PNO - Không lâu sau sự ra đi của nữ hoàng Anh Elizabeth II vào tháng 9/2022, thái tử Charles III đã chính thức được tuyên bố là quốc vương mới của nước Anh. Giờ đây, sau 8 tháng chuẩn bị, lễ đăng quang của ông sẽ diễn ra ngày 6/5.
Đảm nhận vai trò người thừa kế ngai vàng, vua Charles sẽ chính thức đăng quang trong một buổi lễ hoành tráng. Cung điện Buckingham nói rằng buổi lễ "sẽ phản ánh vai trò của quốc vương ngày nay và hướng tới tương lai, đồng thời gìn giữ truyền thống lâu đời và sự lộng lẫy của hoàng tộc".
Vua Charles III và hoàng hậu Camilla chụp ảnh chân dung trước lễ đăng quang tại cung điện Buckingham
Lễ đăng quang của vua Charles III dự kiến sẽ ngắn hơn so với lễ đăng quang của mẹ ông vào 7 thập kỷ trước, vốn kéo dài hơn 3 giờ. Các lễ đăng quang hầu như không thay đổi trong hơn 1.000 năm qua. Tổng giám mục Canterbury - Justin Welby - sẽ điều hành buổi lễ, bao gồm các nghi thức: công nhận, tuyên thệ, xức dầu, phong chức, đăng quang và bày tỏ lòng tôn kính. Nghi thức công nhận là khi vị vua mới đứng tại sảnh đường của tu viện và trình diện trước người dân.
Sau khi tuyên thệ, nhà vua sẽ được tổng giám mục xức dầu thánh. Phần tiếp theo là lễ phong chức, vị tân vương sẽ mặc lễ phục đăng quang và được trao các biểu tượng của chế độ quân chủ: quả cầu, nhẫn, quyền trượng... Cuối buổi lễ, vương miện của thánh Edward sẽ được tổng giám mục đội lên đầu của nhà vua trước khi các hoàng tử và hoàng thân bước lên bày tỏ lòng kính trọng. Vợ của vua Charles III - bà Camilla - cũng sẽ đội vương miện dành cho hoàng hậu. Đây là lần đầu tiên kể từ thế kỷ XVIII, một chiếc vương miện cũ được “tái sử dụng” làm vương miện cho tân hoàng hậu. Chiếc vương miện của bà Camilla được chế tác vào năm 1911 và thuộc sở hữu của nữ hoàng Mary, vợ của vua George V.
Hơn 2.200 người - bao gồm các phái đoàn nước ngoài đến từ 203 quốc gia và khoảng 100 nguyên thủ quốc gia - đã xác nhận tham dự lễ. Khoảng 20 gia đình hoàng gia trên thế giới cũng đến chứng kiến ngày trọng đại này. Theo các quan chức, an ninh là một mối quan tâm lớn, dù không đến mức nghiêm trọng như tại sự kiện tang lễ nữ hoàng Elizabeth II. Danh sách khách mời cũng bị giới hạn bởi sức chứa của tu viện Westminster. Các chức sắc được ngồi theo từng nhóm dựa trên nghi thức ngoại giao. Ở hàng ghế đầu là gia đình của vua Charles III. Gần đó sẽ là các gia đình hoàng gia từ khắp nơi trên thế giới, từ vua Felipe VI và hoàng hậu Letizia của Tây Ban Nha cho đến thái tử Nhật Bản Akishino và vợ là công nương Kiko. Ngồi phía sau các gia đình hoàng gia sẽ là những phái đoàn từ các quốc gia Khối thịnh vượng chung.
Sự kiện lịch sử thu hút khách du lịch
Ở khía cạnh khác, sự kiện đăng quang của vua Charles III không chỉ mang tính biểu tượng lịch sử mà còn là dịp lễ hội ăn mừng cho người dân và phần nào giúp ngành du lịch Anh hồi phục sau đại dịch. Michael Glen - người phát ngôn của thị trấn Morecambe, hạt Lancashire, Anh - cho biết: “Vào cuối tuần, chúng tôi sẽ tổ chức một bữa tiệc đường phố lớn để ăn mừng lễ đăng quang. Chúng tôi đang cố gắng phá kỷ lục Guinness cho bữa tiệc đường phố lớn nhất và đó sẽ là một sự kiện lớn, một lễ kỷ niệm lớn".
Người dân và du khách đi ngang qua một ki ốt lưu niệm bán các mặt hàng theo chủ đề Lễ đăng quang tại London, Anh - Ảnh: REUTERS
Anh Glen nói thêm: "Tôi hiểu rằng chi phí sinh hoạt cao thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người và không phải ai cũng thích tổ chức những buổi lễ xa hoa. Dù vậy, tôi nghĩ đây là một sự kiện lịch sử trọng đại mà nhiều người chỉ có thể trải qua một lần trong đời. Những gì nó mang lại cho đất nước lớn hơn chi phí chúng ta bỏ ra".
Nghị sĩ đảng Bảo thủ Lee Anderson giải thích: "Chế độ quân chủ mà chúng tôi có ở Anh là tâm điểm chú ý của thế giới. Bạn chỉ cần đi quanh cung điện Buckingham, quảng trường dẫn đến cung điện và xem có bao nhiêu du khách đến chiêm ngưỡng nơi này. Những du khách đó mang lại hàng triệu, nếu không muốn nói là hàng tỉ bảng Anh mỗi năm”. Vị nghị sĩ 56 tuổi cũng cho biết ông rất mong chờ ngày đăng quang của vua Charles III: "Một lễ đăng quang hào nhoáng và kỳ nghỉ lễ đi cùng, không ai làm điều đó tốt hơn người dân Anh. Cả thế giới sẽ hướng cái nhìn về nước Anh trong một khoảnh khắc tuyệt vời".
Cuộc khảo sát gần đây của Hiệp hội Thương mại du lịch UK Inbound cho thấy, 16% doanh nghiệp địa phương ghi nhận sự gia tăng lượng du khách quốc tế đặt chỗ hoặc đặt câu hỏi liên quan đến lễ đăng quang của nhà vua. Nhiều du khách đến từ các vùng khác của châu Âu. Dữ liệu từ nền tảng đặt vé tàu châu Âu Trainline cho thấy lượng người dự kiến đến London bằng đường sắt vào tuần lễ diễn ra lễ đăng quang đã tăng 73% so với cùng kỳ năm trước. Những người khác sẵn sàng đi du lịch xa hơn nhiều.
Dữ liệu từ trang đặt vé du lịch Kayak cho thấy lượt tìm kiếm các chuyến bay từ Mỹ đến London tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022. Cờ và biểu tượng hoàng gia đã được trang hoàng khắp các đường phố London. Một du khách Mỹ tại London - cô Higgins Horwitz (58 tuổi) đến từ thị trấn Skokie, bang Illinois - cho biết: "Một đời người có thể chứng kiến bao nhiêu lần lễ đăng quang? Đó thật sự là một sự kiện lịch sử".
Tấn Vĩ (theo CNN, Washington Post, Independent, CBS)