Thế giới bất định, đề văn "bắt" người trẻ lắng nghe...

17/07/2020 - 07:08

PNO - Lắng nghe để thay đổi, lắng nghe để yêu thương, lắng nghe để hiểu biết… có lẽ là những gì chúng ta mong chờ ở người trẻ.

Cùng với ca phẫu thuật tách cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi, thông điệp “lắng nghe” của đề thi văn kỳ thi tuyển sinh lớp Mười tại TP.HCM trở thành điểm sáng giữa những con số buồn của dịch bệnh, của kinh tế thế giới.

Học sinh thi vào lớp Mười công lập tại TP.HCM hứng thú với đề thi văn - Ảnh: Tam Nguyên
Học sinh thi vào lớp Mười công lập tại TP.HCM hứng thú với đề thi văn - Ảnh: Tam Nguyên

Đề thi lớp Mười lần này vẫn gồm ba câu: đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Nhưng, khi cầm đề trên tay, cô Nguyễn Minh Ngọc, giáo viên (GV) dạy văn Trường THPT Đinh Thiện Lý (Q.7), cảm thán: “Lần đầu tiên có một đề thi hệ thống theo một chủ đề qua ba phần vừa khoa học, logic mà lại thời sự. Đề thi không chỉ đảm bảo phần hỏi về kiến thức tác phẩm, kiểm tra kỹ năng đọc hiểu, lập luận mà còn tạo độ mở cho học sinh (HS) sáng tạo”.

Còn thầy Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (H.Củ Chi), đánh giá đề văn thú vị ở tính nhân văn, gắn liền với cuộc sống. Chủ đề nhất quán xuyên suốt đề thi là lắng nghe với nhiều góc độ tăng dần từ dễ đến khó, từ cụ thể đến khái quát đủ khiến người làm bài từ bất ngờ chuyển sang thích thú.

Sau khi chiêm nghiệm để làm bài, HS sẽ còn gì đó đọng lại sau kỳ thi. Sự nhất quán sẽ nối liền cảm xúc theo các câu hỏi khi làm bài. Với cách thiết kế đề thi theo một chủ đề như vậy vừa kiểm tra kiến thức, vừa phát huy năng lực thực hành, vận dụng cả kiến thức lẫn kỹ năng của HS.

Khi tiếp cận đề thi ngữ văn, GV và HS trông chờ sự mới mẻ ở phần nghị luận văn học. Có đề hoàn toàn là cảm nhận/phân tích tác phẩm văn học; cũng có đề đi quá sâu vào thực tế cuộc sống mà quên đi đặc trưng cảm thụ tác phẩm văn học là hồn cốt của bộ môn. Đề tuyển sinh này khắc phục được nhược điểm khi kết hợp giữa chủ đề lắng nghe với tác phẩm văn học và hiểu về cuộc sống một cách tự nhiên và sâu sắc. 

Thầy Nguyễn Văn Cải chỉ ra: ban đầu, đề yêu cầu HS trả lời ngắn 3-5 dòng khi hỏi HS quan tâm đến việc nào nhất giữa ba việc: lắng nghe chính mình, lắng nghe mọi người xung quanh và lắng nghe thế giới tự nhiên là cách chuyển khá khoa học mà hết sức tự nhiên sang câu tiếp theo (chiếm 3 điểm) yêu cầu cao hơn, viết bài văn ngắn khoảng một trang giấy trả lời câu hỏi “Phải chăng lắng nghe là một biểu hiện của yêu thương?”.

Câu 3 đưa ra ba thông điệp về những giá trị sống tốt đẹp cần gìn giữ ở mỗi người (qua đoạn thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy); những cảm xúc yêu thương dành cho gia đình (qua đoạn thơ Bếp lửa của Bằng Việt); khát vọng cống hiến cho xã hội (qua đoạn thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải) mà HS chọn để trình bày cảm nhận và có liên hệ với tác phẩm khác để làm nổi bật thông điệp, đó là yêu cầu mở rộng nâng cao. Đề 2 mang tính lý luận văn học nhiều hơn, đòi hỏi HS phải tinh tế khi khái quát, tổng hợp từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học để viết bài văn với nhan đề “Lắng nghe tác phẩm - Hiểu về cuộc sống”. 

Không phải ngẫu nhiên mà đề ngữ văn lần này để lại nhiều cảm xúc. Bởi đây là kỳ tuyển sinh đặc biệt trong một năm học quá đỗi đặc biệt của giáo dục. Giữa những biến động mà không có một kịch bản nào tiên lượng được thì lồng vào đề thi thông điệp “Lắng nghe để thay đổi, lắng nghe để yêu thương, lắng nghe để hiểu biết” không chỉ là yêu cầu khoa cử với thí sinh mà đó còn là yêu cầu cấp thiết của cuộc sống.  

Ngay cả đề thi cũng đề cập, con người đối mặt với những thách thức lớn và nhận ra một trong những cách chống chọi với hoàn cảnh chính là quan sát và lắng nghe những gì đang diễn ra để có những điều chỉnh phù hợp với thực tại. Lắng nghe thế giới tự nhiên để tìm hiểu nguyên nhân dịch bệnh, chúng ta nhận ra con người đang hủy hoại cuộc sống bình yên của nhiều loài, điều này buộc mỗi người phải thay đổi cách đối xử với môi trường... 

Cách giải quyết những bất định đó là gì? Là biết lắng nghe cái tôi của mình và của thế giới. Chọn sự ổn định bằng thái độ và hành động tích cực để định vị chúng ta là ai trong cuộc 
đời này. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI