The Coffee House tuyên bố bán trà sữa: Thêm bát có nát mâm?

08/10/2017 - 00:14

PNO - Trên đoạn đường Phan Xích Long (Q. Phú Nhuận) chưa đầy 2km, hay Ngô Đức Kế (Q.1) chừng 300m, các quán trà sữa mọc lên san sát. Nghịch lý là, dù tranh nhau mở quán nhưng nơi nào khách cũng phải xếp hàng dài để chờ mua.

Dù xuất hiện cách đây đã 10 năm nhưng mãi đến khoảng ba năm trở lại đây mới là thời điểm cực thịnh của trào lưu trà sữa. Hàng loạt thương hiệu nhượng quyền xuất hiện trên thị trường đã biến trà sữa thành một “hiện tượng” đáng chú ý trong ngành F&B Việt Nam.

"Miếng bánh béo bở" đang bị xâu xé

Những thương hiệu nhượng quyền kinh doanh trà sữa tại Việt Nam không chỉ giới hạn ở xứ Đài mà còn có nguồn gốc từ các nước lân cận như Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản… Mỗi thương hiệu đều có những đặc trưng và hương vị riêng biệt.

Điểm lại, những ông lớn đầu tiên xuất hiện và trụ lại ở Việt Nam đều có dáng dấp của mô hình nhượng quyền; trong đó phải kể đến như Dingtea, Royal Tea, Chatime, ChaGo, ChaChaGo, Citea Fun, Blackball, Trà Tiên Hưởng, Gong Cha, Koi The, T4, Tealive, Queeny… và gần đây nhất là Goky và Mr.Good Tea. Với mô hình hoạt động theo chuỗi, các thương hiệu này đang nằm trong vòng xoáy gay gắt của tính cạnh tranh và giành giật thị phần.

The Coffee House tuyen bo ban tra sua: Them bat co nat mam?
Hình ảnh giới trẻ Việt rồng rắn xếp hàng chờ mua một ly trà sữa tại Sài Gòn. Ảnh: Thái Nguyễn.

Chưa dừng lại, thông tin mới đây về việc The Coffee House (TCH) trở thành “tân binh” mới của thị trường trà sữa Việt Nam, hoạt động theo mô hình nhượng quyền từ thương hiệu Ten Ren của Đài Loan đang khiến giới kinh doanh chú ý.

Chia sẻ với báo Phụ Nữ, Nguyễn Hải Ninh - CEO The Coffee House khẳng định: TCH sẽ nhận nhượng quyền thương hiệu trà sữa nổi tiếng của Đài Loan là Ten Ren và là đơn vị duy nhất sở hữu thương hiệu này tại Việt Nam. Theo công bố chính thức, cửa hàng nhượng quyền đầu tiên sẽ mở vào tháng 11 năm nay và đến cuối năm 2018 sẽ có khoảng 40 cửa hàng tại Việt Nam.

Nói riêng về Ten Ren, đây là thương hiệu trà top đầu tại xứ Đài – nơi “khởi thủy” cho phong trào uống trà sữa lan ra khắp châu Á. Bên cạnh đó, Ten Ren là một trong những nhà sản xuất trà lớn nhất khu vực Đông Á và có lượng khách khổng lồ với hơn 300 triệu ly trà sữa được bán ra hằng năm khắp nơi trên toàn thế giới.

Và theo dự tính, nếu TCH thành công chiếm lĩnh thị trường với 40 cửa hàng trà sữa vào cuối năm, sự đối đầu gay gắt giữa thương hiệu này và những “ông lớn” đi trước sẽ trở thành một chặng đua đầy thú vị.

Câu chuyện trà sữa: ẩn số thú vị của ngành F&B

Năm 2017 có lẽ là thời điểm ghi nhận tăng trưởng kỷ lục của thị trường trà sữa với sự bùng nổ của hàng loạt thương hiệu quốc tế. Ding Tea là người dẫn đầu với với hơn 100 điểm bán, TocoToco với hơn 60 cửa hàng; Goky có gần 20 cửa hàng ở Hà Nội; Mr. Good Tea có trên 20 điểm bán. Riêng Gong Cha, thương hiệu được lòng hầu hết giới trẻ chỉ sở hữu 20 cửa hàng nhượng quyền nhưng lại là cái tên nổi bật trong suốt thời gian qua. Và nếu The Coffee House gia nhập, con số này liệu có dừng lại ở 40?

The Coffee House tuyen bo ban tra sua: Them bat co nat mam?
Thị trường trà sữa Việt đang là "miếng bánh béo bở" cho những "ông lớn" của ngành đồ uống trong và ngoài nước khai thác. Ảnh: Thái Nguyễn

Theo chia sẻ của CEO The Coffee House, chuyện thương hiệu này quyết định lấn sân kinh doanh trà sữa xuất phát từ những con số đáng chú ý của thị trường trong năm 2017. Dẫn chứng từ báo cáo của Euromonitor, thị trường trà sữa Việt Nam có giá trị 282 triệu USD vào năm 2016. Và điều hấp dẫn nhất là thị trường trà sữa có tốc độ tăng trưởng 20% năm, tương ứng với việc trong vòng vài năm nữa, con số 282 triệu đô sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

“F&B có đặc thù là quốc tế chưa chắc đã có lợi thế và đó là cơ hội cho những người Việt. Giống như giờ sang Đài Loan mở cafe thì có thể sẽ phải mất rất nhiều thời gian. Mình sống ở đây và có những cái không diễn tả được bằng lời nhưng khi hình dung lại mới biết cái này là cái đúng”, CEO Hải Ninh khẳng định.

Mặc dù đã tuyên bố sẽ chính thức gia nhập thị trường vào tháng 11 tới đây nhưng câu hỏi lớn nhất đó là – TCH giải quyết bài toán khó về mặt bằng như thế nào? Có thể thấy, hiện tại các thương hiệu (không tính riêng trà sữa) đã phủ sóng toàn bộ các mặt bằng “vàng” tại thành thị, nhất là Hà Nội và TP.HCM. Không chỉ riêng TCH mà rất nhiều nhà đầu tư cũng rất đau đầu khi muốn giải quyết bài toán khó này.

Dù vậy, bản thân vị CEO trẻ cũng xác định rằng có thử thách mới có cơ hội cho mình: “Người kinh doanh phải nghĩ rằng thị trường ngày càng khó khăn, người tiêu dùng ngày càng khó tính và mặt bằng ngày càng khó kiếm nên cơ hội sẽ dành cho bạn nào quản lý tốt, có năng lực thực sự”.

"Câu chuyện trà sữa” ngày càng thú vị hơn khi có thêm ngày càng nhiều đối thủ mạnh nhảy vào tranh giành thị phần. Trên hết, khách hàng vẫn là người được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến của những thương hiệu quốc tế, với chất lượng và sản phẩm xứng đáng được đón nhận.

Thái Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI