Thấy vợ chồng hàng xóm đánh nhau mà không can ngăn có bị phạt tù?

18/07/2019 - 11:30

PNO - Đêm khuya, thấy vợ chồng hàng xóm cãi lộn, vợ chồng tôi nghĩ là họ "đóng cửa bảo nhau" nên kéo cửa lên lầu đi ngủ. Hôm sau đi làm về thấy cô vợ băng bó, mặt mũi bầm tím, vậy tôi có vi phạm pháp luật?

Hai vợ chồng tôi sống ở khu phố này đã hơn 5 năm, gần đây hàng xóm có đôi vợ chồng trẻ dọn về sinh sống. Cặp vợ chồng trẻ do không hiểu, không tin tưởng nhau nên thường hay cãi lộn dẫn đến đánh nhau. Mới tuần trước cô vợ bị băng bó khắp cánh tay, mặt bị bầm tím bởi người chồng đang trong cơn say xỉn xuống tay. Luật sư cho tôi hỏi, cái đêm hai vợ chồng trẻ đó đánh nhau thì vợ chồng tôi có nhìn thấy, nhưng do không nghĩ tới được hậu quả xảy ra như vậy nên hai vợ chồng tôi đóng cửa chuẩn bị cho con cái đi ngủ, vậy vợ chồng em có bị vi phạm pháp luật không?

Phạm Thị Tuyết Vân (Q. Tân Bình. TP.HCM)

Thay vo chong hang xom danh nhau ma khong can ngan co bi phat tu?
Hình minh họa


Chào bạn Tuyết Vân,

Trước hết xin cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về tình huống thắc mắc vốn rất phổ biến này. Chúng tôi xin đưa ra giải đáp như sau:

Điều 132 Bộ Luật Hình Sự 2015 (BLHS) về “tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” quy định như sau:

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Sau khi BLHS 2015 có hiệu lực vẫn chưa có văn bản chính thức nào hướng dẫn cụ thể những nội dung cấu thành tội phạm của điều luật nêu trên. Và trong thực tế, việc giải thích cấu thành tội phạm theo điều này vẫn được dựa theo Nghị quyết số 04-HĐTPTANDTC/NQ được ban hành ngày 29 tháng 11 năm 1986 về việc "hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm".

Theo đó, người đang gặp “nguy hiểm đến tính mạng” được hiểu là người “sắp chết” hoặc “có thể chết”, ví dụ như: người sắp chết đuối; người bị thương tích nặng do tai nạn giao thông gây ra… Và người “tuy có điều kiện mà không cứu giúp” được hiểu là người đó có khả năng cứu giúp và sự cứu giúp không gây nguy hiểm cho bản thân hoặc cho người khác nhưng cố ý bỏ mặc, dẫn đến chết người.

Ngoài ra, Nghị quyết nêu trên cũng đưa ra một số ví dụ có thể xem xét áp dụng cho các điểm a, b khoản 2 điều 132 BLHS 2015 nêu trên, cụ thể:

  • “Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm”, ví dụ như: cùng đi tắm ở sông, người biết bơi đùa nghịch làm người không biết bơi bị chới với sắp chìm mà không cứu vớt.
  •  “Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp”, ví dụ như: thủy thủ tàu đang đi trên sông, trên biển đối với người đang vật vờ trên mặt nước, bác sĩ đối với bệnh nhân đang cần cấp cứu…”
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI