Thế giới căng thẳng giải quyết khủng hoảng rác thải nhựa

02/12/2024 - 17:05

PNO - Từ ngày 25/11 - 1/12, đại diện 175 quốc gia trên thế giới đã tập trung tại Busan, Hàn Quốc để đàm phán một hiệp ước nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu. Liên hiệp quốc hy vọng hiệp ước mới sẽ tạo ra giải pháp cho tình trạng nhức nhối này.

Ô nhiễm nhựa gây chia rẽ thế giới

Việc sử dụng nhựa trên thế giới đã tăng gấp 4 lần trong 30 năm qua. Mỗi ngày, một lượng nhựa tương đương 2.000 xe chở rác đã được đổ xuống các đại dương, sông hồ trên thế giới. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo, việc sản xuất và sử dụng nhựa trên toàn cầu dự kiến ​​sẽ đạt 736 triệu tấn vào năm 2040.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Nhựa quốc tế, Trung Quốc là nước xuất khẩu sản phẩm nhựa lớn nhất vào năm 2023, tiếp theo là Đức và Mỹ. 3 quốc gia này chiếm 33% tổng kim ngạch thương mại nhựa toàn cầu. Trong đó, chưa đến 10% sản phẩm nhựa trên toàn cầu được tái chế. Phần còn lại được đưa đến bãi rác hoặc bị đốt , trở thành khí thải độc hại.

Do rất khó phân hủy sinh học, phần lớn rác thải nhựa sẽ rò rỉ vào môi trường dưới dạng vi nhựa. Các hạt nhựa nhỏ có kích thước dưới 5mm đã được tìm thấy trong nước, thực phẩm và thậm chí trong nhau thai của con người. Dù tác động của vi nhựa đối với sức khỏe con người chỉ mới bắt đầu được nghiên cứu gần đây nhưng các nhà khoa học đã chỉ ra mối liên hệ giữa vi nhựa với nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng cao.

Các cậu bé trên một bãi biển ngập tràn quần áo thời trang nhanh bị vứt bỏ ở Accra, Ghana. Khoảng 60 - 70% hàng dệt may được sản xuất  từ ​​sợi nhựa tổng hợp như polyester - ẢNH: MUNTAKA CHASANT (Shutterstock)
Các cậu bé trên một bãi biển ngập tràn quần áo thời trang nhanh bị vứt bỏ ở Accra, Ghana. Khoảng 60 - 70% hàng dệt may được sản xuất từ ​​sợi nhựa tổng hợp như polyester - ẢNH: MUNTAKA CHASANT (Shutterstock)

Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) António Guterres phát biểu trong một thông điệp gửi đến các đại biểu tại Busan: “Thế giới của chúng ta đang chìm trong ô nhiễm nhựa. Đến năm 2050, có thể sẽ có nhiều nhựa hơn cá trong đại dương. Các hạt vi nhựa trong cơ thể đang gây ra các vấn đề sức khỏe mà chúng ta mới chỉ bắt đầu hiểu sơ lược”.

Sau 2 năm đàm phán về vấn đề này, công chúng hy vọng hội nghị ​​Busan sẽ đưa đến thỏa thuận môi trường có hiệu quả nhất kể từ thỏa thuận khí hậu Paris năm 2016. Tuy nhiên, những chia rẽ sâu sắc đã xuất hiện giữa các quốc gia. Bất đồng lớn nhất là liệu hiệp ước có tập trung vào vấn đề giảm tổng sản lượng nhựa hay chỉ cải thiện các hoạt động tái chế.

Bộ trưởng Môi trường Hàn Quốc Kim Wan-sup nói với các phóng viên tại Busan: “Tôi tin rằng sẽ thực tế hơn khi thế giới tìm kiếm các biện pháp theo từng bước”.

Cần hành động ngay từ bây giờ

Bộ trưởng Phát triển quốc tế của Na Uy - Anne Beathe Tvinnereim - thừa nhận sự chia rẽ luôn tồn tại giữa các quốc gia sản xuất nhựa và phần còn lại của thế giới: “Chúng ta cần tăng cường tái chế và quản lý chất thải, nhưng nếu không giảm sản xuất và tiêu thụ, chúng ta sẽ không thể xử lý được khối lượng nhựa khổng lồ trong vòng 10 năm tới”.

Việc sử dụng nhựa có thể tăng gấp 3 lần trên toàn cầu vào năm 2060, với mức tăng lớn nhất dự kiến ​​ở khu vực châu Phi cận Sahara và châu Á. Rác thải nhựa cũng được dự báo tăng gấp 3 lần vào năm 2060, với 1/2 được chôn lấp và chưa đến 1/5 được tái chế.

Một nghiên cứu do Đại học Paris-Saclay (Pháp) dẫn đầu cho thấy, chi phí ròng của việc không hành động (ước tính từ 13,7-281,8 ngàn tỉ USD) sẽ cao hơn đáng kể so với chi phí của các biện pháp giảm sản xuất và hạn chế ô nhiễm nhựa (18,3-158,4 ngàn tỉ USD).

Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế chỉ sử dụng các loại nhựa thiết yếu có thể kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách tạo ra việc làm trong lĩnh vực tái chế. Những sản phẩm thiết yếu - chẳng hạn như ống truyền tĩnh mạch - sẽ được tiếp tục sử dụng, trong khi những sản phẩm khác - chẳng hạn như nhựa dùng 1 lần - sẽ bị cấm vĩnh viễn.

Các chương trình hoàn trả tiền ký quỹ tại địa phương cũng sẽ được triển khai đối với các mặt hàng nhựa tái sử dụng như chai, dao kéo, ly, hộp đựng thực phẩm, khay và bao bì. Mateo Cordier - phó giáo sư kinh tế sinh thái từ Đại học Paris-Saclay (Pháp) - nhận định: cách tiếp cận này cần được mở rộng trên toàn cầu để có tác động tối đa.

Ông giải thích: “Thay đổi tại từng địa phương sẽ tạo ra một lĩnh vực tập trung vào việc tái sử dụng bao bì và hộp đựng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo cách có lợi cho mọi người mà không gây hại cho sức khỏe con người hoặc hệ sinh thái”.

Ngọc Hạ (theo Bloomberg, The Conversation, Phys.org)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI