Năm 1982 là cột mốc đánh dấu điểm kết thúc của ban nhạc Thụy Điển huyền thoại mang tên ABBA khi họ đến studio Polar ở thủ đô Stockholm thu âm bài hát cuối.
26 năm sau, năm 2008, bốn thành viên của bộ tứ tái hợp trong lễ ra mắt bộ phim nhạc kịch Mamma Mia! tại Thụy Điển. Các thành viên Bjoern Ulvaeus, Benny Andersson, Agnetha Faltskog và Anni-Frid Lyngstad hội ngộ trước công chúng trong niềm xúc động của đông đảo người hâm mộ lúc này tóc cũng ngả màu.
Có bao nhiêu “xác sống” cô đơn giữa đời
Hôm họp khóa đại học, chúng tôi, một nhóm bạn tóc đã hai màu, cũng ngồi ôn lại các bài hát một thời. Cô nàng lớp trưởng nói: “Nếu không có vài bài hát để bám víu, có khi cuộc đời đã rẽ về hướng khác. Chẳng hạn là yêu cuồng sống vội hay kết hôn “đại” với anh chàng số một, số hai...”.
Quả thật, nhóm chúng tôi cũng từng “kết tội” ca khúc The day before you came của ABBA làm mình “ế dài ế rạc”. Chúng tôi mê những giai điệu trầm buồn đều đặn nhưng có ma lực ấy. Đến nỗi, trên bàn học của tôi ở giảng đường có cả dòng "tuyên ngôn" bằng mực đen: “It’s funny, but I had no sense of living without aim/ The day before you came”.
Giả sử em sinh viên nào ngồi đúng chỗ ấy mà không hiểu, sẽ tưởng đây là “câu sấm” của kẻ đang yêu, đang đắm đuối trong hạnh phúc. Nhưng không phải, đây chính là nỗi cô đơn của tôi khi đồng cảm với sự tẻ nhạt trong nhịp sống của cô nàng ở bài hát. Dù vậy, thấp thoáng trong đó là niềm khát khao sẽ có ngày gặp được người trong mộng. Người ấy phải xứng đáng, thật xứng đáng dù có khi tôi phải đợi cả cuộc đời này.
Mãi sau này, khi có mạng internet, tôi mới được tiếp xúc với hình ảnh clip của bài hát ấy. Không tập trung quay cảnh cô gái, bông hoa, trời trăng mây nước như mọi video ca nhạc thời những năm 80 của thế kỷ trước, clip The day before you came ra đời năm 1982 nhưng được đầu tư dàn dựng như một bộ phim điện ảnh với đầy đủ tình tiết hấp dẫn, kiểu của các MV ca nhạc “hot” trên YouTube bây giờ. Đây là bản thu và ghi hình cuối cùng của nhóm nhạc. Khi xem, tôi đã phải kêu lên, bài hát sao mà đẹp, buồn và cô đơn quá đỗi.
Có rất nhiều nỗi buồn mang vẻ đẹp trong vắt, rung động tâm can nhưng chủ nhân chẳng muốn xua nó đi, mà trân quý như một món trang sức, một tài sản, để bước tiếp.
Clip bài hát rất lãng mạn. Mở đầu và kết thúc đều trên một sân ga khói sương, nơi có người đàn bà không còn trẻ trên đường đi làm đã gặp một người đàn ông cũng không còn trẻ. Họ để ý nhau, ngồi liếc nhau qua tờ báo, nàng cắn môi và lắc lư nhè nhẹ theo nhịp con tàu…
Con tàu tình yêu đó xuyên mùa thu, qua rừng phong, qua cây cầu đẹp như cổ tích và làn nước thu đượm buồn. Tôi vẫn hay tự hỏi thuở chưa có flycam, người ta quay bằng gì mà đẹp đến vậy?
Dù clip rõ như chuyện phim nhưng lời của bài hát đi kèm không dòng nào nói về chuyện tình. Không nói về phút nào "after you came", chỉ là nhịp điệu đều đặn về cuộc sống và cảm giác trước ngày anh/em đến.
Một tình yêu đã đến với người đàn bà cô đơn. Một tình yêu phá tan ngày tháng lập trình vô vị của “xác sống” (zombie): mọi thứ đều đúng giờ tới từng phút: ra ga, lên tàu, tới công sở, mở email, làm việc, nghỉ trưa. Buổi chiều ngược lại, đúng giờ khoác áo đi về, ra ga, lên tàu, về nhà mở ti vi rồi đi ngủ. Và khi tình yêu tới, ai có thể đỡ nổi? Giọng hát của Agnetha ma mị và khắc khoải...
Cũng mãi sau này tôi mới biết đây là ca khúc ABBA thu âm khi họ đã quyết định chia tay.
Đến rồi đi, tình yêu là thế nhưng ABBA thì còn mãi
ABBA band thời ấy không chỉ là âm nhạc, là xu thế thời trang, gu trang điểm… mà còn là biểu tượng của tình yêu, của gia đình. Hai cặp tình nhân cùng sống và làm việc mê mải để cho ra đời những nhạc phẩm bất hủ với những ca khúc làm dậy sóng cả thế giới mà tới nay, sau gần nửa thế kỷ, người ta vẫn hát.
Những Waterloo, S.O.S , Dancing Queen, Money money money, Fernando... với các giai điệu “không lạc đi đâu được” đã trở thành một phần của rất nhiều tuổi trẻ sôi nổi. Ca từ trong các ca khúc như The winner takes it all, Bang-A-Boomerang, Dum dum diddle... đã thành câu cửa miệng của nhiều thế hệ.
Và nếu tính view kiểu như ngày nay, có lẽ Happy new year là ca khúc có lượt nghe khủng nhất. Triệu triệu người vẫn nghe văng vẳng bên tai bản nhạc này mỗi khi năm cũ sắp qua.
Nhưng xếp hạng nỗi buồn, thì theo tôi, không ca khúc nào vượt mặt The day before you came. Có lẽ đó là những giai điệu điển hình nhất cho những trái tim nghệ sĩ mong manh phải biểu diễn khi lòng tan vỡ.
Cách đây ít hôm, tôi tình cờ được đồng nghiệp - một người đàn ông 42 tuổi - tâm sự rằng anh giờ mới biết yêu thế này. 20 năm trước, trên chuyến xe đường quốc lộ 5, tôi cũng vô tình nghe hai người bạn đường tâm sự với nhau, trong đó có một câu y hệt: "Tao từng này tuổi mới biết yêu thật sự là như thế nào, mày ạ".
Tôi tin khi yêu ai cũng nói thật. Trước khi nàng đến, tôi chưa từng biết khi yêu lại có thể run rẩy, da diết; nhớ nhung ngút ngàn, đắm say thế này. Là vì, trước khi gặp người, tôi sống chán chường vô vị quá, ngày qua ngày tuần tự như thể tôi là một cái máy ngủ, máy ăn, máy đi, cái xác sống...
Có nhiều buổi trưa công sở, chúng tôi tranh cãi thế nào là tình yêu. Chị A. khẳng định: đã yêu thì phải ăn đời ở kiếp, chứ nếu ít năm đã đổi thay hay giảm bớt thì... dẹp đi.
Tôi nói, vậy thì 99,99% tình yêu trên đời là vớ vẩn mất rồi. Có đến thì có đi, mọi sự vốn vậy, dù lý do muôn vẻ. Xem đây này, trong MV The day before you came: Lái chiếc xe trở về, sau khi chia tay người yêu. Đau thương đến nghẹn tim nhưng đầy mạnh mẽ. Tình yêu dù có ra đi, cho dù có phải trở lại làm cái xác sống (zombie), thì đừng quên rằng bài hát luôn nhắc ta về một khí chất can trường cần có cho mọi phụ nữ, dù ở bất cứ tuổi nào.
Biểu tượng sống động của tình yêu
Khởi nguồn của ABBA từ một buổi hội hè ở Thụy Điển, khi anh chàng Bjoern chạm cốc với Benny. Hai người đã nhận ra một mối đồng cảm đặc biệt và bắt đầu manh nha ý đồ lập ban nhạc mang tên Bjoern & Benny.
Vào năm 1968, Bjoern gặp Agnetha tại một buổi hòa nhạc và tiếng sét nổi ngay trên đầu họ. Khi đó, Benny và Anni-Frid cũng nhanh chóng trở thành một cặp trời sinh, đắm say trong tình yêu. Năm 1970, hai cặp tình nhân cùng lên sân khấu với cái tên đậm chất dân gian là Festfolk.
Năm 1973 đánh dấu mốc vượt ra ngoài biên giới Thụy Điển của họ với giải ba trong cuộc thi Eurovision (một đại nhạc hội châu Âu). Lúc đó, cái tên ABBA, ghép từ tên của 4 thành viên mới ra đời.
|