Thế giới đạt 8 tỉ người, thách thức càng nhiều hơn

16/11/2022 - 05:59

PNO - Liên hiệp quốc tuyên bố rằng dân số thế giới đã vượt qua 8 tỉ người vào ngày 15/11. Việc dân số ngày càng tăng kéo theo nhiều tác động, từ sức khỏe đến môi trường và phúc lợi của từng cá nhân.

Tốc độ gia tăng dân số chậm dần

Từ sự xuất hiện của cá thể người tinh khôn (Homo sapiens) đầu tiên, phải mất khoảng 300.000 năm sau đó mới có 1 tỉ người sinh sống trên Trái đất. Đó là khoảng năm 1804. Đến nay, hành tinh đã vượt mốc 8 tỉ người vào ngày 15/11 - theo ước tính của Liên hiệp quốc (LHQ) dựa trên các dự báo nhân khẩu học chính xác nhất. 

Con người đang sống lâu hơn nhờ được chăm sóc sức khỏe tốt, nguồn nước sạch hơn và cải thiện điều kiện vệ sinh. Tất cả những điều này đã làm giảm tỉ lệ bệnh tật và kéo dài tuổi thọ. Ngoài ra, phân bón và thủy lợi đã thúc đẩy năng suất cây trồng, cải thiện dinh dưỡng cho mọi người. Các dự đoán mới nhất của LHQ cho thấy, thế giới sẽ đạt khoảng 9,7 tỉ người vào năm 2050. Tuy nhiên, trong khi dân số toàn cầu đang tăng lên, tốc độ tăng trưởng bắt đầu chậm lại. Ở một thời điểm nào đó, tỉ lệ tăng dân số sẽ bắt đầu giảm và xã hội của chúng ta dần co lại. 

Báo cáo của LHQ cho biết, mức sinh đã giảm rõ rệt trong những thập niên gần đây tại nhiều quốc gia. Để duy trì cơ cấu dân số ổn định trong thời gian dài đối với một nhóm dân số có tỉ lệ tử vong thấp, mỗi phụ nữ cần có trung bình 2,1 con. Nếu phụ nữ sinh nhiều con hơn số đó, dân số thế giới sẽ tăng lên. Ngược lại nếu tỉ lệ sinh thấp hơn, dân số sẽ thu hẹp. Hiện tại, 2/3 dân số toàn cầu đang sống ở 1 quốc gia hoặc khu vực có mức sinh dưới 2,1. Dân số của 61 quốc gia hoặc khu vực, bao gồm Úc, châu Âu, Bắc Mỹ và một số khu vực ở châu Á được dự báo sẽ giảm từ 1% trở lên từ năm 2022 đến năm 2050, do mức sinh thấp được duy trì, và trong một số trường hợp là tỉ lệ di cư tăng cao. 

Tiến sĩ Elin Charles-Edwards - Đại học Queensland (Úc) - nhận định: “Hiện chúng ta đã đạt đến đỉnh về số trẻ em sinh ra. Sẽ không bao giờ có nhiều trẻ em sống trên Trái đất hơn hiện nay”.
Trong khi việc dân số giảm có thể tốt từ góc độ môi trường, một số nhà kinh tế và chính phủ lại coi điều đó như thảm họa. Ở hầu hết các nước phương Tây, những người trong độ tuổi lao động phải gánh vác chi phí lương hưu và chăm sóc cho những người đã nghỉ hưu. Vì vậy, tỉ lệ người già ngày càng tăng gây ra những căng thẳng tài chính nghiêm trọng. Ở các quốc gia phương Đông, nơi con cháu tự chăm sóc cha mẹ, ông bà lớn tuổi, sự căng thẳng sẽ được cảm nhận ở cấp độ gia đình.

Dân số thế giới vượt qua cột mốc lịch sử 8 tỉ người giữa lúc còn nhiều nỗi lo về biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực… - Ảnh: GETTY IMAGES
Dân số thế giới vượt qua cột mốc lịch sử 8 tỉ người giữa lúc còn nhiều nỗi lo về biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực… - Ảnh: Getty Images 

Ứng phó những khó khăn chung

Những thách thức mà chúng ta phải đối mặt khi dân số thế giới tiếp tục tăng cũng rất đáng kể. 3/4 diện tích đất liền và 2/3 diện tích đại dương đã bị con người thay đổi đáng kể. Ô nhiễm và đánh bắt quá mức đang làm suy thoái nhiều khu vực của đại dương. Động vật hoang dã đang biến mất đến mức đáng báo động, khi con người quét sạch rừng và các vùng đất hoang dã khác để phát triển nông nghiệp và khai thác các sản phẩm thương mại. Khí hậu thay đổi do hệ thống năng lượng toàn cầu dựa trên nhiên liệu hóa thạch đang nhanh chóng trở thành mối đe dọa lớn nhất trong lịch sử đối với đa dạng sinh học, an ninh lương thực và khả năng tiếp cận nguồn nước uống, canh tác. 

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hơn một nửa số bệnh truyền nhiễm ở người có thể trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu. Ví dụ, lũ lụt có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước và môi trường sống, nơi vi khuẩn và vật trung gian nguy hiểm như muỗi có thể sinh sản và truyền bệnh cho con người. Một rủi ro sức khỏe nghiêm trọng khác là nhiệt độ tăng cao. Điều này có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe hiện có, chẳng hạn như bệnh tim mạch và hô hấp, thậm chí gây tử vong do sốc nhiệt. Trong khi đó, ô nhiễm không khí trở nên trầm trọng hơn do các tác nhân của biến đổi khí hậu. Từ đó kéo theo tỉ lệ mắc bệnh dị ứng, hen suyễn và các vấn đề về hô hấp khác, cũng như bệnh tim mạch.

Biến đổi khí hậu và chính trị cũng có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến tình trạng di cư giữa các quốc gia. Do đó, những rủi ro và cơ hội của sự bùng nổ dân số, cũng như khủng hoảng tài nguyên phụ thuộc phần lớn vào các quyết định mà chúng ta chưa đưa ra. 

Patrick Gerland - người giám sát các ước tính dân số cho Bộ phận Kinh tế và Xã hội của LHQ - chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng những tác động chính xác đối với cuộc sống con người trong tương lai vẫn chưa được xác định. Cố gắng duy trì hiện trạng và không làm gì cả không phải là một lựa chọn tốt. Dù muốn hay không thì con người sẽ phải chung tay cải thiện môi trường tự nhiên theo hướng tốt hơn, và thuận tự nhiên hơn. 

TẤN VĨ (theo National Geographic, Conversation, ABC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI