Thế giới bị suy thoái 1 triệu km2 đất mỗi năm

02/12/2024 - 20:55

PNO - Nghiên cứu từ Đức cảnh báo, tình trạng đất suy thoái ở khắp nơi đang khiến Trái đất mất dần khả năng hỗ trợ sự sống của con người và môi trường.

Công viên quốc gia Al-Ghat ở vùng Riyadh của Ả Rập Xê Út, một trong các “điểm nóng” về sa mạc hóa trên toàn cầu — Ảnh: Getty Images
Công viên quốc gia Al-Ghat ở vùng Riyadh của Ả Rập Xê Út, một trong các “điểm nóng” về sa mạc hóa trên toàn cầu — Ảnh: Getty Images

Nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (PIK) ở bang Brandenburg của Đức cảnh báo, tình trạng suy thoái đất đang lan rộng trên toàn thế giới với tốc độ 1 triệu km2 mỗi năm. Điều đó làm suy yếu những nỗ lực ổn định môi trường và khí hậu, bảo vệ thiên nhiên, cũng như đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm bền vững.

Báo cáo khoa học của PIK cho biết, diện tích đất bị suy thoái hiện đã lên tới 15 triệu km2, lớn hơn cả diện tích Châu Nam Cực và tương đương 90% diện tích nước Nga. PIK kêu gọi cộng đồng quốc tế có chính sách điều chỉnh khẩn cấp, để tránh kịch bản mà hệ sinh thái của “hành tinh xanh” không còn khả năng “hỗ trợ sự sống của con người và môi trường”.

Nghiên cứu được thực hiện như một phần của nỗ lực quốc tế nhằm quản lý đất bền vững, nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh của 200 quốc gia trong Công ước của Liên Hợp Quốc (LHQ) về chống sa mạc hóa (UNCCD), dự kiến diễn ra từ ngày 2/12 đến 13/12 tại Riyadh, Ả Rập Xê Út.

Tổng thư ký UNCCD, Ibrahim Thiaw, người chịu trách nhiệm chính biên soạn nghiên cứu, cho biết: “Nếu chúng ta không thừa nhận vai trò của đất và không thay đổi kịp thời, hậu quả sẽ lan rộng đến mọi khía cạnh của cuộc sống và kéo dài đến tương lai, tăng thêm thách thức cho các thế hệ sau”.

Nghiên cứu của PIK lưu ý, hệ sinh thái đất vốn có thể hấp thụ khoảng 30% lượng khí thải CO2 của con người, nhưng trong thập niên vừa qua, khả năng hấp thụ CO2 dư thừa của cây cối và đất đã giảm đến 20%. Thủ phạm chính là các hoạt động nông nghiệp không bền vững, hoạt động canh tác dùng nhiều thuốc trừ sâu và chất hóa học, chịu trách nhiệm cho 80% tình trạng mất rừng. Khoảng 47% diện tích rừng mưa nhiệt đới Amazon được dự báo sẽ sụp đổ trong năm 2050.

PIK cảnh báo, xu hướng thoái hóa đất trên toàn cầu là một trong các hậu quả trực tiếp của hạn hán. Gần 40% diện tích đất liền Hoa Kỳ và khoảng 20% người dân ở Châu Âu sẽ thường xuyên đối mặt với hạn hán trong năm 2050.

Trường An (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI