Thế giới “chiến đấu” với Ebola

08/08/2014 - 07:23

PNO - PN - Dịch Ebola không còn là chuyện riêng của các nước Tây Phi mà có nguy cơ trở thành thảm họa toàn cầu. Đó là cảnh báo của các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới.

Trước tình hình nguy cấp, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triệu tập cuộc họp trong hai ngày 8-9/8/2014 nhằm dập tắt bệnh dịch chết người này cũng như bàn phương pháp chữa trị.

Không phải vô cớ mà WHO gióng hồi chuông báo động về Ebola. Hôm thứ Tư, đã có một người chết vì nhiễm vi rút Ebola tại Saudi Arabia. Người này chết khi đang được điều trị cách ly ở một bệnh viện với các triệu chứng của bệnh Ebola sau khi trở về từ Sierra Leone. Nếu thông tin này được xác nhận, đó là ca tử vong đầu tiên xảy ra ở quốc gia không thuộc châu Phi. Đến nay, chỉ riêng các nước Tây Phi đã có hơn 932 người chết vì vi rút Ebola trong hơn 1.700 người nhiễm bệnh. Ebola bắt đầu bùng phát từ tháng Hai, với người thiệt mạng đầu tiên ở Guinea.

Vài tuần nay, đến lượt Nigeria đặt cảnh báo cao với Ebola sau khi một người nước này chết vì vi rút này và đến thứ Tư, thêm một nữ y tá nước này thiệt mạng. Ngoài ra, sáu người khác đang trong tình trạng nguy kịch, hiện được cách ly để chữa trị. Không chỉ thế, một linh mục và hai y tá người Tây Ban Nha đã nhiễm vi rút Ebola tại Monrovia, thủ đô Liberia. Chính phủ Tây Ban Nha cho biết sẽ gửi một chuyên cơ đến Liberia để đón công dân của mình về Madrid chữa trị.

The gioi “chien dau” voi Ebola

Nhân viên Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế giám sát thân nhiệt hành khách

Bên cạnh đó, hai nhân viên thiện nguyện người Mỹ bị nhiễm vi rút Ebola khi làm việc ở Liberia đã được đưa về Mỹ. Theo thông tin mới nhất, họ đã có dấu hiệu hồi phục khả quan sau khi được các bác sĩ Mỹ điều trị bằng những loại thuốc còn trong giai đoạn thử nghiệm. Hỗn hợp thuốc được gọi là ZMapp, mới được công ty Mapp, một hãng dược nhỏ ở San Digo (Mỹ) thử nghiệm trên khỉ. ZMapp sẽ có khả năng đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất nếu hai bệnh nhân người Mỹ này hồi phục và dịch Ebola vẫn bùng phát với tốc độ đáng sợ như hiện nay.

Vào lúc này, nhiều chuyên gia y tế lên tiếng thúc hối việc sớm đưa các loại thuốc trên vào sử dụng để tránh thêm số người chết, dù đó là điều chưa có tiền lệ. Giáo sư Peter Piot, một trong những người đầu tiên phát hiện vi khuẩn Ebola vào năm 1976, cho biết: “Chính phủ các nước châu Phi cần nhanh chóng quyết định có cho phép sử dụng các loại thuốc chưa được chính thức công nhận trong trường hợp khẩn cấp hay không. Hoặc ít nhất cũng cho phép sử dụng đối với nhân viên y tế là nhóm người có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao”. Ông Piot cũng đề nghị WHO phải thể hiện vai trò lãnh đạo của mình bằng cách cho phép áp dụng vào thực tế các biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh dịch Ebola, dù chúng còn trong giai đoạn thử nghiệm.

The gioi “chien dau” voi Ebola

Xác người chết vì nhiễm vi rút trên đường phố mà không ai dám chôn cất - Ảnh: Japan Times

Phần lớn bệnh nhân chết vì vi rút Ebola ở Tây Phi là phụ nữ với lý do: sau những ca tử vong đầu tiên, thi thể người chết được mang về nhà chôn cất và hầu hết người làm việc này là phụ nữ, do vậy họ rất dễ nhiễm vi rút từ cơ thể người chết. Bây giờ, nhiều người đã biết điều này, nhưng từ đó phát sinh một tai họa khác: thân nhân người chết vứt xác ra đường mà không ai dám đến gần, càng khiến bệnh dịch có cơ hội lây lan.

Ngay sau những thông tin dồn dập về bệnh dịch chết người này, các nước Đông Nam Á, dù không phải là khu vực có nguy cơ nhiễm dịch cao đã nhanh chóng đề ra biện pháp phòng ngừa và phát hiện bệnh nhân nhiễm vi rút Ebola, đối tượng chính là những người đến hoặc trở về từ vùng có dịch.

Bộ Y tế Thái Lan đề ra biện pháp ứng phó dịch Ebola tương tự như khi nước này đối phó với dịch cúm gia cầm và SARS, đồng thời chuẩn bị mọi phương tiện để ngay lập tức thử máu những người bị nghi là nhiễm vi rút Ebola. Ông Enrique Ona, lãnh đạo Bộ Y tế Philippines, cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm đến việc bùng phát dịch Ebola ở những khu vực khác trên thế giới, Philippines sẽ làm mọi cách để bệnh dịch này không lan đến đây”. Một trong những biện pháp là cung ứng trang thiết bị có thể chẩn đoán sớm nhất những người bị nghi là nhiễm vi rút Ebola. Các mẫu thử sẽ được chuyển đến WHO để xác định kết quả.

 THIỆN NGA  (Theo Washington Post Daily Telegraph)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI