên cứu công bố ngày 31/10 trên Tạp chí Nature Reviews Earth & Environment, các hoạt động của con người đang khiến đất, nước ngọt và không khí ngày càng trở nên mặn hơn.

Ở nhiều quốc gia có khí hậu khắc nghiệt, muối được sử dụng để làm tan băng trên đường vào mùa đông - Nguồn ảnh: The Washington Post
Ở nhiều quốc gia có khí hậu khắc nghiệt, muối được sử dụng để làm tan băng trên đường vào mùa đông - Nguồn ảnh: The Washington Post

Thay đổi chu trình tuần hoàn muối của tự nhiên

Sujay Kaushal - tác giả chính của nghiên cứu đang làm việc tại Đại học bang Maryland (Mỹ) - cho biết: ô nhiễm muối không phải là mối nguy hại ngay lập tức đối với sự tồn tại của con người, nhưng vấn đề này có thể trở nên nghiêm trọng nếu bị phớt lờ. Hầu hết mọi người nghĩ về muối như loại gia vị trong thức ăn với tên hóa học là natri clorua (NaCl). Loại muối này cũng có thể được tìm thấy trong chất tẩy rửa, sản phẩm gia dụng và nhiều thứ khác.

Đồng thời, có nhiều loại muối khác nhau, bao gồm canxi, magie và các ion khác được sử dụng trong các sản phẩm do con người tạo ra. Trong 50 năm qua, ion muối tăng lên trong sông, suối, ao hồ khi con người bắt đầu sản xuất và sử dụng nhiều muối hơn. Trên toàn cầu, nhóm nghiên cứu nhận thấy khoảng 1 tỉ héc-ta đất trên khắp thế giới - tương đương với diện tích nước Mỹ  - đã trở nên mặn hơn. 

Muối là thành phần tự nhiên và cần thiết của trái đất. Hợp chất này được đưa lên bề mặt dần dần trong một khoảng thời gian dài. Khi lộ ra trên bề mặt, muối có thể hòa với nước hoặc bay vào không khí. Các sinh vật, từ thực vật đến con người cần một lượng muối vừa đủ để giúp điều chỉnh các chức năng sống. Lượng muối dư thừa còn lại bám theo các phân tử nước, xâm nhập vào mạch nước ngầm, đất và đại dương.

Tuy nhiên, hoạt động của con người đã làm thay đổi chu trình tuần hoàn muối tự nhiên trong những thập niên gần đây. Nông nghiệp, khai thác mỏ, xây dựng, xử lý nước, quản lý đường sá cũng như các hoạt động công nghiệp bổ sung đang làm tăng lượng muối trong lòng đất, hệ thống nước ngọt và không khí. Trong nông nghiệp, các hồ chứa nước sau khi bay hơi có thể để lại muối. Từ đó muối xâm nhập vào đất và gây hại cho cây trồng, bởi quá nhiều ion clorua hoặc natri có thể làm mất nước, gây ngộ độc cho cây.

Đáng chú ý, nguồn ô nhiễm muối lớn ở một số quốc gia như Mỹ, Canada… liên quan đến giao thông. Từ năm 2013-2017, số muối được dùng để làm tan băng tuyết trên đường vào mùa đông chiếm 44% tổng lượng muối tiêu thụ của cả nước Mỹ. Lượng muối này có thể làm ô nhiễm nguồn nước ngầm hoặc xâm nhập vào các đường ống dẫn nước uống làm bằng kim loại như chì hoặc đồng. Những kim loại này có thể theo muối vào nước, gây hại cho môi trường và con người.

Thiếu hụt nguồn nước ngọt

Nhà sinh thái học Bill Hintz từ Đại học Toledo (Mỹ) cho biết: “Con người đang đưa muối đến những nơi mà chúng không nên đến, như nhiều khu vực hồ, suối, sông và vùng đầm lầy cung cấp cho chúng ta nước uống, nguồn lợi thủy sản...". Chỉ có khoảng 3% nước trên trái đất là nước ngọt, tình trạng ô nhiễm muối ngày càng làm giảm nguồn nước ngọt.

Sử dụng dữ liệu từ hơn 80.000 giếng khoan, điều tra của tờ Thời báo New York đã cảnh báo về việc mực nước ngầm ở Mỹ đang cạn kiệt nghiêm trọng. Khoảng 45% số giếng cho thấy sự suy giảm nước đáng kể kể từ năm 1980 và 40% đã đạt mức thấp kỷ lục. Mỹ không phải là quốc gia duy nhất gặp khủng hoảng nước. Châu Âu đang phải đối mặt với sự "cạn kiệt liên tục" mực nước ngầm trên gần như toàn bộ lục địa.

Ở châu Á, Bangladesh - quốc gia vốn thường chịu cảnh ngập lụt vào mùa mưa - đã buộc phải chuyển đổi hoàn toàn các hoạt động nông nghiệp tại một số khu vực để giải quyết vấn đề nguồn nước ngầm cạn kiệt và bị ô nhiễm. Trong khi đó, hạn hán và dân số ngày càng tăng khiến vấn đề nước ngầm của Úc tiến gần đến mức độ khủng hoảng. 

Qu Dongyu - Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) - cho biết: "Trong 2 thập niên qua, mỗi người trên trái đất mất đi khoảng 1/5 lượng nước ngọt có sẵn. Ở một số vùng, con số này lên tới gần 1/3". Tăng trưởng dân số nhanh chóng, đô thị hóa, công nghiệp hóa, phát triển kinh tế và khủng hoảng khí hậu đều gây thiệt hại cho tài nguyên nước.

Để giải quyết thách thức này, ông Qu khuyến nghị các quốc gia quản lý tài nguyên nước, đất và tối đa hóa phúc lợi của con người mà không làm ảnh hưởng đến tính bền vững của các hệ sinh thái quan trọng. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các biện pháp quản lý nước hiệu quả, sáng tạo là rất quan trọng. Chúng bao gồm công nghệ tưới tiêu và lưu trữ hiện đại, các giải pháp dựa trên cơ sở khoa học để giải quyết tình trạng khan hiếm nước và giảm tác hại lũ lụt, xây dựng một xã hội tiết kiệm nước và tận dụng hiệu quả hơn mối quan hệ nước - thực phẩm - năng lượng.

Chẳng hạn ở Sri Lanka và Zambia, FAO đang thí điểm các cánh đồng lúa đa chức năng để nuôi cá và tôm, bên cạnh sản xuất lúa gạo. Cơ sở hạ tầng giá trị gia tăng như trên tạo ra lợi ích bằng cách bổ sung nước ngầm, kiểm soát lũ lụt và cung cấp các sản phẩm từ hệ sinh thái. 

 Linh La 
(theo The Washington Post, Earth.org, Jakarta Post)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI