The Father: Không chỉ là bộ phim về người già

20/06/2023 - 15:44

PNO - Bệnh tật, tuổi già và cái chết có lẽ là những nỗi sợ luôn hiện hữu trong cuộc đời mỗi người. Chúng ta được sinh ra, sống một cuộc đời, trải qua đôi ba lần nằm trên giường bệnh và rồi từ từ trở về với cát bụi. Bộ phim The Father với sự tham gia của nam diễn viên Anthony Hopkins đã khắc họa chân thực những nỗi sợ đó.

Câu chuyện của một người già 

Là bộ phim đầu tay của đạo diễn Florian Zeller, The Father (Người cha) kể cho chúng ta câu chuyện về Anthony - một người đàn ông đã ngoài 80 tuổi đang đối mặt với căn bệnh sa sút trí tuệ dementia. Ông sống cùng những bản nhạc opera và mối quan hệ sắp rạn nứt với cô con gái Anne. 

Trong The Father, Anthony có một cuộc đời bình thường như bao người khác. Ông kết hôn, có 2 con gái là Anne và Lucy. Ông kiếm sống bằng nghề kỹ sư và về hưu trong một căn hộ nhỏ. Lẽ ra ông sẽ có một cuộc đời êm đềm như thế, thi thoảng kể lại những chuyện xa xưa cùng những ông bạn già nếu ông không mắc căn bệnh dementia. Già đi đã là một nỗi sợ nhưng mất đi ký ức còn đáng sợ hơn. Anthony dường như không tìm thấy chính cuộc đời mình nữa.

Anthony luôn ngờ vực Anne, cho rằng cô âm mưu chống lại ông
Anthony luôn ngờ vực Anne, cho rằng cô âm mưu chống lại ông

Giai điệu opera dồn dập, hối hả của Henry Purcell cùng những cảnh phim hỗn loạn đã góp phần khắc họa chứng suy giảm trí nhớ nghiêm trọng của Anthony. Mặc dù ông không hỏi “Tôi là ai?” và vẫn nhận thức về bản thân nhưng lại có ký ức mơ hồ về những người xung quanh. Trong 2 người phụ nữ ở cùng căn hộ với ông, ai mới là cô con gái Anne? Anthony luôn nhớ về một Lucy đáng mến với những bức tranh tuyệt đẹp nhưng tại sao ông không được gặp con gái mình? Những người đàn ông lạ mặt luôn giới thiệu mình là chồng của Anne thực chất là ai? Hằng ngày, cứ đều đặn, Anthony tỉnh giấc với những gương mặt xa lạ trong chính ngôi nhà của mình, hoảng loạn và đầy sợ hãi. 

Bộ phim không đi theo thời gian tuyến tính, không có những tình huống hoặc nút thắt được cài cắm, cũng không cố gắng để làm đau đầu khán giả nhưng khi xem phim, chúng ta cũng có chút mơ hồ giống như Anthony, tò mò về thân phận thật sự của những người xung quanh ông. Đây có lẽ chính là điểm nhấn của đạo diễn Florian Zeller. Trong The Father, ông đặt khán giả vào góc nhìn của người trong cuộc thay vì đứng ngoài để quan sát căn bệnh mất trí nhớ đang hành hạ Anthony. Chúng ta chính là Anthony, những gì chúng ta thấy là điều Anthony thấy, tất cả thắc mắc của chúng ta đều xuất phát từ việc mất ký ức của Anthony.

Trailer phim Father:

 

Mất kết nối gia đình 

Căn bệnh dementia không chỉ làm Anthony trở nên khốn khổ mà còn khiến mối quan hệ gia đình của ông trở nên rạn nứt. Như mọi người già ương ngạnh và ghét sự lệ thuộc, Anthony nhất quyết khẳng định mình có thể sống tốt dù ở một mình. Để níu kéo thời gian, ông liên tục tìm kiếm đồng hồ và xem giờ, thậm chí nghi hoặc con rể đã lấy trộm nó. Dần dần, Anthony trở nên khắc nghiệt hơn, nhạy cảm hơn với Anne. Kể từ khi Anne đưa Anthony về nhà cô để tiện chăm sóc, Anthony không bao giờ coi đó là căn hộ của cô, luôn khăng khăng mình đang ở nhà của chính mình.

Anthony cô độc trong chính căn nhà của mình
Anthony cô độc trong chính căn nhà của mình

Dù Anne hiện diện trước ông, chăm sóc ông nhưng Anthony lại luôn nhắc về Lucy - cô con gái đã qua đời, trong khi ông chẳng nhớ được tai nạn xảy ra với cô. Trong khi đó, nhắc về Anne lại là những phàn nàn, chỉ trích. Với người con rể, ông chẳng ngại ngần tâm sự rằng: “Con tôi không được thông minh lắm”. Với người giúp việc mới vừa quen, ông thẳng thừng kể xấu là Anne đần độn, kém thông minh.Chưa hết, Anthony còn bày tỏ thái độ ngờ vực với Anne, cho rằng cô âm mưu chống lại ông, rằng cô đang dần dần rời bỏ ông. 

Chính bởi sự phủ nhận của cha, Anne loay hoay trong bế tắc, bị giày vò giữa lằn ranh trách nhiệm và cuộc đời riêng. Cô cố gắng chăm sóc cha mình chu toàn. Nếu không hối hả chạy về nhà, cô sẽ lại dành thời gian giải thích cho cha những điều ông quên mất hoặc lủi thủi một mình và suy ngẫm.

Những hy sinh đó đã khiến cô đánh mất hạnh phúc. Khi ở một mình, cô đứng cạnh khung cửa sổ, nhìn ngắm gia đình người khác tay trong tay hạnh phúc - ước mơ bình dị mà cô chẳng thể nào có được. 

Bộ phim xuất sắc về cha và con gái
Bộ phim xuất sắc về cha và con gái

Sự công nhận 

Việc Anne đưa cha vào viện dưỡng lão và đến Paris tìm hạnh phúc riêng có lẽ gây ra nhiều tranh cãi cho khán giả. Liệu cô có thực sự là một người con hiếu thảo? Liệu hành vi của cô có trái đạo đức? Khi theo dõi xuyên suốt 97 phút của bộ phim, ta nhận ra nếu Anthony phải đối mặt với việc đánh mất trí nhớ thì Anne cũng vì những điều đó mà trải qua rất nhiều nỗi đau. Dù có cố gắng bao nhiêu, cô vẫn luôn nhận lấy sự phủ nhận, coi thường và những lời chỉ trích từ cha mình.

Thậm chí cô đã bế tắc đến mức nảy sinh những suy nghĩ độc địa. Trong một phân cảnh, khi Anthony yên giấc trên giường, ta bỗng thấy Anne tiến tới, đè gối lên mặt ông. Tuy vậy, đó chỉ là một cảnh không thật nằm trong suy nghĩ đen tối của Anne. Cô tuyệt vọng đến mức từng nghĩ đến chuyện giết bố trong giấc ngủ. Có lẽ đó chính là đỉnh điểm của sự chịu đựng.

Tình cảm gia đình, khao khát được cha mẹ công nhận có lẽ là những nguyên nhân đẩy Anne đến tình trạng hiện tại. Cô tổn thương bởi những lời phủ nhận của người thân duy nhất, bất chấp cô đã từ bỏ hạnh phúc riêng để ở cạnh ông.

Ở khía cạnh này, ta dễ dàng đồng cảm với những cảm xúc của Anne. Ngoài sự công nhận từ cha mẹ, chúng ta luôn khát khao sự công nhận của những người xung quanh như họ hàng, bạn bè, cấp trên, đồng nghiệp hay những người xa lạ. Chỉ cần một sự phủ nhận, ta suy sụp và nghi ngờ chính bản thân. Sự phủ nhận của cha đẩy Anne đến những bất hạnh, khiến cô mệt mỏi với thực tại. Nhưng đồng cảm hơn nữa là ở vai trò thân nhân người bệnh, Anne chứng kiến cha mình dần mất đi ký ức, quên đi người thân yêu và bản thân cô cũng trở nên bất lực.

Đến cuối cùng, Anthony nhận ra ký ức đã mai một của mình giống như từng chiếc lá rụng xuống
Đến cuối cùng, Anthony nhận ra ký ức đã mai một của mình giống như từng chiếc lá rụng xuống

Giây phút cuối đời

Đến cuối cùng, Anthony nhận ra ký ức đã mai một của mình giống như từng chiếc lá rụng xuống. Không có sự sống vĩnh cửu, một khi cái cây trụi sạch lá, sự sống của nó mất đi và ông sẽ ra đi. Ông khóc òa như một đứa trẻ và không ngừng tìm kiếm mẹ mình.

Bi kịch của Anthony chính là bi kịch bất cứ ai trong chúng ta cũng sẽ trải qua. Càng về già, chúng ta càng khát khao được giống như một đứa trẻ, muốn được chiều chuộng dù ta dần quá quắt và khắc nghiệt với những người xung quanh. Sự thất thường trong tâm trí có thể bắt nguồn từ nỗi tự ti, vì cho rằng bản thân là một gánh nặng của gia đình và xã hội; cũng có thể bắt nguồn từ nỗi sợ hãi, khi cảm nhận được cái chết đang đến gần. Với Anthony, nó còn gây ra bởi căn bệnh dementia - thứ giày vò ông khủng khiếp và cướp mất hạnh phúc của con gái ông. 

Với 6 đề cử tại Oscar lần thứ 93, The Father xứng đáng là bộ phim sống mãi trong lòng khán giả không chỉ bởi diễn xuất ngoạn mục ở tuổi 83 của Anthony Hopkins mà còn ở thông điệp đầy sâu sắc của Florian Zeller. Chúng ta được chiêm ngưỡng giây phút cuối đời của một người già; chúng ta học được bài học về khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái; chúng ta cảm nhận được những bất lực, giày vò của một người bệnh. Rất ít bộ phim khắc họa trọn vẹn được những cung bậc cảm xúc giống như thế. 

Trà Ali - Ảnh: Internet

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI