Thế giới lo suy thoái, người nghèo lo bữa ăn

26/05/2022 - 06:09

PNO - Nhiều mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu đang khiến các nhà lãnh đạo thế giới lo lắng. Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo về nguy cơ suy thoái theo sau giai đoạn lạm phát trong năm 2022.

Kinh tế thế giới đứng trước khủng hoảng 

Hôm 23/5 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức ở Davos (Thụy Sĩ), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với “thử thách lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai”.

Tình trạng đứt gãy cung ứng, giá lương thực, thực phẩm, năng lượng… tăng cao đang gây áp lực lớn lên các quốc gia, đặc biệt là các nước nghèo - ẢNH: AFP
Tình trạng đứt gãy cung ứng, giá lương thực, thực phẩm, năng lượng… tăng cao đang gây áp lực lớn lên các quốc gia, đặc biệt là các nước nghèo - Ảnh: AFP

Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cảnh báo: Xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm gia tăng những tác động của đại dịch COVID-19, trì hoãn sự phục hồi kinh tế và gia tăng lạm phát khi giá lương thực, nhiên liệu tăng vọt. Lãi suất ngân hàng tăng đang gây thêm áp lực lên các quốc gia, công ty và cả các hộ gia đình với những khoản nợ chồng chất. Sự hỗn loạn trên thị trường và những đứt gãy liên tục của chuỗi cung ứng cũng gây ra rủi ro cho nền kinh tế, đó là chưa kể đến tác động từ biến đổi khí hậu dẫn đến thiên tai, mất mùa.

Gus Faucher - chuyên gia Kinh tế trưởng của Công ty Dịch vụ tài chính PNC Financial Services Group (Mỹ) - nhận định: “Khả năng suy thoái trong năm nay là khá thấp. Tuy nhiên, viễn cảnh trở nên tồi tệ hơn vào năm 2023 và 2024”.

Để hạn chế căng thẳng kinh tế, IMF kêu gọi các quan chức chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp thảo luận về việc tháo gỡ các rào cản thương mại. Việc một số quốc gia chọn cách hạn chế xuất khẩu thực phẩm và nông sản để đối phó với những lo ngại về khủng hoảng lương thực đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt, khiến giá cả tăng vọt trên toàn cầu.

Đầu tháng Năm, quyết định cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ đã khiến giá ngũ cốc thế giới tăng mạnh. Indonesia đã tạm ngưng xuất khẩu dầu cọ hồi tháng Tư để bảo vệ nguồn cung trong nước. Tuần này, Malaysia quyết định tạm dừng xuất khẩu 3,6 triệu con gà mỗi tháng nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước, cho đến khi giá nội địa ổn định.

Trong một cuộc phỏng vấn với Asia Nikkei, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long lưu ý rằng nền kinh tế toàn cầu đã phục hồi sau đại dịch COVID-19 nhanh hơn mong đợi, một phần là nhờ các gói hỗ trợ của chính phủ các nước. Tuy nhiên, mặt trái của nó là góp phần khiến lạm phát tăng vọt, ngay cả trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tình hình này đòi hỏi các nước cần có các biện pháp quyết liệt để khống chế lạm phát từ gốc rễ.

Ông Lý Hiển Long nói thêm: “Rất khó để tìm được một phương án toàn vẹn cho vấn đề này. Có một rủi ro đáng kể khi những gì bạn cần làm lại dễ dàng kích động suy thoái… Dù vậy, bạn sẽ phải chấp nhận rủi ro vì nếu không hành động chống lạm phát, nó sẽ trở thành một vấn đề rất nghiêm trọng của thế giới”.

Những người dễ bị tổn thương là thiệt thòi nhất 

Trước khi chiến tranh tàn phá Yemen, Walid Al-Ahdal (25 tuổi) không cần lo lắng về cái ăn, cái mặc cho gia đình. Tại quê hương gần Biển Đỏ, gia đình anh trồng bắp, nuôi dê và bò sữa. Nhưng bốn năm qua, giao tranh buộc họ phải chạy trốn, giờ đây Al-Ahdal đang phải chật vật tìm mua thực phẩm với khoản tiền ít ỏi.

Và giờ thì một cuộc chiến khác ở cách xa hàng ngàn cây số lại tiếp tục khiến cuộc sống của họ bị hủy hoại. Giá thực phẩm tăng vọt kể từ xung đột Nga - Ukraine xảy ra, trong đó giá lúa mì đã tăng hơn gấp đôi, giá sữa tăng 2/3. Nhiều đêm, khi bốn đứa con từ 2 - 6 tuổi đói bụng, Al-Ahdal chỉ có thể pha trà cho chúng uống rồi dỗ dành chúng đi ngủ. “Trái tim tôi thắt lại mỗi lần nhìn bọn trẻ phải đi ngủ với chiếc bụng đói. Tôi phải làm gì đây?”, Al-Ahdal nói. 

Theo Ủy ban Cứu hộ Quốc tế, hơn 14 triệu người hiện đang đứng trước cảnh đói khát ở vùng Sừng châu Phi. Đây là hậu quả của đợt hạn hán khủng khiếp trước đó kết hợp với đại dịch và sự thiếu hụt nguồn cung ngũ cốc từ Nga và Ukraine (hai quốc gia cung cấp 1/4 lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới).

Ngay cả ở các nước phát triển, những người dễ bị tổn thương cũng cảm thấy ngột ngạt vì giá cả leo thang. Lạm phát của Anh đang ở mức 9% trong tháng Năm, do giá khí đốt, điện, thực phẩm và chi phí vận tải tăng mạnh.

Suzanna - một giáo viên nghỉ hưu ở London - đã thay đổi thói quen ăn uống để giúp giảm chi tiêu. Người phụ nữ 78 tuổi chia sẻ: “Tôi mua thực phẩm ít hơn và tuân theo chế độ ăn tối thiểu. Tôi không sử dụng lò nướng, vì sợ tốn năng lượng. Ngay cả việc luộc rau cũng mất khá nhiều thời gian. Thay vào đó, tôi chọn những thứ có thể bỏ vào lò vi sóng vì chúng tiết kiệm năng lượng hơn”.

Bà Suzanna hiện sống trong một khu căn hộ dành cho người lớn tuổi. Bà nói: “Dù vẫn có thể tạm thời xoay xở nhưng nỗi lo lắng của những người lớn tuổi vẫn tăng dần, đặc biệt là vào mùa đông, hoặc khi giá cả tiếp tục gia tăng”. 

Linh La

(theo Reuters, CNA, Business Times, New York Times, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI