Thế giới cảnh giác với mối đe dọa từ cúm gia cầm

27/02/2023 - 06:38

PNO - Một bé gái 11 tuổi ở Campuchia đã tử vong sau khi nhiễm cúm gia cầm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mô tả tình hình là "đáng lo ngại".

Theo dõi sát để sớm hành động

Hôm 23/2, chính quyền Campuchia thông báo một bé gái 11 tuổi tử vong do cúm H5N1 và bắt đầu xét nghiệm 12 người đã tiếp xúc với bé. Cha của bé cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút. Tiến sĩ Sylvie Briand - Giám đốc phụ trách công tác chuẩn bị, phòng ngừa dịch bệnh và đại dịch của WHO - cho biết: "Tình hình cúm H5N1 toàn cầu rất đáng lo ngại, do sự lây lan rộng của vi rút ở các loài chim trên khắp thế giới và ngày càng có nhiều báo cáo về các trường hợp nhiễm bệnh ở động vật có vú, bao gồm cả con người. Nguy cơ từ loại vi rút này là nghiêm trọng và chúng tôi muốn các quốc gia nâng cao cảnh giác".

Những con vịt tại một khu chợ ở Phnôm Pênh, Campuchia hôm 24/2 - ẢNH: AFP/GETTY IMAGES
Những con vịt tại một khu chợ ở Phnôm Pênh, Campuchia hôm 24/2 - Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Hiện vẫn chưa rõ liệu có sự lây truyền từ người sang người hay không. Một chủng H5N1 mới (nhánh 2.3.4.4b xuất hiện vào năm 2020) đã khiến một lượng lớn chim hoang dã và gia cầm nuôi chết trong những tháng gần đây. Nó cũng đã lây sang động vật có vú, làm dấy lên mối lo ngại toàn cầu. Tuy nhiên, không  giống các đợt bùng phát H5N1 xuất hiện từ hơn 2 thập niên qua, biến chủng phụ này không gây bệnh đáng kể cho người.

Hiện các quốc gia chưa thể sản xuất hàng loạt vắc xin cúm gia cầm vì chưa biết biến thể nào có thể lây lan giữa người với người. Dù vậy, WHO đang tăng cường các nỗ lực ứng phó và lưu ý rằng thế giới có sẵn thuốc kháng vi rút, cũng như 20 loại ứng viên vắc xin được cấp phép nếu tình hình thay đổi. 

Tiến sĩ Sylvie Briand nói thêm rằng nếu sự lây truyền từ người sang người được phát hiện, các cơ quan y tế sẽ cố gắng ngăn chặn các vụ lây nhiễm tiếp theo từ động vật sang người, cũng như ngăn chặn sự lây lan của vi rút giữa người với người. Bà Briand chia sẻ: “Các chiến lược này bao gồm điều trị, cách ly các ca nhiễm và khoanh vùng những người tiếp xúc. Chúng tôi có thể sử dụng thuốc kháng vi rút để điều trị cho những người tiếp xúc, nhằm điều trị dự phòng sau phơi nhiễm và giảm khả năng lây truyền sang người”. WHO cũng sẽ cố gắng giám sát chặt chẽ vi rút, thông báo cho cộng đồng về cách giảm nguy cơ lây nhiễm và giúp nhân viên y tế tránh lây nhiễm bằng trang bị bảo hộ.

Tác động đến kinh tế và tự nhiên

Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), có hơn 58 triệu con chim và gia cầm đã chết do chủng cúm H5N1 mới nhất tại nước này. Con số dự kiến tiếp tục tăng khi trên 47 tiểu bang báo cáo các đợt bùng phát. Vào năm 2015, một đợt cúm gia cầm tồi tệ đã giết chết khoảng 7,4 triệu con gà tây, 43 triệu gia cầm lấy trứng và các loại gia cầm khác. Sam Krouse - đồng Giám đốc điều hành của công ty cung cấp trứng MPS Egg ở bang Indiana - cho biết: "Để bảo vệ đàn gà, nguyên tắc là giữ mọi thứ ở bên ngoài. Không bệnh tật, không bụi bẩn, không thứ gì có thể tiếp cận đàn gà mái". 

Khác với gia cầm nuôi nhốt, động vật hoang dã và các loài chim di cư hoàn toàn không được bảo vệ. Đợt bùng phát dịch cúm gia cầm đang gây ra tổn thất đáng kể đối với một số loài động vật hoang dã ở Peru, bao gồm khoảng 716 con sư tử biển và 63.000 con chim. Cơ quan y tế nông nghiệp của Peru báo cáo, căn bệnh dường như lây truyền qua các loài chim di cư từ Bắc Mỹ.

Các nhà khoa học bày tỏ lo ngại rằng sự tiếp xúc gần gũi giữa sư tử biển và con người sẽ làm tăng khả năng vi rút lây sang người. Cơ quan Rừng và Động vật hoang dã quốc gia Peru đã kêu gọi mọi người giữ vật nuôi tránh tiếp cận các loài sư tử biển và chim biển. Ở Nam Mỹ, các trường hợp cúm gia cầm đã được phát hiện ở Ecuador, Bolivia, Chile, Paraguay và gần đây là ở Argentina và Uruguay.

Châu Âu vừa trải qua đợt bùng phát dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất kể từ năm 2021, liên quan đến 37 quốc gia và tổng số 2.520 ổ dịch tính đến tháng 12/2022. Đợt bùng phát khiến 50 triệu con gia cầm chết hoặc bị tiêu hủy tại các cơ sở chăn nuôi, cùng với đó là 227 ca nhiễm phát hiện ở chim nuôi nhốt và 3.867 trường hợp phát hiện ở chim hoang dã. 

Ngọc Hạ (theo Reuters, AA, New Scientist)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI