Thế giới có hơn 1 tỉ người bị béo phì

01/03/2024 - 17:36

PNO - Tổ chức Y tế thế giới công bố số liệu cho thấy, có hơn 1 tỉ người trên toàn cầu bị thừa cân và sống với nhiều rủi ro sức khỏe.

Người bị béo phì phải sống chung với rủi ro về sức khỏe, như tim mạch, tiểu đường, ung thư  — Ảnh: iStock
Người bị béo phì phải sống chung với rủi ro về sức khỏe, như tim mạch, tiểu đường, ung thư - Ảnh: iStock

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố báo cáo do một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế thực hiện, trong đó cảnh báo rằng, hơn 1 tỉ người trên toàn cầu bị béo phì, theo Channel News Asia (CNA) đưa tin ngày 1/3.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc WHO được đăng trên tạp chí y khoa The Lancet hôm 29/2 29a qua. Đây được coi là một trong những ước tính độc lập có căn cứ nhất, dựa trên dữ liệu thu thập từ hơn 220 triệu người ở hơn 190 quốc gia.

Báo cáo cập nhật tình trạng béo phì trên thế giới mới nhất từ năm 2017 và được biên soạn bởi hơn 1.500 nhà khoa học trong nhóm Hợp tác về rủi ro của bệnh không truyền nhiễm. Nhóm nghiên cứu ước tính, 1/8 người trên thế giới bị béo phì.

Majid Ezzati - tác giả chính của nghiên cứu và là giáo sư tại Trường cao đẳng Hoàng gia London - cho biết: "Số người bị béo phì nhiều đến đáng kinh ngạc”. Đồng thời cho biết thêm, tỉ lệ béo phì đang ổn định ở các nước giàu nhưng lại tăng nhanh ở những nơi khác. 

Nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ béo phì và suy dinh dưỡng gia tăng nhiều nhất ở một số quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (bao gồm cả các khu vực thuộc vùng Caribe và Trung Đông).

Tỉ lệ béo phì ở các nước này hiện còn cao hơn ở các nước có thu nhập cao, đặc biệt là châu Âu. Tại một số nước như Tây Ban Nha, có nhiều dấu hiệu cho thấy tỉ lệ béo phì đang giảm hoặc chững lại.

Francesco Branca - người phụ trách bộ phận dinh dưỡng của WHO - cho biết: “Trước đây, chúng ta từng nghĩ béo phì chỉ là vấn đề của người giàu. Béo phì giờ là vấn đề của cả thế giới”.

Nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ béo phì ở người lớn đã tăng hơn gấp đôi từ năm 1990 đến năm 2022 và tăng hơn gấp 4 lần ở trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 - 19 tuổi. Trong cùng thời gian đó, tỉ lệ bé gái, bé trai và người trưởng thành suy dinh dưỡng lần lượt giảm khoảng 20%, 30% và 50%.

Giáo sư Ezzati nhận định, tỉ lệ béo phì ở trẻ em gia tăng là điều “rất đáng lo ngại”, phản ánh một quỹ đạo từng xuất hiện ở người lớn từ trước năm 1990. 

Một người bị béo phì khi chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên. Người béo phì có nguy cơ tử vong sớm và tàn tật do có liên quan đến sự khởi phát sớm của bệnh tiểu đường, bệnh tim, thận cũng như nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Trường An (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI