Thế giới đứng trước nguy cơ thiếu lọ đựng và ống tiêm vắc-xin COVID-19

11/03/2021 - 05:54

PNO - Việc triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 mở rộng của thế giới đứng trước nguy cơ thiếu thiết bị tiêm chủng như lọ thủy tinh, ống tiêm và vật tư để duy trì dây chuyền bảo quản lạnh, vốn quan trọng không kém nguồn nguyên liệu vắc-xin thô.

 

Lọ đựng và ống tiêm phù hợp là hai thành phần quan trọng, nhưng đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt, trong kế hoạch tiêm chủng vắc-xin COVID-19 mở rộng trên toàn cầu
Lọ đựng và ống tiêm phù hợp là hai thành phần quan trọng, nhưng đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt, trong kế hoạch tiêm chủng vắc-xin COVID-19 mở rộng trên toàn cầu

Bài toán ống tiêm 

“Đối với việc phân phối vắc-xin COVID-19 giai đoạn 1 ở mọi nơi trên thế giới, chúng ta có đủ số sản phẩm ống tiêm trong sản xuất, dự trữ hoặc chuẩn bị theo đơn đặt hàng”, Prashant Yadav, thành viên cấp cao nghiên cứu chuỗi cung ứng y tế toàn cầu tại Trung tâm Phát triển toàn cầu, cho biết.

Tuy nhiên, điều đó dễ dàng thay đổi, một khi nỗ lực tiêm chủng mở rộng ra ngoài đối tượng ưu tiên. Chẳng hạn, Mỹ đã cảnh báo tình trạng thiếu hụt ống tiêm do các đơn đặt hàng sớm.

Do vậy, sau khi Quốc hội Mỹ được biết vào tháng 5/2020 rằng, quốc gia chỉ có 15 triệu ống tiêm dự trữ, một số hợp đồng liên bang lớn đã được giao cho các nhà sản xuất, bao gồm cả đơn đặt hàng hơn 280 triệu ống tiêm từ Becton Dickinson and Co - nhà sản xuất kim tiêm hàng đầu thế giới, và khoản vay 600 triệu USD cho ApiJect, một công ty khởi nghiệp sản xuất thiết bị tiêm dùng một lần.

Canada cũng đã đặt một đơn hàng lớn với Becton Dickinson. Amesh Adalja, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins (Mỹ), nhận xét: “Các hợp đồng được thực hiện trước thời hạn sẽ hữu ích trong tương lai”.

Theo ông Yadav, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil có thể tự đáp ứng nhu cầu ống tiêm với nguồn cung từ các cơ sở sản xuất trong nước, còn các nước đang phát triển ở Mỹ Latinh, châu Phi và những nơi khác sẽ có thể khai thác nguồn cung 1 tỷ ống tiêm từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nhưng trong khi tổng nguồn cung ống tiêm dường như đáp ứng đủ nhu cầu, thì thời điểm mới là vấn đề quan trọng.

Nếu nhiều quốc gia không nghĩ đến vấn đề này ngay bây giờ thì các giai đoạn triển khai vắc-xin rộng hơn có thể bị trì hoãn. Ví dụ, Ấn Độ vẫn chưa có đủ hợp đồng ống tiêm để cung cấp cho 1,3 tỷ dân của mình. Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho biết, thế giới sử dụng khoảng 16 tỷ ống tiêm dùng một lần mỗi năm, trong đó khoảng 5% dùng để chủng ngừa, số còn lại dùng để tiêm thuốc, lấy máu và các mục đích khác.

Cát là tài nguyên quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp và kỹ thuật
Cát là tài nguyên quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp và kỹ thuật

Thiếu cát để sản xuất lọ vắc-xin

Stevanato Group, một nhà sản xuất lọ của Ý, dự báo rằng, nhu cầu thế giới về lọ vắc-xin sẽ tăng lên tới 2 tỷ sản phẩm trong hai năm tới. Vì vậy, sự thiếu hụt cát có thể làm chậm quá trình sản xuất những lô vắc-xin cần thiết cho tiêm chủng.
Pascal Peduzzi, nhà khoa học khí hậu thuộc Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), chia sẻ: “Chúng ta thường nghĩ rằng cát có ở khắp mọi nơi và sẽ không bao giờ cạn kiệt, nhưng viễn cảnh thiếu hụt đang bắt đầu ở một số nơi; và những nỗ lực cải thiện quản lý tài nguyên cát là không đồng đều”.

Chuyên gia về vắc-xin James Robinson, Phó chủ tịch Liên minh Đổi mới phòng ngừa dịch bệnh (CEPI - Thụy Sĩ), nói rằng, ngay cả khi vắc-xin được đóng vào các lọ chứa 10 liều (thay cho 4-6 liều/lọ như hiện nay), thì thế giới vẫn cần hàng trăm triệu lọ thủy tinh cho riêng đại dịch COVID-19. Hiện chỉ có ba công ty: Corning, Schott và Nipro Pharma Corporation chịu trách nhiệm sản xuất hầu hết các lọ thủy tinh đựng vắc-xin COVID-19. Các cơ sở sản xuất mới rất tốn kém và có sự cạnh tranh cao đối với loại cát cần thiết để làm thủy tinh y tế.

Ông Robinson tiết lộ: “Janssen - một bộ phận của Johnson & Johnson đã đặt trước 250 triệu lọ, và đó có thể là tất cả những gì còn lại trên thị trường. Hiện chúng tôi đang cố gắng mua thêm 200 triệu lọ”. Các nhà lãnh đạo của cả ba công ty thủy tinh dược phẩm cho biết, giữa cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, họ đang hợp tác cùng nhau để đáp ứng nhu cầu.

Trong khi đó, những nhà vận động đang kêu gọi các tập đoàn, chính phủ giải quyết tình trạng thiếu cát; đồng thời làm nhiều hơn nữa để bảo vệ môi trường. Song song đó, giới nghiên cứu cũng bắt đầu xem xét các lựa chọn thay thế cho cát, bao gồm tro núi lửa, chất thải nông nghiệp và tro bụi - một sản phẩm phụ của quá trình đốt than, cũng như một ứng viên tiềm năng là cát silica - được làm từ thạch anh nghiền vụn. 

Tấn Vĩ (theo Quartz, Daily Mail)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI