Thế giới đứng trước nguy cơ đại dịch cúm gia cầm ở động vật

13/05/2024 - 05:55

PNO - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, vi rút cúm gia cầm H5N1 cho đến nay chưa có dấu hiệu lây từ người sang người. Tuy nhiên, các chuyên gia đang cảnh báo về một “đại dịch toàn cầu đối với động vật” khi vi rút cúm lây lan từ chim sang động vật có vú, gia súc và thậm chí cả vật nuôi.

Mối nguy đang lan rộng
Trong 4 năm qua, cúm gia cầm chủng H5N1 đã xâm nhập vào các loài động vật có vú, từ bò sữa đến vật nuôi trong nhà và các loài sống gần con người, chẳng hạn như cáo. Vi rút cúm gia cầm xuất hiện ở mọi châu lục, bao gồm cả Nam Cực.

Hiện khả năng cúm gia cầm lây lan giữa người với người vẫn chưa được ghi nhận. Tuy nhiên, Mỹ đã xác định 1 trường hợp công nhân trang trại bò sữa ở Texas nhiễm H5N1 vào đầu tháng 4/2024. Đây dường như là trường hợp cúm gia cầm đầu tiên lây sang người từ một loài động vật có vú khác, gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ y tế cộng đồng.

Tính đến tháng 5/2024, Mỹ ghi nhận cúm gia cầm ở ít nhất 36 đàn bò sữa tại 9 bang - Nguồn ảnh: AP
Tính đến tháng 5/2024, Mỹ ghi nhận cúm gia cầm ở ít nhất 36 đàn bò sữa tại 9 bang - Nguồn ảnh: AP

Tiến sĩ Gregory Poland - Giám đốc nhóm nghiên cứu vắc xin của Mayo Clinic - ví tỉ lệ lây nhiễm gia tăng ở động vật như “những rung chấn trước một trận động đất”: “Ngày càng có nhiều mối lo ngại ở cấp độ khoa học và sức khỏe cộng đồng”. Tính đến ngày 5/5, đã có 91 triệu con gia cầm và chim nuôi đã nhiễm bệnh trên khắp 48 tiểu bang tại Mỹ. Tiến sĩ Poland cũng đặc biệt lo lắng trước các báo cáo về việc thú cưng nhiễm vi rút từ gia súc, bị bệnh nặng hoặc chết. Ông nhận xét: “Có rất ít nghiên cứu cho biết điều này xảy ra như thế nào và nguy cơ lây nhiễm là bao nhiêu”.

Đáng chú ý, cúm gia cầm có thể cực kỳ nguy hiểm đối với con người. Trong các phân nhóm cúm gia cầm, 3 nhóm gồm H5N1, H5N6 và H7N9 có khả năng gây bệnh ở người. Theo WHO, kể từ khi loại vi rút này được biết đến lần đầu cách đây gần 30 năm tại Trung Quốc, khoảng 860 người đã nhiễm cúm gia cầm ở 23 quốc gia. Trong số đó, 463 người chết, tỉ lệ tử vong lên tới 52%.

Vi rút có thể biến đổi để lây lan

Hiện tại, nông dân chỉ có thể tiêu hủy những đàn gia cầm nhiễm bệnh. Hồi tháng Tư, một trang trại ở Texas đã tiêu hủy 1,5 triệu con gà để ngăn chặn lây lan. WHO cảnh báo dịch bệnh có thể lây lan ra nhiều quốc gia thông qua sự di chuyển của các loài chim di cư. Cúm có thể lây từ các loài chim hoang dã và chim nước như vịt, ngỗng thông qua phân hoặc dịch tiết. Ở gia súc, giới khoa học vẫn chưa hiểu đầy đủ về cách thức vi rút truyền từ cá thể này sang cá thể khác. Dù vậy, dấu vết của vi rút trong sữa bò cho thấy tải lượng vi rút lớn tập trung ở nang tuyến vú và chúng có thể lây lan trong quá trình vắt sữa công nghiệp.

Để lây nhiễm vào vật chủ, vi rút cần tìm cách xâm nhập vào tế bào theo cơ chế “chìa khóa - ổ khóa”. Đối với vi rút cúm, đó là một phân tử đường bám trên bề mặt tế bào gọi là a xít sialic. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây có thể là lý do tại sao H5N1 chưa có khả năng lây lan hiệu quả giữa người với người. Chim có các thụ thể a xít sialic với hình dạng hơi khác so với thụ thể a xít sialic tại đường hô hấp trên ở người. Tuy nhiên, báo cáo gần đây của 1 nhóm nghiên cứu Mỹ và Đan Mạch phát hiện ra rằng, các nang tuyến vú của bò chứa đầy các thụ thể a xít sialic. Phát hiện làm dấy lên mối lo ngại vì vi rút cúm có thể hoán đổi các phần vật liệu di truyền của chúng với những vi rút cúm khác thông qua quá trình tái tổ hợp. Sự lây lan của vi rút qua các vật chủ mới cũng có thể dẫn đến sự thay đổi bộ gen, giúp chúng tiến hóa và thích nghi tốt hơn.

Trong trường hợp xấu nhất, nếu H5N1 bắt đầu lây lan từ người sang người, tiến sĩ Poland dự báo, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu sẽ phải phụ thuộc một phần vào thuốc kháng vi rút trong 6 tháng đầu của đợt bùng phát, cho đến khi có đủ vắc xin để cung cấp cho người dân. Tin tốt là thế giới đã có nhiều kinh nghiệm về việc triển khai các chương trình tiêm chủng quy mô lớn. Ngoài ra, các hãng dược nổi tiếng bao gồm Moderna, GSK và CureVac đang hợp tác thử nghiệm vắc-xin H5N1 trên người.

Tấn Vĩ (theo Al Jazeera, CNN, The Guardian, UN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI