Thế giới đón bắc cực quang, TPHCM rực rỡ mây ngũ sắc

12/05/2024 - 19:09

PNO - Trong ngày 11 và 12/5, cơn bão mặt trời mạnh bất thường hướng về Trái đất khiến cực quang thắp sáng bầu trời đêm ở bán cầu bắc. Chiều 12/5 tại TPHCM, hiện tượng mây ngũ sắc khiến người dân trầm trồ vì đẹp.

Hiện tượng mây ngũ sắc xuất hiện tại TPHCm vào chiều 12/5 - Ảnh: Bảo Tùng
Hiện tượng mây ngũ sắc xuất hiện tại TPHCM vào chiều 12/5 - Ảnh: Tùng Nguyễn

Từ ngày 11/5 (giờ Việt Nam), một cơn bão mặt trời mạnh bất thường đã tác động lên Trái đất, mang theo sức mạnh đủ làm gián đoạn một số phương tiện thông tin liên lạc và tạo ra cảnh cực quang đẹp mắt ở các quốc gia Bắc bán cầu, gần Bắc Cực.

Sự xuất hiện của cơn bão mặt trời khiến Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) đưa ra cảnh báo về thiệt hại cho thiết bị viễn thông.

Dù vậy, hầu hết những người có nguy cơ chịu ảnh hưởng bất lợi từ bão mặt trời là chuyên viên vận hành nhà máy điện và những phi hành gia trên tàu vũ trụ.

Còn đối với những người sống gần vùng cực Bắc, ban đêm là thời điểm thích hợp để họ ra ngoài và chiêm ngưỡng màn trình diễn cực quang huyền ảo.

Shawn Dahl – chuyên gia dự báo và điều phối viên tại Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian của NOAA - cho biết: "Đây là một sự kiện rất hiếm khi xảy ra. Chúng tôi đã không thấy điều này trong một thời gian dài".

Trong sự kiện cực quang mới nhất, một vết đen mặt Trời rộng gấp 16 lần Trái đất đã giải phóng ít nhất 5 vụ phun trào nhật hoa (CME) - bao gồm những đám mây plasma và các hạt tích điện - hướng về phía hành tinh của chúng ta kể từ ngày 8/5.

Hiện tượng cực quang xảy ra khi các hạt tích điện va chạm với bầu khí quyển Trái đất xung quanh 2 cực từ trường.

Ở bán cầu bắc, hầu hết hoạt động này diễn ra trong một khu vực gọi là vòng cực quang, bao phủ các vĩ độ từ 60 đến 75 độ. Khi bão mặt trời hoạt động mạnh, vòng cực quang sẽ mở rộng để bao phủ một khu vực lớn hơn.

Kết quả, cực quang đã thắp sáng bầu trời đêm với những cảnh tượng hiếm thấy trên khắp nước Anh, châu Âu, Mỹ và nhiều quốc gia ở Bắc bán cầu. Cư dân Kathleen Cunnea, ở Great Horkesley, hạt Essex, Anh nhận xét: “Thật tuyệt vời khi được chứng kiến cực quang”.

Người dân ngắm cực quang tại ngọn hải đăng St Mary, Vịnh Whitley, đông bắc nước Anh - Ảnh: Ian Forsyth/Getty Images
Người dân ngắm cực quang tại ngọn hải đăng St Mary, Vịnh Whitley, đông bắc nước Anh - Ảnh: Ian Forsyth/Getty Images
Ánh sáng cực quang lấp lánh trên bầu trời thành phố Ostrava ở Cộng hòa Séc - Ảnh: Anadolu/Getty Images
Ánh sáng cực quang lấp lánh trên bầu trời thành phố Ostrava ở Cộng hòa Séc - Ảnh: Anadolu/Getty Images
Tua bin gió được chiếu sáng bởi cực quang ở Đức - Ảnh: Patrick Pleul/AP
Tua bin gió được chiếu sáng bởi cực quang ở Đức - Ảnh: Patrick Pleul/AP

Tuy người dân Việt Nam không thể chứng kiến hiện tượng bắc cực quang nhưng vào chiều ngày 12/5, một hiện tượng ánh sáng rực rỡ khác đã xuất hiện tại TPHCM khiến nhiều người ngạc nhiên, thích thú.

Trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ hình ảnh đám mây rực rỡ sắc màu trông như một cây nấm hay miếng vỏ trai xà cừ khổng lồ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, anh B.T nhà ở quận 4, TPHCM cho biết: “Bất chợt nhìn ra cửa sổ, mình ngạc nhiên khi thấy đám mây có màu sắc rực rỡ nên đã chụp ảnh và chia sẻ với bạn bè trên mạng xã hội. Dường như nhiều người cũng cảm thấy thú vị về hiện tượng này”.

Được biết, đám mây như trên thường được gọi là “mây ngũ sắc”. Đây là hiện tượng nhiễu xạ ánh sáng hiếm gặp, xảy ra khi ánh mặt trời hoặc mặt trăng chiếu vào những đám mây mỏng hoặc vùng rìa của các đám mây. Lúc này, ánh sáng mặt trời tán xạ khi đi qua những hạt nước hoặc tinh thể băng nhỏ li ti, tạo nên dải màu sắc đầy huyền ảo.

Hình ảnh mây ngũ sắc chụp tại TPHCM vào chiều 12/5 - Ảnh: Tùng Nguyễn
Hình ảnh mây ngũ sắc chụp tại TPHCM vào chiều 12/5 - Ảnh: Tùng Nguyễn

Tấn Vĩ (theo The Guardian, USA Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI