Thế giới đang trả giá cho chính sách vắc-xin của Ấn Độ

29/05/2021 - 12:17

PNO - Bộ trưởng Ngoại giao Subrahmanyam Jaishankar dường như đang thực hiện một sứ mệnh khó khăn khi chuyến công du sang Mỹ để mua vắc-xin COVID-19 của ông diễn ra giữa lúc chính phủ Ấn Độ đang siết chặt các nền tảng mạng xã hội Twitter và WhatsApp của Mỹ.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiêm liều Covaxin thứ hai - đây là vắc-xin COVID-19 do Ấn Độ sản xuất - tại Bệnh viện AIIMS, New Delhi - Ảnh: Cục Thông tin Báo chí Ấn Độ
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiêm liều Covaxin thứ hai - đây là vắc-xin COVID-19 do Ấn Độ sản xuất - tại Bệnh viện AIIMS, New Delhi - Ảnh: Cục Thông tin Báo chí Ấn Độ

Ấn Độ tiếp tục lao đao vì đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng, khi mỗi ngày ghi nhận hơn 200.000 ca nhiễm và 4.000 trường hợp tử vong. Thảm kịch trở nên tồi tệ hơn bởi tình trạng thiếu vắc-xin trầm trọng.

Bộ trưởng Jaishankar được giao nhiệm vụ gặp gỡ các quan chức hàng đầu và các nhà sản xuất vắc-xin của Hoa Kỳ để ký kết các thỏa thuận cung cấp. Tổng thống Biden đã đồng ý giao 80 triệu liều vắc-xin đến các quốc gia có nhu cầu về vắc-xin và Ấn Độ hy vọng sẽ nhận được càng nhiều càng tốt trong số này vì đất nước đang thiếu vắc-xin trầm trọng: Số lượng được tiêm chủng trong tháng Năm giảm một nửa so với tháng Tư và chính phủ ước tính hơn 1 triệu người Ấn Độ đã chết trong đại dịch, mặc dù con số tử vong chính thức là 315.000 người - một con số được hầu hết các chuyên gia nhận định là “quá thấp”.

Ấn Độ đã đi được một chặng đường dài trong một thời gian rất ngắn - từ đại gia vắc-xin khoe khoang về sứ mệnh cứu thế giới, đến việc lùng sục một cách tuyệt vọng khắp hang cùng ngõ hẻm toàn cầu để tìm kiếm vắc-xin. Đối với nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, thật không dễ dàng gì khi yêu cầu cung cấp vắc-xin và việc này khiến chuyến công du Hoa Kỳ của ngoại trưởng Jaishankar trở nên hết sức thách thức.

Ấn Độ hiện đã cấm xuất khẩu vắc-xin để ưu tiên tiêm chủng cho người dân trong nước, điều đó đe dọa phá hủy chương trình COVAX toàn cầu nhằm đảm bảo phân phối vắc-xin công bằng để giúp đỡ các quốc gia nghèo, và tạo ra nguy cơ đại dịch kéo dài cho toàn thế giới.

Nguồn cung cấp vắc-xin ở Ấn Độ đã cạn kiệt - Ảnh: Getty Images
Nguồn cung cấp vắc-xin ở Ấn Độ đã cạn kiệt - Ảnh: Getty Images

Cuộc khủng hoảng vắc-xin đang làm nhức nhối các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới bắt nguồn từ việc Thủ tướng Modi không muốn kịp thời mua đủ vắc-xin. Ngay từ tháng 8/2020, ông Modi đã tuyên bố hùng hồn rằng Ấn Độ đã lên kế hoạch phân phối vắc-xin. Tuy nhiên, mãi đến cuối tháng 1/2021 ông mới đặt đơn hàng vắc-xin đầu tiên, và ngay cả khi đó, ông đã mua rất ít. Kết quả là vào thời điểm Ấn Độ bị đợt tấn công thứ hai của COVID-19, với cường độ mạnh tháng Tư vừa qua, chỉ có 0,5% người dân nước này được tiêm phòng đầy đủ. Con số này hiện cũng chỉ ở mức 3,1%.

Viện huyết thanh của Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vắc-xin Oxford-Astra Zeneca chiếm 90% liều COVID-19 của Ấn Độ, đã được giao nhiệm vụ cung cấp một nửa trong số 2 tỷ liều vắc-xin cho chương trình COVAX trong năm nay. Nhưng Ấn Độ đã ngừng giao hàng kể từ tháng 3 và cho biết họ không thể khởi động lại nguồn cung cho đến cuối năm. Đối mặt với áp lực về vắc-xin trong và ngoài nước, chủ sở hữu kiêm Giám đốc điều hành SII - ông Adar Poonawalla - đã bỏ trốn sang London. Với việc nguồn cung cấp toàn cầu của Viện Huyết thanh Ấn Độ bị đình trệ, 92 quốc gia có thu nhập thấp hiện phụ thuộc vào chương trình COVAX đứng trước nguy cơ thiếu nguồn cung vắc-xin - ngay cả khi họ tìm được nhà cung cấp mới, vẫn phải mất hàng tháng mới có được vắc-xin.

SII ngừng hoạt động có nghĩa là COVAX sẽ thiếu 190 triệu liều vào cuối tháng 6, trong khi gần một chục quốc gia, trong đó có nhiều quốc gia ở châu Phi, vẫn chưa nhận được một liều vắc-xin nào.

Ấn Độ hiện mới tiêm chủng được 3,1% dân số do tình trạng cạn kiệt vắc-xin trong nước - Ảnh: Getty Images
Ấn Độ hiện mới tiêm chủng được 3,1% dân số do tình trạng cạn kiệt vắc-xin trong nước - Ảnh: Getty Images

Tại khu vực lân cận Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và Sri Lanka đang cạn kiệt vắc-xin ở mức nguy hiểm. Nepal đang phải đối mặt với một vấn đề kép về tỷ lệ lây nhiễm tăng mạnh trong khi nguồn dự trữ vắc-xin sắp hết. Từ chỉ 152 ca nhiễm vào ngày 1/4, nay mỗi ngày Nepal ghi nhận hơn 8.000 ca, gây quá tải cho hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã mỏng của nước này. Nepal đã mua 2 triệu liều vắc-xin từ Viện Huyết thanh Ấn Độ, nhưng công ty đã ngừng cung cấp sau khi giao 1 triệu liều đầu tiên, khi nhu cầu của Ấn Độ tăng lên.

Đây cũng là câu chuyện tương tự đối với nhiều quốc gia khác, những nước đang phụ thuộc vào nguồn vắc-xin của Ấn Độ.

Cẩm Hà (theo Time)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI