Lời tòa soạn: Nếu có dịp dạo chơi trên đường đi bộ Nguyễn Huệ hay phố đi bộ Bùi Viện (quận 1, TPHCM), ta sẽ nhận ra, người dân thành phố cũng có nhu cầu cần được đi bộ. Đó là một đòi hỏi tự thân của các thị dân, như nhu cầu được hít thở, được bầu bạn với đô thị. Nhưng, đề án tổ chức các phố đi bộ ở khu trung tâm TPHCM mà Sở Giao thông Vận tải TPHCM đưa ra mới đây để các sở, ngành góp ý liệu đã hợp tình, hợp lý?
Ba phương án được đưa ra gồm: phố đi bộ cuối tuần cho quận 1, cấm phương tiện lưu thông ở một số tuyến đường vào cuối tuần; phố đi bộ ưu tiên cho đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách, vẫn cho phép một số phương tiện cơ giới lưu thông các ngày trong tuần, cấm phương tiện cơ giới lưu thông trên đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi vào cuối tuần; phố đi bộ 24/7 ở đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi, trong đó, đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và các đường liên kết là những con đường dành riêng cho người đi bộ.
|
Phóng viên: Thưa ông, đề án xây “siêu phố đi bộ” có phải là một tín hiệu vui cho người dân thành phố trong bối cảnh thành phố thiếu hụt trầm trọng không gian công?
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: Tôi không cho rằng xây “siêu phố đi bộ” là tốt cho người dân. Người dân nằm trong công trình sẽ sinh hoạt thế nào, đâu thể bắt họ hy sinh tiện ích thay vì sử dụng xe chuyển sang đi bộ? Các tuyến giao thông lân cận sẽ ra sao, có làm tăng tình trạng kẹt xe? Chưa kể, phố đi bộ chỉ có hiệu quả nếu người dân có thể dễ dàng đến đó bằng phương tiện giao thông công cộng, có chỗ để xe hợp lý nếu đi bằng phương tiện cá nhân.
Theo tôi, nếu triển khai, TPHCM chỉ nên làm với quy mô vừa phải. Thay vì làm “siêu phố đi bộ”, thành phố nên có chính sách trả vỉa hè lại cho người đi bộ, vì không gian vỉa hè là của công nhưng người đi bộ hiện nay không thể sử dụng. Bước tiếp theo là xây một số phố đi bộ theo chủ đề và kết nối với không gian vỉa hè.
* Ông đánh giá thế nào về chất lượng sống hiện nay của người dân TPHCM?
- Từ khi mở cửa đến nay, TPHCM đã ưu tiên phát triển kinh tế mà chưa chú trọng nhiều đến các giá trị môi trường, khiến chất lượng sống của người dân đi xuống rất nhiều so với trước kia dẫu trình độ kinh tế cao hơn. Ta có nhiều công trình hiện đại, thu nhập của người dân cũng tăng lên nhưng người dân phải sống trong cảnh ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, chỉ cần một trận mưa lớn là đường phố thành sông, tỷ lệ không gian xanh và mặt nước trên đầu người thấp hơn so với thế giới, thậm chí thấp hơn nhiều so với các tỉnh, thành khác trong nước.
TPHCM đang phải gánh chịu những hệ quả của việc phát triển thiếu bền vững. Người dân ở các tỉnh, thành khác có thể có thu nhập không bằng người dân TPHCM nhưng về chất lượng môi trường sống, chưa biết chỗ nào cao hơn.
* TPHCM sẽ ra sao nếu những vấn đề trên không được giải quyết, thưa ông?
- GDP của TPHCM đóng góp cao nhất nước nhưng nếu thành phố không có biện pháp bảo vệ và tăng cường không gian xanh, bỏ qua không gian công, kinh tế thành phố sẽ đi xuống do phải dành quá nhiều ngân sách để xử lý hậu quả gồm chi phí chống ngập, chi phí y tế cho người dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Chưa kể, với tình trạng kẹt xe như hiện nay, một người dân có thể mất 3-4 giờ đi lại từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại, thiệt hại kinh tế sẽ lớn đến mức nào?
* Theo ông, đô thị hiện đại có nhất thiết phải nhiều nhà cao tầng? Và đây có phải là nguyên nhân khiến không gian TPHCM ngày càng tù túng, ngột ngạt?
- Ở nhiều quốc gia trên thế giới, bản thiết kế đô thị mới sẽ tương phản với đô thị cũ và nằm ở ngoại ô hoặc khu ngoài trung tâm cũ. Tương phản ở đây có nghĩa là, cơ sở hạ tầng của đô thị mới sẽ tập trung phát triển đại lộ chứ không phải đường nhỏ; xây dựng hệ thống giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân. Đặc biệt, đô thị mới sẽ có nhiều nhà cao tầng hơn đô thị cũ. Nhưng lưu ý, các nhà thiết kế và quản lý đô thị không xây nhà ở kín hết quỹ đất. Nhờ xây nhà cao tầng mà đô thị mới sẽ có nhiều chỗ hơn cho cây xanh, mặt nước. Sau vài chục năm phát triển đô thị mới, chính quyền mới quay về chỉnh trang khu trung tâm cũ.
TPHCM làm ngược lại. Thành phố có đô thị cũ hình thành trước thời đất nước đổi mới, mang đặc điểm nhà không cao, đường sá nhỏ, mật độ dân vừa phải. Đó là một đô thị, một cộng đồng đã ổn định về cơ sở hạ tầng. Lẽ ra, TPHCM nên xây khu dân cư mới nằm ngoài khu vực này chứ không phải tiếp tục xây thêm lên đó chung cư, nhà cao tầng khiến hạ tầng hiện tại không kham nổi.
TPHCM đã cao tầng hóa khu đô thị hiện hữu, làm mất đi nhiều giá trị di sản. Không gian văn hóa là một trong những cấu phần tạo nên chất lượng sống của một thành phố nhưng TPHCM đã đập bỏ đi rất nhiều. Chưa kể, diện tích cây xanh ở trung tâm TPHCM không những không tăng mà còn giảm nghiêm trọng. Xây nhà cao tầng là để tiết kiệm đất nhằm tăng diện tích cây xanh, mặt nước nhưng chúng ta lại tiếp tục bê tông hóa lên quỹ đất trống.
* Một TPHCM đáng sống sẽ có dung mạo như thế nào, thưa ông?
- Chúng ta nói về một thành phố đáng sống. Vậy cần phải làm rõ, đáng sống với ai? Người có thu nhập cao sẽ có yêu cầu không gian sống khác người có thu nhập thấp.
Theo tôi, một thành phố đáng sống phải đáp ứng nhu cầu cơ bản cho đại đa số người dân chứ không phải phục vụ cho một nhóm dân cư nào. Đó là điều cốt lõi. Các quốc gia tiên tiến trên thế giới không khuyến khích những đô thị khép kín không cho phép người dân tiếp cận không gian xanh trong đó. Không gian xanh phải là không gian công, là nơi mọi công dân phải được đảm bảo bình đẳng về quyền thụ hưởng.
Tất nhiên, người giàu có thể bỏ thêm chi phí để hưởng nhiều đặc quyền khác. Nhưng người có thu nhập trung bình, thấp cũng phải được tiếp cận những nhu cầu cơ bản như ngôi trường công, bệnh viện công chất lượng tốt, học phí, viện phí phải chăng, mảng xanh ở gần nhà, không gian văn hóa, công cộng...
Chất lượng sống của người thành phố nằm trong tay những nhà quản lý đô thị, những cơ quan bảo vệ công trình di sản, bảo vệ ký ức đô thị, những chủ đầu tư xây dựng các khu đô thị... Tất nhiên, không thể thiếu sự chung tay của người dân, bắt đầu bằng những việc đơn giản như không xả rác gây nghẹt cống, không sử dụng xe cá nhân có mức xả thải cao...
* Xin cảm ơn ông!
Bảo Uyên (thực hiện)