Thế giới đứng trước nguy cơ mất kiểm soát vũ khí hạt nhân

24/05/2020 - 10:00

PNO - Hiệp định vũ khí hạt nhân hiện hữu của hai siêu cường Mỹ - Nga đã sắp hết thời hạn hiệu lực, lần đầu tiên thế giới bị đặt trước nguy cơ mất kiểm soát về vũ khí hạt nhân.

 

Nga thử tên lửa đạn đạo liên hành tinh từ một bệ phóng di động - Ảnh: AP/Bộ QP Nga
Nga thử tên lửa đạn đạo liên hành tinh từ một bệ phóng di động - Ảnh: AP/Bộ QP Nga

Theo hãng tin AP, nếu Tổng thống Donald Trump không gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) - hiệp định kiểm soát vũ khí Nga - Mỹ duy nhất còn tồn tại; hoặc không đàm phán thành công để thay thế một hiệp ước mới trước khi New START hết hạn vào ngày 5/2/2021, thì lần đầu tiên thế giới sẽ không được bảo đảm an toàn hạt nhân.

Về lý thuyết, hiệp ước có thể được ký trong ngày thứ 16 sau khi Tổng thống Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai hoặc tân Tổng thống Mỹ tuyên thệ nhậm chức.  

Nga đã đề nghị gia hạn New START thêm tối đa 5 năm, nhưng Mỹ còn trì hoãn việc này. Tổng thống Mỹ cho rằng Trung Quốc, nước dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi kho dự trữ vũ khí hạt nhân trong vòng 10 năm tới, cũng phải ký vào hiệp định kiểm soát vũ khí hạt nhân. Tổng thống Trump bày tỏ mong muốn về một thỏa thuận kiểm soát vũ khí ba bên cách đây nhiều tháng, nhưng nỗ lực đó vẫn nằm trong giai đoạn khởi đầu.

Tương lai của New START tiếp tục lung lay sau tuyên bố hôm 21/5 của Tổng thống Trump, rằng Mỹ dự định rút khỏi hiệp ước Bầu trời mở cho phép các chuyến bay quan sát qua không phận Mỹ, Nga và hơn 30 quốc gia ký kết.

Marshall Billingslea - tân đặc phái viên kiểm soát vũ khí của Tổng thống Mỹ - hôm 21/5 cho biết ông đã có cuộc điện đàm đầu tiên với người đồng cấp Nga - Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov. Ông Billingslea cho biết họ đồng ý gặp gỡ, thảo luận về mục tiêu và tìm cách thức bắt đầu đàm phán. Phái viên Billingslea khẳng định điều này “không dễ dàng” và Mỹ mong đợi Nga giúp đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán.

Các quan chức Nga và nhiều chuyên gia kiểm soát vũ khí, trong đó có ông Alexandra Bell thuộc Trung tâm kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng ý rằng Trung Quốc - với tư cách là một cường quốc đang nổi lên, cần phải là một thành viên của hiệp định vũ khí hạt nhân, và cuộc đàm phán tay ba cần hoàn tất trước khi New START hết hạn vào ngày 5/2/2021.

Trong khi đó, tháng Giêng năm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố Bắc Kinh “không có ý định tham gia” vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí ba bên. Tuy nhiên, ông Billingslea vẫn lạc quan rằng Bắc Kinh sẽ muốn tham gia sân chơi và để được coi là một cường quốc thế giới.

New START quy định giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân và bệ phóng hạt nhân tầm xa của Mỹ và Nga. Nếu hiệp ước sụp đổ, đây sẽ là lần đầu tiên sau 50 năm, Mỹ mất khả năng kiểm soát lực lượng hạt nhân của Nga - một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phân tích.

Bộ Ngoại giao Nga hôm 22/5 đã lên tiếng cáo buộc Mỹ muốn vứt bỏ các hiệp ước an ninh. Nga cho rằng, việc Washington rút khỏi hiệp ước Bầu trời mở “phù hợp hoàn toàn với đường lối của Mỹ trong việc phá hủy toàn bộ các thỏa thuận trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí và xây dựng lòng tin trong lĩnh vực quân sự”.

Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), Hoa Kỳ và Nga sở hữu khoảng 91% đầu đạn hạt nhân của thế giới. Mỹ có trong kho dự trữ 3.800 đầu đạn hạt nhân và Nga có 4.310. Trung Quốc có 320 đầu đạn hạt nhân, mặc dù Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ năm ngoái dự đoán rằng Trung Quốc có khả năng tăng gấp đôi kho dự trữ trong vòng 10 năm tới.

Thanh Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI