Hàng xuất khẩu liên tục bị trả về
Trước đây, nông sản xuất khẩu vào thị trường Mỹ ổn định, tuy nhiên theo thời gian, sản lượng ngày càng giảm. Hàng xuất đi liên tục bị trả về do vi phạm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) phía bên đối tác.
Đơn cử, trong giai đoạn 2014 - 2016, xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Mỹ giảm 32% với trên 1.000 chuyến hàng bị từ chối do không đảm bảo an toàn.
Tương tự, chỉ trong bốn tháng đầu năm 2016 đã có 95 container (tương đương hơn 1.700 tấn) gạo xuất khẩu bị trả về, chủ yếu là gạo thơm jasmine, gạo tấm jasmine, gạo lứt và gạo trắng chất lượng cao. Còn nếu tính từ năm 2012 đến tháng 8/2016 thì đã có tới 412 container với gần 10.000 tấn gạo của 16 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này bị trả về. Lý do trong sản phẩm gạo Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ có tám hoạt chất vượt giới hạn cho phép. Bên cạnh đó, mặt hàng cá da trơn của Việt Nam cũng đã từng trải qua tình cảnh tương tự.
|
Thế giới có cái nhìn không thiện cảm về thực phẩm Việt Nam nên hàng xuất khẩu bị trả liên tục. Ảnh minh họa. |
Để cạnh tranh, không ít doanh nghiệp (DN) chủ động phá giá bằng cách giảm giá. TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP giải pháp và dịch vụ truy xuất nguồn gốc cho rằng, đây là hình thức cạnh tranh sai lầm của các DN xuất khẩu. Điều này không chỉ dẫn đến giá bán chung bị giảm liên tục, gây thiệt hại cho DN mà còn giảm danh tiếng cho toàn ngành. Các nước sẽ nghĩ nông sản có “vấn đề” mới bị giảm giá, từ đó e dè không dám nhập.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, đó là hệ quả từ việc ra đời của đạo luật “Hiện đại hóa an toàn thực phẩm" (FSMA) do Mỹ ban hành ngày 4/1/2011 thực hiện dần, thực hiện đầy đủ vào tháng 6/2016. Theo đó, thay vì kiểm tra hàng hóa nhập khẩu tại Mỹ như trước thì bây giờ nước này chuyển sang kiểm soát toàn bộ quy trình, chuỗi sản xuất ngay tại quốc gia xuất khẩu.
Điều đáng nói là đa số DN Việt không hề biết đến đạo luật này hoặc họ có biết và sản phẩm của mình bị vi phạm, xử phạt thì cũng âm thầm giấu kín, vô hình chung ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu của VN vào Mỹ.
“Có DN sau khi bị phạt còn tìm mọi cách nhập sản phẩm vào các tiểu bang của Mỹ. Nếu bị phát hiện, tội càng nặng, vô tình càng tạo “ác cảm” đối với họ”, bà Hạnh nói.
Không tuân thủ quy định an toàn thực phẩm là rào cản
Ông Rick Gilmore cho rằng, sở dĩ thế giới có cái nhìn không thiện cảm về thực phẩm Việt Nam là do nông dân nước ta không tuân thủ quy định về ATVSTP. Khi nuôi trồng, dù sản lượng ít hay nhiều người dân đều có thói quen sử dụng, kháng sinh, chất cấm. Bằng chứng là tính cả nước hiện có dưới 10% rau quả bán ra được chứng nhận an toàn.
Ông Vũ Đức Thắng - Phó tổng giám đốc Công ty SGS Việt Nam (thuộc Tập đoàn SGS - tổ chức hàng đầu thế giới trong lĩnh vực giám định, thử nghiệm, thẩm tra và chứng nhận) bức xúc, nông sản, thực phẩm nói chung không đạt tiêu chuẩn các nước, ngoài lý do người nông dân không tuân thủ quy định ATVSTP thì còn do môi trường bị ô nhiễm.
Đơn cử như các hộ nuôi cá tra tại ĐBSCL đang cố gắng nuôi cá đúng tiêu chuẩn nhưng nhà nước ta lại cho phép một số nhà máy giấy hoạt động, gây ô nhiễm nguồn nước nặng nề. Quy định nhập khẩu của Mỹ và các nước châu Âu càng siết chặt, nếu nhà nước cứ “dễ dãi” cấp phép cho các nhà máy hoạt động thì vô tình… giết người nông dân.
|
An toàn vệ sinh thực phẩm là chìa khóa xâm nhập thị trường quốc tế. |
Vào 1/9/2017 tới đây, Mỹ bắt đầu áp dụng “chiến lược thanh tra tạm thời’ các lô hàng cá và cá da trơn nhập khẩu để tái kiểm tra tùy theo từng loại và sẽ kiểm tra dư lượng hóa chất ít nhất một quý một lần. Theo ông Rick Gilmore, xu hướng Mỹ, Châu Âu và cả thế giới đang chuộng thực phẩm xanh, sạch, thực phẩm hữu cơ. Để sản phẩm cạnh tranh, có chỗ đứng, tăng giá trị… đòi hỏi sản phẩm phải có thêm chứng nhận ATVSTP, bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp cần chú trọng đến cả quá trình chăn nuôi, chế biến đảm bảo yêu cầu chứ không chỉ đến mỗi thành phẩm.
TS. Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng, thời gian qua có rất nhiều DN nỗ lực áp dụng các tiêu chí quốc tế vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam. Điển hình như quy trình khép kín đồng bộ từ khâu trồng, chăm sóc đến sau thu hoạch rau quả sạch của Công ty VinEco, hay áp dụng nông pháp sinh học, phương pháp sử dụng hoàn toàn vi khuẩn để nuôi dưỡng cây trồng, không sử dụng bất kỳ một loại hóa chất nào của Công ty cổ phần Vinamit. Nhiều DN đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nhưng người tiêu dùng nước ngoài không hề biết đến, chỉ thấy Việt Nam là một nước có thực phẩm không an toàn.
“Tại một số nước đang phát triển như Việt Nam, họ có hội đồng xuất khẩu. Chẳng hạn như NaUy có hội đồng Xuất khẩu thủy hải sản. Hội đồng này quy định bắt buộc các DN xuất khẩu cá hồi phải là thành viên, phải chia sẻ thông tin về sản lượng, thị trường; phải đóng phí cho quỹ phát triển thị trường. Kết quả là xuất khẩu cá hồi của họ phát triển rất mạnh. Tại sao Việt Nam ta không học hỏi? Nước ta có rất nhiều Hiệp hội nhưng đều hoạt động đơn lẻ, không có sự liên kết chặt chẽ, thậm chí chung một ngành cá mà có mấy hiệp hội “đá” nhau”.
Bà Vũ Kim Hạnh cho biết, Hội Hàng VNCLC đang phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí “Hàng VN chất lượng cao - Chuẩn hội nhập”. Bộ tiêu chí này sẽ giúp các DN tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn của nhà nước và quốc tế, đảm bảo chất lượng sản phẩm luôn ổn định, xây dựng lòng tin vững chắc không chỉ cho người tiêu dùng trong nước mà cả quốc tế.
Thời gian qua đã có khoảng 30 doanh nghiệp doanh nghiệp đạt chuẩn hội nhập như: Vinamit, Vinamilk, VinEco, Vissan, Cỏ May, Lương Qưới, Vĩnh Thuận…
Thanh Hoa