Thế giới đau đầu vì “đại dịch hậu COVID-19”

04/10/2022 - 05:57

PNO - Hơn hai năm sau khi đại dịch bắt đầu, hàng triệu người từng mắc COVID-19 cho biết họ vẫn cảm thấy không ổn.

Đầu óc cảm thấy mù mịt, khó thở và mệt mỏi dữ dội là một số trong những triệu chứng mà những người từng mắc COVID-19 cho biết vẫn còn tồn tại trong cơ thể. Điều này làm suy giảm khả năng làm việc, chất lượng cuộc sống và làm mất khả năng độc lập về tài chính của họ.

Viện Đánh giá và Đo lường sức khỏe (IHME) trụ sở tại Mỹ ước tính gần 145 triệu người trên thế giới có ít nhất một trong những triệu chứng hậu COVID-19 trong hơn hai năm đại dịch. Giám đốc châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Hans Kluge cho biết, những người này “không thể tiếp tục chịu đựng trong im lặng”, đồng thời kêu gọi thế giới hành động nhanh chóng để tìm hiểu thêm về tình trạng này.

 

Theo ước tính, khoảng 10-20% người nhiễm coronavirus có triệu chứng hậu COVID-19 - ẢNH: REUTERS
Theo ước tính, khoảng 10-20% người nhiễm coronavirus có triệu chứng hậu COVID-19 - Ảnh: REUTERS

Thực tế, các nhà nghiên cứu đã chạy đua để tìm hiểu về hiện tượng hậu COVID-19. Tuy nhiên hàng trăm triệu chứng và sự không nhất quán của những triệu chứng này là một trong những vấn đề phức tạp mà họ phải đau đầu giải mã. Theo một nghiên cứu của Đại học College London, đến nay hơn 200 triệu chứng khác nhau đã được quy cho bệnh COVID-19 kéo dài.

Tiến sĩ Olivier Robineau - điều phối viên COVID-19 kéo dài tại cơ quan nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm mới nổi của Pháp - cho biết: “Không có triệu chứng nào cụ thể đối với hậu COVID-19 nhưng nó có những đặc điểm nhất định. Tình trạng mệt mỏi vẫn là biểu hiện chính, trong khi các triệu chứng khác như sa sút về trí tuệ, thể chất lại ít thường xuyên hơn bởi nó thay đổi hoặc giảm dần theo thời gian. Một nguyên nhân nữa được thống nhất cao là những người mắc bệnh nghiêm trọng, phải nhập viện, có nhiều khả năng bị hậu COVID-19 nhiều hơn”.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm lâm sàng vào tháng 9 cho thấy protein đột biến của COVID-19 - chìa khóa cho phép virus xâm nhập vào các tế bào của cơ thể - vẫn tồn tại ở bệnh nhân một năm sau khi nhiễm bệnh. Điều này cho thấy các ổ chứa virus có thể tồn tại ở một số người, có khả năng gây viêm và dẫn đến các triệu chứng giống như COVID-19 kéo dài. Ngoài ra, một giả thuyết khác là tổn thương mô do các trường hợp COVID-19 nghiêm trọng gây ra sự gián đoạn lâu dài đối với hệ thống miễn dịch. Một nhóm nghiên cứu khác cho rằng nhiễm trùng ban đầu gây ra các cục máu đông nhỏ, có thể liên quan đến các triệu chứng COVID-19 kéo dài... 

Mới đây, các chuyên gia tại Học viện Y học vật lý và Phục hồi chức năng Mỹ cho biết: Trong khi chờ đợi hướng dẫn chi tiết về “đại dịch hậu đại dịch COVID-19” từ chính phủ, họ đưa ra những gợi ý và hy vọng sẽ giúp các bác sĩ tận dụng kinh nghiệm của mình với bệnh nhân để giúp giải quyết và giảm thiểu các triệu chứng của họ. 

Các chuyên gia cho rằng, ưu tiên trong việc giải quyết hậu COVID-19 là “nhận biết, đánh giá và điều trị” các triệu chứng trên nhiều lĩnh vực y tế, bao gồm tim mạch và phổi đến thần kinh, nhận thức và tiêu hóa. “Khi dịch bệnh vẫn còn, ngày càng nhiều người ở mọi lứa tuổi nhiễm COVID-19, và số lượng trẻ em có khả năng bị ảnh hưởng bởi hậu COVID-19 cũng tăng lên” - tiến sĩ Amanda Morrow - Phòng khám Phục hồi chức năng sau COVID-19 của Viện Kennedy Krieger - cho biết. Cô gợi ý cha mẹ, người chăm sóc, giáo viên hay người giám hộ cần quan sát và sớm phát hiện những thay đổi ở trẻ em để nhanh chóng đưa chúng đến bệnh viện nhằm giảm thiểu hết mức có thể về tình trạng hậu COVID-19. 

 

Thu Thanh (theo AFP, ABC News)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI