Thế giới lên cơn sốt khi Triều Tiên thử bom nhiệt hạch

07/01/2016 - 06:35

PNO - Sau khi Triều Tiên tuyên bố vừa thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch, nhiều nước trên thế giới đã có những phản ứng quyết liệt trước hành động này.

Quan chức các nước và nhiều chuyên gia hạt nhân trên thế giới đã bày tỏ nghi ngờ ngay sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch đầu tiên ngày 6/1, bởi sóng địa chấn đo được từ vụ thử nhỏ hơn nhiều.

Truyền hình Triều Tiên tuyên bố: “Cuộc thử nghiệm bom nhiệt hạch đầu tiên đã thành công vào lúc 10h sáng (theo giờ địa phương) ngày 6/1. Với sự thành công hoàn hảo của của bom nhiệt hạch lịch sử này, chúng tôi đã gia nhập hàng ngũ các quốc gia hạt nhân tiên tiến”. Truyền hình nước này cũng cho biết đây chỉ là quả bom thu nhỏ.

The gioi len con sot khi Trieu Tien thu bom nhiet hach
Truyền hình Triều Tiên đọc thông báo nước này vừa thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch.

Vụ thử diễn ra 2 ngày trước sinh nhật của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tháng trước, ông Kim Jong-un cũng đánh tiếng rằng, Triều Tiên đã sản xuất được bom nhiệt hạch và ngay lập tức giới chuyên gia đã hoài nghi về thông tin này.

Đánh giá về vụ thử hôm nay, Crispin Rovere, chuyên gia kiểm soát vũ khí và chính sách hạt nhân trụ sở tại Úc, nhận định rằng cơn địa chấn đo được mạnh 5,1 độ richter tại khu thử Punggye-ri nhỏ hơn nhiều so với tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch của Triều Tiên. “Dữ liệu địa chấn đo được cho thấy vụ nổ nhỏ hơn nhiều so với sức công phá từ vụ thử bom nhiệt hạch”, chuyên gia Rovere nói.

Chuyên gia Rovere cũng phân tích thêm rằng: “Thoạt đầu, có vẻ họ đã thử thành công vụ thử hạt nhân nhưng đã bất thành ở giai đoạn 2 của vụ thử bom nhiệt hạch”.

Sau khi Triều Tiên tuyên bố vừa thử nghiệm thành công bom nhiệt hạnh, hai nước láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ trích nước này vi phạm trắng trợn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong khi Nhà Trắng cho biết, họ vẫn đang điều tra và sẽ “đáp trả một cách thích hợp”.

Hàn Quốc đã “lên án mạnh mẽ” cuộc thử nghiệm và cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ phải trả giá vì bỏ qua dư luận quốc tế. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi đây là “mối đe dọa nghiêm trọng” đến Nhật và là một “thách thức to lớn” đối với nỗ lực không phổ biến hạt nhân. Nhật cũng đã tổ chức một cuộc họp khủng hoảng ở Tokyo.

The gioi len con sot khi Trieu Tien thu bom nhiet hach
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani tức tốc tới dinh thự của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Tokyo để họp sau vụ Triều Tiên thử nghiệm bom nhiệt hạch.

Ngay sau khi nắm được thông tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho các cơ quan hữu trách thu thập dữ liệu, nghiên cứu và phân tích tình hình để xác nhận Triều Tiên có thật sự thử bom nhiệt hạch hay không.

Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho biết Moscow “cực kỳ quan ngại” về việc Triều Tiên, có biên giới giáp với Nga, đã tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch (bom khinh khí, bom H).

“Nếu cuộc thử nghiệm này được xác nhận thì rõ ràng Bình Nhưỡng đang trên lộ trình phát triển vũ khí hạt nhân, vi phạm luật quốc tế và các nghị quyết hiện hành của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ)”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một thông cáo ngày 6/1.

Bộ Ngoại giao Nga tái khẳng định cam kết của Moscow về việc đối thoại ngoại giao nhằm giải quyết căng thẳng liên quan đến tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, và đề nghị “sớm bắt đầu đối thoại” nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.

The gioi len con sot khi Trieu Tien thu bom nhiet hach
Ảnh chụp vệ tinh bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. (Nguồn: CNN)

Trước sự việc này, Nhà Trắng đã có phản ứng mạnh mẽ. Nhà Trắng cho hay: “Chúng tôi đang theo dõi và tiếp tục đánh giá tình hình này, cùng với các đối tác trong khu vực”.

Mỹ khẳng định lên án mọi hành vi vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và chỉ trích “các hành động gây hấn” của Triều Tiên.

Mỹ cam kết sẽ đáp trả thích đáng đồng thời nhấn mạnh rằng cần phải mất thời gian để xác định xem liệu vụ thử bom H của Triều Tiên có thành công thật hay không. Mỹ kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết của Bình Nhưỡng đối với quốc tế.

Phản ứng lại hành động của Triều Tiên, một phi cơ Mỹ đã bay rời khỏi đảo Okinawa của Nhật Bản, chỉ khoảng 10 phút ngay trước khi Triều Tiên thử nghiệm bom nhiệt hạch.

Chiếc RC-135V chỉ trở về căn cứ vào chiều cùng ngày sau 6 giờ hoạt động, làm dấy lên những tin đồn rằng có thể phi cơ Mỹ xuất kích nhằm quan sát hoạt động thử nghiệm vũ khí của Bình Nhưỡng.

Trước đây, vào đầu năm 2013, máy bay Mỹ cũng thực hiện chuyến tuần tra tương tự ở biên giới Triều Tiên giữa lúc Bình Nhưỡng thử hạt nhân.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 6/1 cho hay, Nhật Bản kịch liệt phản đối vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch của Triều Tiên và sẽ thảo luận với chính phủ Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga về vấn đề này.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI