Thế giới không thể phát triển bền vững nếu phụ nữ tiếp tục bị áp bức

23/11/2020 - 13:14

PNO - Chuẩn bị cho 16 ngày hoạt động chống lại bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 25/11-10/12, Trung tâm Ban Ki-moon dành cho công dân toàn cầu (BKMC) và Chiến dịch Orange the World tiếp tục kêu gọi xóa bỏ bạo lực chống lại phụ nữ và trẻ em gái.

Năm năm trước, các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã nhất trí về 17 mục tiêu toàn cầu nhằm xây dựng tương lai tốt đẹp và bền vững hơn cho mọi người. Kể từ đó, các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) này trở thành một lộ trình hướng dẫn để tìm kiếm giải pháp lâu dài cho những thách thức toàn cầu. “Không bỏ lại ai phía sau” trở thành thông điệp chính của chương trình nghị sự này.

Chiến tranh, nghèo đói, đại dịch COVID-19 khiến bạo lực đối với phụ nữ gia tăng mạnh trong năm 2020. Trong ảnh là một phụ nữ tản cư người Rohingya và đứa con nhỏ tại Bangladesh
Chiến tranh, nghèo đói, đại dịch COVID-19 khiến bạo lực đối với phụ nữ gia tăng mạnh trong năm 2020. Trong ảnh là một phụ nữ tản cư người Rohingya và đứa con nhỏ tại Bangladesh

Phụ nữ chiếm một nửa dân số thế giới, nhưng họ vẫn đấu tranh để thực hiện các quyền cơ bản của con người. Đáng chú ý, 3/4 phụ nữ từng đối mặt bạo lực thể xác hoặc tình dục. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền phổ biến nhất và rõ ràng nhất của sự bất bình đẳng sâu xa trong xã hội. Do đó, thế giới khó có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững nếu vấn nạn này vẫn tồn tại.

Năm 2008, LHQ đã thúc đẩy một nỗ lực kéo dài nhiều năm gọi là UNiTE. Chiến dịch kêu gọi các chính phủ, các tổ chức của phụ nữ, xã hội, các phương tiện truyền thông và toàn bộ hệ thống LHQ cùng hợp lực để giải quyết nạn bạo lực toàn cầu đối với phụ nữ và trẻ em gái. Chẳng hạn như việc thông qua và thực thi luật pháp quốc gia để giải quyết, trừng phạt mọi hình thức bạo lực đối với nhóm yếu thế này, phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Vào năm 2015, UN Women (Phụ nữ LHQ) trở thành cơ quan được giao phó chủ trì các nỗ lực của LHQ nhằm vận động xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Nhằm củng cố UNiTE, UN Women đã công bố chiến dịch Orange the World, diễn ra hằng năm trong khoảng thời gian từ 25/11 - ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ đến 10/12 - ngày Nhân quyền quốc tế. Trong 16 ngày hoạt động chống bạo lực trên cơ sở giới này, các tượng đài và tòa nhà nổi bật nhất thế giới được chiếu sáng bằng màu cam, thể hiện một tương lai không còn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Đến năm 2018, ông Ban Ki-moon và cựu Tổng thống Áo Heinz Fischer đã thành lập BKMC nhằm trao quyền cho phụ nữ và thanh niên trở thành công dân toàn cầu trong khuôn khổ SDGs.

Nhưng dữ liệu mới nhất chỉ ra rằng, các biện pháp giãn cách trong mùa COVID-19 trên thế giới đã đi kèm với sự gia tăng đột biến các vụ bạo lực gia đình. Diễn biến đáng báo động này chứng tỏ rằng cần phải có hành động để ngăn chặn tình trạng bất bình đẳng giới trầm trọng hơn, và góp phần loại bỏ những gì mà UN Women đặt tên là “đại dịch trong bóng tối”.

Để báo cáo vấn đề mà phụ nữ đang đối mặt, ngày 26/11, hội nghị Giải quyết đại dịch trong bóng tối - Bạo lực đối với phụ nữ giữa thời COVID-19 sẽ diễn ra để tìm hướng giải quyết sự gia tăng bạo lực đối với phụ nữ. Sự kiện này được chủ trì bởi đồng Chủ tịch sáng lập Trung tâm BKMC - cựu tổng thư ký LHQ và cựu tổng thống Áo. Ngày 1/12, Văn phòng LHQ về Ma túy và tội phạm (UNODC) cùng trung tâm sẽ tổ chức hội chợ triển lãm ảo mang tên Giáo dục, trao quyền và chính sách hiệu quả: các sáng kiến ​​cải tiến phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, để cùng nhau trình bày cách thực hiện để ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Tóm lại, để thế giới trở thành nơi an toàn và tốt đẹp hơn cho mọi người, mỗi cá nhân phải làm phần việc của mình để xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái dưới mọi hình thức… 

Linh La (theo Eurasia Review)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI