Thế giới LGBT trên màn ảnh: 'Nhân tố mới' hết mới

08/07/2019 - 12:10

PNO - Không chỉ ở Việt Nam, xu hướng chọn những gương mặt thuộc cộng đồng LGBT vào các chương trình cũng lan tràn trên thế giới.

Nhiều năm trở lại đây, cùng với cái nhìn cởi mở hơn của xã hội đối với những người thuộc thế giới LGBT (người đồng tính nữ, đồng tính nam, người song tính và chuyển giới), đối tượng này xuất hiện nhiều hơn trên sóng truyền hình, trong phim ảnh và được xem như “nhân tố mới” để thu hút khán giả. Nhưng có sự mới lạ nào mà không thành cũ theo thời gian.

Lấy câu chuyện làm quà

Xem truyền hình ngày nay, khán giả dễ thấy sự xuất hiện của các nhân vật thuộc cộng đồng LGBT. Có thể kể đến Người ấy là ai, Just love, LoveWins, Come out - Bước ra ánh sáng, Chinh phục hoàn mỹ - The Tiffany Vietnam, Lô tô show - Gánh hát ngàn hoa… Dẫu được thể hiện dưới hình thức game show, truyền hình thực tế, talk show hay phát ở đâu thì mẫu số chung của các chương trình đều là những câu chuyện éo le của những người trong thế giới LGBT.

The gioi LGBT tren man anh: 'Nhan to moi' het moi
Những tập gần đây của Người ấy là ai, màn lộ diện của các chàng trai thuộc cộng đồng LGBT đã có nhiều niềm vui, ít nước mắt hơn trước

Không chỉ có chung thân phận đặc biệt, na ná nhau về hoàn cảnh gia đình kém may mắn, có những câu chuyện khiến khán giả không thể tin nổi như trường hợp Đỗ Nhật Hà (chương trình Come out - Bước ra ánh sáng) lúc còn trong hình hài con trai, đã yêu một bạn học nữ, nhưng sau khi chia tay, bạn nữ đó chuyển giới thành nam, trong khi cô sau này chuyển giới thành nữ; hay chuyện Phước Long (cùng chương trình) từng bị anh trai chích điện đến chảy máu lỗ tai vì không thể chấp nhận có đứa em đồng tính.

Ngoài các chương trình trên, nhiều chương trình giải trí như Sing my song, Giọng hát Việt, Vietnam Idol, Anh chàng độc thân cũng có sự tham gia của những người LGBT. Trên màn ảnh rộng, từ sau sự tỏa sáng của nhân vật chị Hội trong Để Mai tính, dạng vai đồng tính được các biên kịch khai thác nhiều hơn, đất diễn không dừng ở vai phụ, thứ mà lên cả hàng chính như trong phim Thưa mẹ con điNgôi nhà bươm bướm sắp ra rạp vào tháng Tám tới.

Không thể phủ nhận nhiều người thuộc thế giới LGBT có tài năng nổi bật và số phận đặc biệt. Đó cũng là yếu tố các nhà sản xuất cần để thu hút người xem, cạnh tranh với các chương trình khác. Còn với giới làm phim, những người LGBT là đối tượng thích hợp dùng cho mục đích giải trí, vì đây cũng là dòng phim chủ đạo ở Việt Nam. Thời gian đầu, mục đích này đã đạt hiệu quả, giúp xóa dần cái nhìn định kiến của xã hội về cộng đồng LGBT. Một số nhân vật đồng tính trên phim thậm chí còn được yêu thích không thua gì vai chính.

Tuy nhiên, món ngon nào ăn mãi cũng ngán. Việc những người thuộc cộng đồng LGBT phủ sóng khắp nơi cùng những bi kịch lặp lại gần như chung công thức: nghèo khổ, gia đình không hạnh phúc, thất tình… khiến người xem bắt đầu thấy ngán, dù vẫn rất thương cảm. Còn trong phim ảnh, không phải lúc nào những nhân vật đồng tính cũng được khai thác duyên dáng như Tiến Mạnh trong Chị trợ lý của anh, cặp Bình - Phong trong Ước hẹn mùa thu.

The gioi LGBT tren man anh: 'Nhan to moi' het moi
Đỗ Nhật Hà tại chương trình Bước ra ánh sáng

Nỗ lực thoát khung

Không chỉ ở Việt Nam, xu hướng chọn những gương mặt thuộc cộng đồng LGBT vào các chương trình cũng lan tràn trên thế giới. Từ góc nhìn xã hội, điều đó thể hiện sự tiến bộ về mặt nhận thức; còn về phía cá nhân là sự thay đổi về quan niệm sống, khao khát khẳng định năng lực. Các đối tượng LGBT sẽ vẫn tiếp tục xuất hiện trên truyền hình lẫn trên phim. Để giữ chân khán giả, các ê-kíp sản xuất phải tìm cách khai thác khác để tránh sự lặp lại.

Theo dõi vài tập gần đây của Người ấy là ai, có thể thấy màn lộ diện của các anh chàng “màu tím” không còn nhiều nước mắt như trước mà chỉ là những khoảnh khắc hạnh phúc, vui vẻ, như những chia sẻ của cặp đồng tính nam Sơn Tùng và Đức Hiền cùng mẹ của Tùng ở tập 8; giây phút chàng trai Thành Trung gọi điện cho người yêu đang du học ở Trung Quốc và hạnh phúc cho biết cả hai đã gắn bó cùng nhau được 5 năm, cũng như sẽ tiếp tục chờ đợi người yêu du học thêm 5 năm nữa ở tập 9.

Trên màn ảnh, các nhà làm phim cũng nỗ lực hướng đến cách khai thác khác. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh của phim Thưa mẹ con đi cho biết: “Lâu nay, xem phim Việt có nhân vật đồng tính, khán giả thấy nhàm, vì nhân vật bị khai thác một chiều - theo hướng bi kịch hoặc cố ý gây cười. Thưa mẹ con đi không miêu tả họ theo kiểu nhìn từ xa như vậy mà đi vào những vấn đề người đồng tính phải đối diện trong gia đình của họ”. Đó cũng là hướng khai thác của phim Ngôi nhà bươm bướm, nói về ứng xử của gia đình trước sự tấn công từ bên ngoài vào người thân vốn là những cá thể “dị biệt” trong mắt xã hội.

Teaser trailer Ngôi nhà bươm bướm:

 

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh của phim Ngôi nhà bươm bướm chia sẻ: “Phim này cự tuyệt với nước mắt, chỉ xây dựng hình tượng nhân vật LGBT là những con người khỏe mạnh, hạnh phúc, bao dung và nói không với sự thương hại. Tôi nghĩ, người làm phim cần nhìn những người LGBT dưới góc độ thân phận con người và phải tìm những tình huống để lột tả chứ đừng đưa họ vào phim chỉ để giả gái gây cười. Cũng như Lô tô, tôi kể câu chuyện Ngôi nhà bươm bướm như là cái cớ giả định về thân phận con người. Xét cho cùng, ai cũng cần được yêu thương và có nhu cầu yêu thương người khác, được an ủi, được chở che và được hy sinh cho người mình yêu thương”.

Dù khai thác đối tượng nào, người có giới tính bình thường hay dị biệt, đều cần đến cái tâm. Chỉ khi đó, những chương trình truyền hình hay phim ảnh có nhân vật LGBT mới đủ lực đi đường dài và không khiến khán giả ngấy. 

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI