Thế giới lo lắng vì thiếu nhân viên y tế giữa đại dịch

14/12/2021 - 07:04

PNO - Số lượng y tá trên khắp thế giới ngày càng giảm trong khi biến thể Omicron tiếp tục lây lan nhanh chóng. Bên cạnh đó là sự mất cân bằng khi các nước phương Tây tăng cường tuyển dụng nhân viên y tế từ các nước nghèo hơn.

Cuộc khủng hoảng y tá

Howard Catton - Giám đốc điều hành Hội đồng Y tá Quốc tế có trụ sở tại Genèva (Thụy Sỹ) đại diện cho 27 triệu y tá ở 130 nước - cho biết nhiều y tá kiệt sức vì đại dịch và tỷ lệ nhân viên “có ý định rời ngành” trong năm qua đã tăng gấp đôi so với trước, lên khoảng 20 - 30%. “Tôi nghĩ rằng chính phủ các nước cần phải suy xét về gói hỗ trợ cuộc sống, đầu tư vào y tá và nhân viên chăm sóc sức khỏe trong năm tới”, ông Catton nói.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ khi bắt đầu đại dịch đến tháng 5/2021, ít nhất 115.000 y tá đã chết vì COVID-19, nhưng theo ông Catton, con số thực sự có thể gấp đôi. Ngay cả trước đại dịch, thế giới đã thiếu 6 triệu y tá và khoảng 4,75 triệu người sẽ nghỉ hưu trong vài năm tới. Trung bình, các nước giàu có tỷ lệ y tá trên dân số cao gấp gần mười lần so với các nước nghèo. Nhiều nước phát triển đang đẩy mạnh tuyển dụng nhân viên y tế từ nước ngoài để lấp đầy hệ thống bệnh viện của họ. Ngoài Philippines, Jamaica và Ấn Độ là những nước “xuất khẩu y tá” nổi bật, các nước châu Phi như Kenya, Uganda, Nigeria cũng trở thành thị trường tuyển dụng tiềm năng.

Một y tá điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong ICU tại Austin, bang Texas, Mỹ - Ảnh: JUSTIN MCMANUS/SMH
Một y tá điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong ICU tại Austin, bang Texas, Mỹ - Ảnh: JUSTIN MCMANUS/SMH

Tại Úc, hệ thống bệnh viện đang trải qua đợt “chạy trốn hàng loạt” của các y tá có kinh nghiệm giữa đại dịch, khiến các trường cao đẳng y tế phải cảnh báo có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng lực lượng y tá. Rand Butcher - Giám đốc điều hành của trường cao đẳng về chăm sóc đặc biệt Úc - cảnh báo rằng, các đơn vị chăm sóc tích cực (ICU) đang thiếu y tá trầm trọng. Ông nói: “Họ không nghỉ ốm hay nghỉ phép hằng năm, họ thường làm việc thêm giờ, và cuối cùng, chúng tôi thấy rất nhiều người lớn tuổi làm việc trong suốt nhiều năm đã chọn từ bỏ công việc”. Tương tự, Giám đốc điều hành Trường cao đẳng Điều dưỡng Úc Kylie Ward cho biết, cô bị sốc khi biết khoảng 20.000 y tá tại Úc đã nghỉ việc trong năm nay. 

Tại Singapore, năm 2020, chỉ 45 y tá mới đăng ký hành nghề trong khi có đến 617 y tá nghỉ việc hoặc về hưu sớm. Cuối năm 2020, đảo quốc sư tử có tổng cộng 42.096 y tá, 1/3 trong số đó là người nước ngoài. Các bệnh viện và phòng khám thiếu y tá đến mức có một nhóm bệnh viện tư nhân sẵn sàng trả “phí tìm kiếm” lên tới 12.000 SGD cho bất kỳ nhân viên nào có thể thu hút một y tá có kinh nghiệm đến nhận việc. 

Áp lực kép

Tại Mỹ, thống đốc bang Kentucky tuyên bố việc thiếu nhân viên điều dưỡng là tình trạng khẩn cấp. Qua đó, chính quyền bang sẽ kích hoạt các chiến lược mới nhằm tăng cường chương trình đào tạo y tá. Bang này dự kiến sẽ cần hơn 16.000 y tá bổ sung vào năm 2024, con số giúp lấp đầy những khoảng trống để lại do nhiều y tá nghỉ hưu hoặc rời bỏ ngành. Tình cảnh của bang Kentucky phản ánh một vấn đề hai mặt từ đại dịch.

Một là nhiều y tá nghỉ hưu hoặc nghỉ việc, kiệt sức hoặc mất tinh thần vì khủng hoảng. Mặt khác, nhiều người chọn rời bệnh viện để làm y tá tự do hoặc ra nước ngoài làm việc với mức lương cao và điều kiện làm việc tốt hơn. 

Sau vài năm làm việc trong phòng chăm sóc đặc biệt, Alex Stow đăng ký trở thành y tá tự do từ tháng 9/2021, với thu nhập lên đến 95 USD/giờ, tăng gấp ba lần so với mức lương cũ, thông qua công việc hỗ trợ các bệnh viện thiếu nhân lực đột xuất và ngắn hạn trên khắp nước Mỹ. Y tá 25 tuổi này đã được chọn làm việc ở nơi anh muốn và dành thời gian trải nghiệm các địa điểm mới khi có thời gian nghỉ ngơi. 

AMN Healthcare - một trong những cơ quan cung cấp y tá lớn nhất của Mỹ - đã thực hiện cuộc khảo sát trên 1.400 y tá đến từ 41 nước. Đa số y tá nước ngoài đang làm việc tại Mỹ được khảo sát (86%) cho biết từng tham gia điều trị cho bệnh nhân COVID-19, cũng trải qua những căng thẳng tương tự như các y tá người Mỹ. Dù vậy, chỉ 14% y tá quốc tế nói rằng đại dịch khiến họ cân nhắc lại việc hành nghề ở Mỹ. Con số này thấp hơn nhiều so với kết quả khảo sát từ đội ngũ y tá - điều dưỡng do Công ty Nhân sự Cross Country Healthcare thực hiện, có đến 66% cho biết đang cân nhắc lại việc hành nghề của mình. 

Ngọc Hạ (theo Reuters, Washington Post, AJC, SMH, Straits Times)
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI