Thế giới mệt mỏi với giá nhiên liệu

04/07/2022 - 06:38

PNO - Trên khắp thế giới, các gia đình lo lắng làm thế nào để giữ cho đèn sáng, đổ đầy bình xăng, sưởi ấm nhà và nấu thức ăn. Các doanh nghiệp đối mặt với chi phí vận chuyển, hoạt động gia tăng cũng như yêu cầu tăng lương từ người lao động.

Giá xăng dầu ảnh hưởng đến cuộc sống ở mọi nơi

Sự gia tăng đáng kinh ngạc của giá nhiên liệu có khả năng làm xáo trộn hoạt động và cuộc sống trên toàn cầu. Chi phí năng lượng cao gây lạm phát, buộc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, kìm hãm tăng trưởng kinh tế và cản trở nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022 và các lệnh trừng phạt trả đũa đối với Nga sau đó đã khiến giá khí đốt và dầu mỏ tăng phi mã. Giá năng lượng tăng vọt là lý do chính khiến Ngân hàng Thế giới (WB) sửa đổi dự báo kinh tế vào tháng 6, dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm hơn dự kiến, xuống còn 2,9% trong năm 2022, gần bằng một nửa so với năm 2021. Chủ tịch WB - David Malpass - cảnh báo: “Đối với nhiều quốc gia, suy thoái là viễn cảnh khó tránh khỏi”.

Rất nhiều chiếc xe Jeepney - nét đặc trưng thu hút du khách tại Manila, Philippines - giờ phải đậu im lìm khi chi phí nhiên liệu tăng cao - ẢNH: NY TIMES
Rất nhiều chiếc xe Jeepney - nét đặc trưng thu hút du khách tại Manila, Philippines - giờ phải đậu im lìm khi chi phí nhiên liệu tăng cao - Ảnh: NY Times

Ở châu Âu, việc phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ Nga đã khiến châu lục này đặc biệt dễ bị tổn thương bởi giá cả cao và tình trạng thiếu hụt nhiên liệu. Các quốc gia đang chuẩn bị kế hoạch khẩn cấp liên quan đến giới hạn bán nhiên liệu, giảm giới hạn tốc độ và hạ nhiệt độ sưởi ấm. Giống như nhiều cuộc khủng hoảng khác, những người nghèo dễ bị tổn thương nhất sẽ chịu tác động nghiệt ngã nhất. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cảnh báo, giá năng lượng cao hơn đồng nghĩa với việc thêm 90 triệu người ở châu Á và châu Phi không được sử dụng điện. Năng lượng đắt đỏ tác động khiến giá lương thực tăng cao, khiến hàng triệu người rơi vào đói khổ. 

Ở nhiều nơi, sinh kế của người dân cũng bị đe dọa. Dione Dayola (49 tuổi) từng dẫn đầu nghiệp đoàn gồm khoảng 100 tài xế xe jeepney - một loại xe buýt nhỏ - tại thủ đô Manila, Philippines. Bây giờ, chỉ còn 32 tài xế jeepney hoạt động trên đường. Những người còn lại đã chuyển sang tìm kiếm công việc khác hoặc thậm chí là ăn xin. Trước khi giá xăng tăng, Dayola có thể mang về nhà khoảng 15 USD/ngày. Bây giờ, con số giảm xuống chỉ còn 4 USD/ngày. 

Các nước đau đầu tìm cách giữ giá nhiên liệu

Theo GlobalPetrolPrices.com, giá xăng dầu vẫn duy trì ở mức cao trên toàn thế giới. Tại Lào, giá xăng hiện vượt mốc 1,8 USD/lít, ở New Zealand giá xăng khoảng hơn 2 USD/lít. Tương tự, giá 1 lít xăng ở Đan Mạch là hơn 2,4 USD và ở Hồng Kông (Trung Quốc) là hơn 2,6 USD. Mới đây, các nhà lãnh đạo của ba công ty năng lượng Pháp đã kêu gọi một nỗ lực “ngay lập tức, tập thể và quy mô lớn” để giảm mức tiêu thụ năng lượng của đất nước. Bởi sự kết hợp giữa tình trạng thiếu hụt năng lượng và giá cả tăng vọt có thể đe dọa đến “sự gắn kết xã hội” vào mùa đông tới.  

Ở các quốc gia nghèo hơn, mối đe dọa từ xăng dầu càng trở nên gay gắt khi các chính phủ bị giằng co giữa việc thực hiện chính sách trợ giá - làm tăng gánh nặng nợ công - hay phải đối mặt với tình trạng bất ổn nghiêm trọng về xã hội. Ở Ecuador, các khoản trợ cấp khí đốt của chính phủ vốn được thực hiện vào những năm 1970. Mỗi khi các quan chức dự định bãi bỏ chúng, họ đều nhận về phản ứng dữ dội từ người dân. Tổng thống Mexico - Andrés Manuel López Obrador - đang sử dụng tiền từ dầu thô mà nước này sản xuất để trợ cấp giá khí đốt trong nước. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng, thu nhập từ dầu mỏ của chính phủ không bù đắp được cho khoản ngân sách giảm đi khi tạm thời  bỏ thuế khí đốt và cung cấp một khoản trợ cấp bổ sung cho các công ty vận hành các trạm xăng.

Vào tháng 6, Thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc đã kêu gọi tăng sản lượng than để tránh tình trạng mất điện trong đợt nắng nóng gay gắt ở miền Bắc và miền Trung của đất nước, do nhu cầu sử dụng điều hòa không khí gia tăng. Trong khi đó ở Đức, các nhà máy than dự kiến “nghỉ hưu” đang được tái hoạt động, nhằm để dành nguồn dự trữ khí đốt cung cấp cho mùa đông. Fatih Birol - Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế - nhận định: “Chúng ta sẽ còn thấy giá năng lượng cao và biến động trong những năm tới. Tại thời điểm này, kịch bản duy nhất trong đó giá nhiên liệu có thể giảm là khi thế giới rơi vào suy thoái kinh tế”. 

Tấn Vĩ (theo NY Times, Reuters)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI