Thế giới cần quan tâm hơn nạn tảo hôn trẻ em nam

03/01/2022 - 18:59

PNO - Không chỉ riêng các bé gái, các bé trai ở nhiều nước trên thế giới cũng bị ép tảo hôn, khiến cho các em sớm phải thực hiện những trách nhiệm của người làm cha khi vẫn còn quá nhỏ, và bị rơi vào vòng xoáy của đói nghèo, không có cơ hội học hành lên cao, dẫn đến mất cả một tương lai.

Khi được 15 tuổi, cậu thiếu niên Chakraman Balami đã mơ ước trở thành một bác sĩ. Nhưng ước mơ ấy đã không thành hiện thực khi cậu bị rơi vào một vụ tảo hôn.

Một đám cưới với chú rể 15 tuổi và cô dâu 13 tuổi
Một đám cưới với chú rể 15 tuổi và cô dâu 13 tuổi

Trước khi trở thành chú rể, Chakraman là một học sinh đứng đầu tại một trường cấp hai gần Kathmandu, thủ đô của Nepal. Khi cậu bé được khoảng 13 tuổi, cha của em bệnh nặng, và điều ước nguyện cuối cùng của ông là muốn được chứng kiến đám cưới của con trai.

“Tôi cảm thấy rất tệ. Nhưng tôi tôn trọng cha mẹ mình và nghe lời họ”, Balami kể lại, và cho biết không lâu sau khi anh miễn cưỡng lấy vợ, cha anh qua đời.

Balamin làm cha vào năm 18 tuổi, nhưng đứa con đầu lòng của anh đã qua đời chỉ 5 ngày sau khi được sinh ra, khiến đôi vợ chồng trẻ rất đau lòng. Cặp đôi sau đó có 2 đứa con và Balamin phải dùng số tiền, mà lẽ ra anh sẽ đầu tư cho việc học hành của mình, để nuôi con. Ước mơ học trường y của anh cũng kết thúc ở đó.

Kết hôn trẻ em - được Liên Hợp Quốc (LHQ) định nghĩa là kết hôn ở độ tuổi dưới 18 tuổi, và bị coi là vi quyền của trẻ em - thường xảy ra với các bé gái. Ước tính, đến nay thế giới đã có khoảng 650 triệu trẻ em gái và phụ nữ kết hôn ở độ tuổi này.

Nhưng cũng có những chú rể nhí. Trong phân tích chuyên sâu đầu tiên về chú rể trẻ em, được công bố vào năm 2019, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) ước tính có 115 triệu trẻ em trai và đàn ông trên khắp thế giới đã kết hôn khi còn nhỏ.

“Các chú rể trẻ em buộc phải đảm nhận những trách nhiệm của người lớn mà các em có thể chưa sẵn sàng. Kết hôn sớm dẫn đến việc các em phải làm cha sớm, và chịu áp lực phải chu cấp cho gia đình, bị hạn chế các cơ hội giáo dục và việc làm”, bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành của UNICEF cho biết.

Ngoài việc bị trói trong cái vòng lẩn quẩn của đói nghèo, trẻ em trai tảo hôn còn bị tác động mạnh đến tâm lý. Dựa trên quan sát của mình, Pashupati Mahat - Giám đốc kỹ thuật và nhà tâm lý học lâm sàng cấp cao của Trung tâm tư vấn và sức khỏe tâm thần ở Nepal - cho biết các bé trai bị ép tảo hôn có tỷ lệ bị trầm cảm, cô đơn và thậm chí tự tử cao hơn các cô dâu nhí.

Chakraman Shreshta Balami hoàn thành ước nguyện của người cha sắp chết của mình bằng cách kết hôn ở tuổi 15
Chakraman Shreshta Balami hoàn thành ước nguyện của người cha sắp chết của mình bằng cách kết hôn ở tuổi 15

Nepal, quê hương của Balami, là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em nam kết hôn cao nhất thế giới, theo ước tính của UNICEF là 10%. Nơi có tỷ lệ này cao nhất là Cộng hòa Trung Phi (28%) và Nicaragua (19%).

Tục tảo hôn vẫn tồn tại ở Nepal, mặc dù bị cấm theo luật của nước này từ năm 1963. Theo quy định của pháp luật hiện hành, độ tuổi kết hôn tối thiểu cho cả nam và nữ ở Nepal là 20.

Không phải trẻ em trai bị ép tảo hôn nào cũng may mắn có thể quay lại con đường học hành và phát triển sự nghiệp như Balami. Sau 20 năm nỗ lực, mới đây, Balami đã có bằng thạc sĩ về quản lý kế hoạch giáo dục, và hiện là Hiệu phó của trường tiểu học và trung học Shree Bhawani.

Ngoài ra, Balami còn là một nhà hoạt động chống lại nạn tảo hôn.

“Trong các thôn làng ở Nepal, các bậc cha mẹ muốn con cái kết hôn sớm, vì họ chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt. Họ nghĩ trong nhà sẽ có thêm một lao động, để lo từ việc nhà đến chuyện đồng áng. Họ không hề nghĩ đến tác hại của việc tảo hôn”, Balami lên tiếng.

Ở Nepal, các bậc cha mẹ thậm chí còn muốn con kết hôn sớm để gia đình “bớt đi một miệng ăn”. Cả trẻ em gái và trẻ em trai ở nước này đều trở thành nạn nhân của các vụ tảo hôn. Theo dữ liệu của UNICEF, chỉ riêng tại ngôi làng Kagati của Balami, 9 bé gái đã bị ép hôn vào năm 2020, so với 7 vào năm 2019; và 3 bé trai đã kết hôn trong năm 2020, trong khi năm 2019 không có trường hợp nào.

Đại dịch COVID-19 đã làm cho vấn nạn kết hôn trẻ em trở nên tồi tệ hơn. Theo ước tính của UNICEF, sẽ có thể có thêm 10 triệu trẻ em gái bị ép tảo hôn trong thập kỷ tới, do hậu quả kinh tế mà đại dịch gây ra.

Nhất Nguyên (theo NPR)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI