Thế giới lo ngại về làn sóng nhảy việc, nghỉ việc

22/11/2021 - 08:30

PNO - Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, thế giới liên tục chứng kiến làn sóng nhân viên “nhảy việc”, chuyển nghề hoặc thậm chí là nghỉ hẳn. Xu hướng này đã khiến các doanh nghiệp phải căng mình tìm cách giữ chân người lao động, trong lúc cố gắng nối lại sản xuất, kinh doanh.

Thay đổi và từ bỏ

Khi Ashley được mời làm việc qua ứng dụng Zoom trong đợt phong tỏa tại Anh vào tháng 3, cô nghĩ rằng mình đã tìm thấy sự lựa chọn hoàn hảo với thời gian linh hoạt, cơ hội làm việc tại nhà ngay cả sau đại dịch. Nhưng chỉ 6 tuần sau khi Ashley bắt đầu công việc mới tại TP.Leeds, mọi thứ đã thay đổi. Những lời hứa về làm việc từ xa đã bị rút lại ngay cả trước khi các hạn chế xã hội chấm dứt, nhân viên vẫn phải ở văn phòng hằng ngày, từ sáng đến chiều.

Ashley nhớ lại: “Tôi vô cùng bất mãn. Tất cả những thay đổi này được đưa ra sau cuộc phỏng vấn và công ty cho rằng họ không cần phải giải thích về quyết định”. Còn tại Mỹ, trước đại dịch, cô Melissa Villareal dạy lịch sử cho một trường tư thục cao cấp ở bang California. Giờ đây, cô đã nghỉ dạy để làm việc trong lĩnh vực thiết kế công nghiệp tại một công ty làm đẹp lớn.

 

Đại dịch khiến nhiều người lao động bỏ việc hoặc chọn cách làm việc từ xa, ưu tiên thời gian cho gia đình - ẢNH: ISTOCK
Đại dịch khiến nhiều người lao động bỏ việc hoặc chọn cách làm việc từ xa, ưu tiên thời gian cho gia đình - Ảnh: Istock

Những người như Ashley và Melissa chọn rời bỏ công việc, chuyển việc ngày càng nhiều. Một cuộc khảo sát của Microsoft với hơn 30.000 người lao động trên toàn cầu cho thấy 41% đang cân nhắc nghỉ việc hoặc chuyển nghề trong năm 2021. Một nghiên cứu khác từ công ty phần mềm nhân sự Personio về công nhân ở Anh và Ireland cho thấy 38% người được khảo sát có dự định sẽ nghỉ việc trong vòng sáu tháng đến một năm tới.

Chỉ riêng tại Mỹ, tháng 4/2021 chứng kiến có hơn 4 triệu người bỏ việc, con số lớn nhất từng được ghi nhận. Làn sóng nghỉ việc cũng đe dọa Đức, khi có hơn 1/3 tổng số công ty báo cáo đang gặp tình trạng khan hiếm công nhân lành nghề.

Với châu Á, bài toán an sinh và lao động thậm chí còn khiến nhà chức trách đau đầu hơn. Trung Quốc chứng kiến một thế hệ người lao động trẻ tại các trung tâm sản xuất, đô thị lớn đang chán nản với triển vọng nghề nghiệp mờ mịt và kiệt sức, không gượng được do mức lương thấp.

Nhiều người lao động châu Á từ bỏ công việc để quay về làng quê của mình, nơi họ có thể an tâm dù mức sống thấp. Những người cố bám trụ công việc thường phải đương đầu với điều kiện lao động khó khăn hơn.

Điển hình, khi đại dịch bùng phát làm ảnh hưởng chuỗi cung ứng thời trang, hàng triệu công nhân may mặc ở Nam Á đã bị giảm lương. Trong một cuộc khảo sát 1.140 công nhân may mặc ở Myanmar, Honduras, Ethiopia và Ấn Độ, các nhà nghiên cứu từ Đại học Sheffield (Anh) và Hiệp hội Worker Rights Consortium (Mỹ) đã ghi nhận phần lớn trong số họ phải vay mượn để trang trải cuộc sống, chịu nợ nần nhiều hơn để có thể tiếp tục làm việc trong đại dịch. 

Phúc lợi giữ chân người lao động

Cuộc khủng hoảng lao động càng trở nên trầm trọng hơn khi các nền kinh tế, các ngành công nghiệp phục hồi một cách mạnh mẽ trong năm 2021. Kinh tế tăng trưởng trở lại cùng với sự linh hoạt trong phương thức làm việc, có thể chọn làm việc từ xa, cho phép người lao động có nhiều lựa chọn hơn về nơi họ muốn gắn bó. 

Có nhiều lý do khiến mọi người tìm kiếm sự thay đổi. Đối với một số người lao động, đại dịch giúp họ nhìn nhận, sắp xếp lại các ưu tiên trong cuộc sống, khuyến khích họ theo đuổi “công việc mơ ước” hoặc lựa chọn chuyển sang làm cha mẹ toàn thời gian. Cùng với đó, các ảnh hưởng tâm lý do dịch bệnh gây ra khiến không ít người thường xuyên cảm thấy căng thẳng, kiệt sức khi quay lại làm việc. Với nhiều trường hợp, quyết định rời đi của người lao động còn đến từ cách mà người sử dụng lao động đối xử với họ trong thời gian dịch bệnh. 

Các doanh nghiệp đang muốn bù đắp phần lợi nhuận mất đi trong đại dịch càng nhiều càng tốt, trong khi người lao động lại muốn tìm kiếm một nơi làm việc có tương lai hơn, chế độ phúc lợi tốt hơn. Cuối cùng, người lao động thường chọn làm việc cho các công ty có sự hỗ trợ phúc lợi tốt cho họ, từ bỏ những công ty mà họ cho là mình đang bị “vắt kiệt sức”. 

Alison Omens - Giám đốc chiến lược của Công ty Nghiên cứu thị trường JUST Capital (Mỹ) - cho biết: “Dữ liệu những năm qua luôn cho thấy điều mọi người quan tâm nhất là cách công ty đối xử với nhân viên. Đại dịch nhắc nhở chúng ta rằng con người không phải là máy móc”. Theo bà Omens, sự quan tâm này được đo lường bằng nhiều chỉ số, bao gồm tiền lương, lợi ích, cơ hội thăng tiến, sự an toàn và cam kết công bằng. Vì vậy, người lao động chuyển việc có thể đơn thuần do họ đã chọn được nơi mà họ cảm thấy mình được trân trọng hơn. 

Linh La (theo Washington Post, BBC, Wired, Forbes, Euronews)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI