edf40wrjww2tblPage:Content
Tọa đàm tập trung đánh giá thẳng thắn thực trạng phong trào thể dục thể thao (TDTT) TP.HCM; các chính sách, chế độ đối với hoạt động TDTT; phân tích từng lĩnh vực TDTT của TP gồm TDTT quần chúng, thể thao học đường, thể thao thành tích cao; giải pháp thu hút sự đầu tư của xã hội trong lĩnh vực TDTT; vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với sự nghiệp TDTT địa phương, đơn vị…
Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp phát triển thể dục thể thao TP.HCM”.
Nhiều tham luận và nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu đều nhận định TDTT thành phố chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra ở các lĩnh vực TDTT quần chúng, thể thao học đường và thể thao thành tích cao; cơ sở vật chất phục vụ cho luyện tập và thi đấu các môn thể dục, thể thao còn rất thiếu và yếu; chưa chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao, dẫn tới sự sụt giảm thành tích ở một số môn trọng điểm, truyền thống của TP. Các đại biểu cũng đánh giá: giáo dục thể chất và hoạt động thể dục, thể thao trong học sinh, sinh viên chưa thường xuyên và kém hiệu quả; sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, công tác quản lý Nhà nước về thể dục, thể thao của nhiều địa phương và đơn vị chưa theo kịp yêu cầu đổi mới của TP; đầu tư của TP và huy động các nguồn lực từ xã hội cho thể dục, thể thao còn hạn chế…
Theo ông Lê Hồng Triều (Cung Văn hóa Lao Động TP.HCM), nhiều người lao động vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của các hoạt động thể dục thể thao, chưa thực sự quan tâm đến các hoạt động này. Phong trào thể dục thể thao ở một số đơn vị vẫn chưa sôi nổi, còn rời rạc. Đáng nói, TP còn quá ít các trung tâm, câu lạc bộ thể dục thể thao, sân bãi tập luyện công cộng đạt yêu cầu về diện tích, chất lượng tổ chức sinh hoạt dành cho công nhân. TP chưa có chính sách thu hút, huy động các nguồn lực xã hội góp sức cùng Nhà nước phát triển phong trào TDTT.
Đại diện Ban Quản lý các KCX-KCN TP.HCM nhận định cho rằng nhiều KCN còn thiếu các trung tâm sinh hoạt thể dục thể thao nên chưa đáp ứng nhu cầu của hơn 70% lao động nhập cư từ các tỉnh.
Về TDTT học đường, nhiều ý kiến cho rằng ngành giáo dục gần như chỉ chú trọng dạy chương trình giáo dục thể chất nội khóa mà ít có các hoạt động ngoại khóa. Việc phát triển phong trào TDTT trong trường học còn nhiều khó khăn do nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện và thi đấu chưa đạt yêu cầu, có trường hầu như không có; không đảm bảo các điều kiện tập luyện thể thao nội khóa và ngoại khóa, cũng như công tác tổ chức và xây dựng các câu lạc bộ, đội, nhóm TDTT.
Ở góc độ của một cơ quan báo chí, trong tham luận “Sự quan tâm của xã hội dành cho thể thao”, ông Lê Minh Thời, Tổ trưởng Tổ Thể thao, báo SGGP nhận định: Một trong những khó khăn có thể nhìn thấy được của thể thao TP.HCM chính là thể thao đang ngày càng xa rời với cuộc sống của cư dân, không còn là một hoạt động mang tính thường xuyên, cộng đồng cao trong đời sống đô thị. Xét trên nhiều góc độ, hiện tại TP.HCM đang “lãng phí” rất nhiều các nguồn lực. So với nhiều địa phương khác, TP đang dư thừa những cơ sở vật chất thể thao đỉnh cao; không thiếu những doanh nghiệp quan tâm đến thể thao và có đủ những hệ thống truyền thông hiệu quả nhất. Tuy nhiên, sự phối hợp còn chưa đồng bộ do cơ chế quản lý còn thiếu tính đặc thù.
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến đề xuất, đối với TP.HCM là đô thị đa chức năng, đa trung tâm và có vị trí quan trọng với khu vực và cả nước, việc xã hội hóa TDTT không chỉ là nhu cầu, nhiệm vụ mà là một trong những giải pháp cần có cho sự phát triển đồng bộ, hài hòa phong trào TDTT thành phố. Đồng thời, cần xác định nhiệm vụ vun bồi cho thể thao thành tích cao là một nhiệm vụ quan trọng.
Song song đó, các cấp ủy đảng, chính quyền ở các địa phương, đơn vị, cơ quan, xí nghiệp cần thực sự quan tâm, đưa phong trào TDTT vào kế hoạch, nhiệm vụ kinh tế - xã hội để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nhằm tạo chuyển biến tốt hơn trong thời gian tới.
Về thể thao học đường, cần nhận thức rõ đầu tư cho TDTT trường học là đầu tư cho một bộ phận quan trọng của TDTT, là một mặt của giáo dục toàn diện nhân cách học sinh, sinh viên để có lộ trình, giải pháp thích hợp. “Điều tiên quyết là phải duy trì đam mê thể thao ở các em học sinh và nên đánh giá niềm đam mê ấy tương đồng với học lực hay say mê nghiên cứu, học tập các lĩnh vực khác” - ông Lê Minh Thời, Tổ trưởng Tổ Thể thao, báo SGGP nói.
Nhiều đề xuất của đại biểu còn cho rằng điều quan trọng là TP.HCM cần có sự quy hoạch để định hướng phát triển cho hoạt động TDTT của TP; cần đưa ra một chiến lược phát triển mang tính định hướng, làm kim chỉ nam cho hoạt động TDTT của TPHCM.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Kiều, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, sẽ còn nhiều điều phải làm từ cấp thành phố bao gồm đẩy nhanh tiến độ các dự án dành cho thể thao, thường xuyên rà soát và điều chỉnh các chính sách, chế độ, triển khai thực hiện các quy hoạch đến quận, huyện và các đơn vị thể thao...
Trần Ái