Thế giới chuẩn bị gì cho đại dịch tiếp theo?

06/04/2023 - 06:14

PNO - Đại dịch COVID-19 đang dần qua nhưng các chuyên gia đã cảnh báo: các nước không nên chủ quan, lơ là mà cần chuẩn bị cho mối đe dọa tiếp theo.

Theo các chuyên gia, COVID-19 đem lại nhiều bài học kinh nghiệm cho đại dịch tiếp theo - ẢNH: AP
Theo các chuyên gia, COVID-19 đem lại nhiều bài học kinh nghiệm cho đại dịch tiếp theo - Ảnh: AP

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng, với tốc độ gia tăng của biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và toàn cầu hóa hiện nay thì đại dịch tiếp theo chắc chắn sẽ đến. WHO dẫn chứng: ngay giữa đại dịch COVID-19, nhiều nước còn phải vật lộn với sự xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ (nay được gọi là mpox).

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng nói dân số toàn cầu ngày càng tăng và quá trình đô thị hóa lan rộng là những yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Các nhà khoa học cũng cảnh báo việc sông băng tan chảy do biến đổi khí hậu có thể giải phóng vi rút và vi khuẩn.

Dù vậy, các chuyên gia cho biết, thế giới đã và đang trỗi dậy mạnh mẽ hơn sau đại dịch COVID-19, với khả năng tiếp cận tốt hơn với các công nghệ y tế và sự hợp tác lâu dài, sâu sắc hơn giữa các nhà khoa học, đặc biệt là khi họ đang nỗ lực giải quyết và ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm.

Phó giáo sư Sanjaya Senanayake của Trường Y, Đại học Quốc gia Úc kêu gọi thành lập một “quỹ bảo hiểm toàn cầu” để hỗ trợ các quốc gia chịu thiệt hại sau khi báo cáo về dịch bệnh bùng phát. Nếu các quốc gia không chia sẻ thông tin và các đại dịch trong tương lai vượt khỏi tầm kiểm soát, thế giới sẽ phải trả giá đắt hơn cả về vật chất và sinh mạng con người.

Rút kinh nghiệm từ bài học COVID-19, nhiều nước đã có những chiến lược để đối phó với các vấn đề y tế khẩn cấp và nhanh chóng phát hiện bất kỳ bệnh mới nào có thể gây ra mối đe dọa. Tại Mỹ, các cơ sở y tế đều tích hợp hệ thống giám sát nước thải và đang theo dõi các mối đe dọa cũ lẫn mới. Ngoài ra, họ thu thập dữ liệu, theo dõi sát các bệnh nổi trội, đột biến và chia sẻ thông tin liên tục để nhanh chóng đánh giá, phản ứng với những trường hợp bất ngờ.

“Chúng tôi đã tạo các diễn đàn để chia sẻ thông tin liên tục nhằm đảm bảo rằng chúng tôi có thể tiếp tục ứng phó với mọi vấn đề và đại dịch trong tương lai” - Nicole Stallings - Giám đốc đối ngoại tại Bệnh viện Maryland - cho biết. “Chúng tôi đang đào tạo nhân viên tốt hơn, được trang bị và quản lý tốt hơn, nhân viên có kinh nghiệm và phản ứng nhanh hơn, hệ thống thông tin của chúng tôi mạnh mẽ hơn nhiều. Vì vậy, tôi nghĩ chúng tôi đã chuẩn bị tốt hơn nhiều so với năm 2019” - Robert Mauskapf - Giám đốc văn phòng chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp tại Virginia - cho biết. 

Trong khi đó, Vương quốc Anh đang phát triển hệ thống cảnh báo sớm di truyền của vi rút cho các đại dịch trong tương lai, theo dõi những thay đổi di truyền của vi rút đường hô hấp khi chúng lưu hành khắp thế giới. Hệ thống này sẽ được sử dụng để xác định chính xác các biến thể mới nguy hiểm khi chúng xuất hiện, cảnh báo sớm các bệnh mới và đại dịch trong tương lai.

Nhóm nghiên cứu tại Viện Wellcome Sanger dự định chế tạo ra các hệ thống giá rẻ, dễ sử dụng và có khả năng mở rộng để cung cấp khả năng giám sát toàn cầu đối với nhiều loại vi rút. Các mục tiêu sẽ bao gồm vi rút cúm, vi rút hợp bào hô hấp (RSV), vi rút corona và mầm bệnh chưa biết trước đây. 

Ewan Harrison - người đứng đầu nghiên cứu - cho biết: “Nước Anh đi đầu trong việc giám sát bộ gen của COVID-19 và chịu trách nhiệm về khoảng 20% ​​trong số tất cả các bộ gen của SARS-CoV-2 đã được giải trình tự trên khắp hành tinh trong đại dịch. Giờ đây, chúng tôi đang nhắm đến việc góp phần xây dựng hệ thống giám sát bộ gen toàn cầu đối với tất cả các loại vi rút đường hô hấp. Đây là những tác nhân có nhiều khả năng gây ra các đại dịch mới nhất”.

Ngoài nhóm nghiên cứu tại Viện Sanger, nhiều viện nghiên cứu ở Mỹ và Đức cũng đang thực hiện những nghiên cứu tương tự. 

Lệ Chi (theo Guardian, CNA)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI