Thế giới cần tập trung cho quyền sinh sản của phụ nữ thay vì lo lắng về dân số

19/04/2023 - 16:58

PNO - Hôm 19/4, cơ quan thuộc Liên hợp quốc cho biết, thay vì tập trung vào tác động của dân số thế giới tăng vọt, các nước nên xem xét quyền sinh sản của phụ nữ để củng cố "khả năng phục hồi nhân khẩu học".

 

Dân số thế giới đã vượt mốc 8 tỷ vào năm 2022i, làm dấy lên lo ngại về tình trạng cạn kiệt tài nguyên
Dân số thế giới đã vượt mốc 8 tỷ vào năm 2022, làm dấy lên lo ngại về tình trạng cạn kiệt tài nguyên

Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) - cơ quan chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục của Liên hợp quốc - thừa nhận một sự lo lắng lan rộng về quy mô dân số thế giới, dự kiến sẽ đạt đỉnh điểm khoảng 10,4 tỷ người trong những năm 2080.

Nhưng UNFPA cho biết, trọng tâm cần đạt được là trao cho phụ nữ nhiều quyền hơn để kiểm soát thời điểm và cách thức họ có con.

Giám đốc UNFPA Natalia Kanem phát biểu: "Câu hỏi đặt ra là: Phụ nữ có thể thực hiện quyền cơ bản của con người trong việc lựa chọn số con và khoảng cách giữa các lần sinh con của họ không? Đáng buồn thay, câu trả lời hiện tại là không".

Bà Kanem nói thêm "44% phụ nữ trên thế giới không thể thực hiện quyền tự chủ về cơ thể. Không thể đưa ra lựa chọn về biện pháp tránh thai, chăm sóc sức khỏe và quan hệ tình dục. Trên toàn cầu, gần một nửa số trường hợp mang thai là ngoài ý muốn".

Bà cho biết các quốc gia có tỷ lệ sinh cao nhất đóng góp ít nhất vào sự nóng lên toàn cầu, nhưng lại chịu tác động nhiều nhất từ tác động của nó.

Trong báo cáo hàng năm "Tình trạng dân số thế giới", UNFPA nhận thấy quan điểm phổ biến nhất của mọi người là dân số thế giới hiện quá lớn.

Nhưng báo cáo nói rằng việc thế giới vượt 8 tỷ người" nên là một lý do để ăn mừng”, bởi đó là một cột mốc đại diện cho những tiến bộ lịch sử của nhân loại trong y học, khoa học, y tế, nông nghiệp và giáo dục.

"Dân số thế giới đang tự ổn định lại nhanh chóng", bà Kanem nói trong một cuộc họp báo. Trong khi dân số hiện nay đạt mức lớn nhất chưa từng thấy, tỷ lệ sinh trung bình toàn cầu hiện thấp nhất.

Bà Kanem cho biết bảng xếp hạng các quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ thay đổi đáng kể trong 25 năm tới, với Ấn Độ hiện đã vượt qua Trung Quốc để đứng ở vị trí đầu bảng.

"Đã đến lúc gạt bỏ nỗi sợ hãi sang một bên, quay lưng lại với các mục tiêu dân số và hướng tới khả năng phục hồi nhân khẩu học - khả năng thích ứng với những biến động về tăng trưởng dân số và tỷ lệ sinh", báo cáo viết.

8 quốc gia sẽ chiếm một nửa mức tăng dân số toàn cầu dự kiến vào năm 2050 là Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Tanzania.

Báo cáo cho biết 2/3 dân số thế giới đang sống ở các quốc gia có mức sinh thấp. “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài người, không phải quốc gia nào cũng trở nên lớn mạnh hơn”, bà Kanem chia sẻ.

Các quốc gia có tỷ lệ sinh cao nhất đều ở Châu Phi, bao gồm Niger (6,7), Chad (6,1), DR Congo (6,1) Somalia (6,1) và Mali và Cộng hòa Trung Phi (5,8).

Các quốc gia và vùng lãnh thổ có tỷ lệ sinh thấp nhất là Hồng Kông – Trung Quốc (0,8), Hàn Quốc (0,9), Singapore (1,0), Ma Cao – Trung Quốc và San Marino (1,1), Aruba và Trung Quốc (1,2).

Châu Âu là khu vực duy nhất được dự báo sẽ trải qua sự suy giảm dân số tổng thể từ nay đến năm 2050.

Báo cáo cho biết tỷ lệ sinh trên mỗi phụ nữ của thế giới hiện là 2,3. Tuổi thọ trung bình là 71 đối với nam và 76 đối với nữ. 25% dân số thế giới nằm trong nhóm từ 14 tuổi trở xuống; 65% ở độ tuổi 15-64 và 10% từ 65 tuổi trở lên.

Báo cáo chỉ ra rằng các chính phủ lo lắng đang ngày càng áp dụng nhiều chính sách nhằm tăng, giảm hoặc duy trì tỷ lệ sinh. Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy thường không hiệu quả.

Bà Kanem nói thêm: “Nửa triệu ca sinh nở mỗi năm là của các bé gái trong độ tuổi 10-14... Các bé gái này còn quá nhỏ để có thể đồng ý quan hệ tình dục; phần lớn bị gả đi, bị lạm dụng hoặc cả hai”.

Linh La (theo AFP, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI