Thay vì ngợi ca, hãy bắt tay hành động

28/07/2023 - 06:31

PNO - Dù đã nỗ lực tạo nguồn giáo viên (GV) giỏi qua chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm, chuẩn hóa trình độ GV ở các bậc học… nhưng tình trạng thiếu GV vẫn chưa được khắc phục, thậm chí càng trầm trọng thêm.

 

Lương thấp, việc nhiều, áp lực nhiều khiến mỗi năm, có hàng ngàn GV bỏ nghề (ảnh minh họa)
Lương thấp, việc nhiều, áp lực nhiều khiến mỗi năm, có hàng ngàn giáo viên bỏ nghề (ảnh minh họa)

Biên chế sự nghiệp giáo dục được giao bổ sung không đáp ứng được nhu cầu, trong khi các địa phương lại đang phải tinh giản biên chế 10% theo yêu cầu của Chính phủ đã khiến tình trạng thiếu GV chậm được khắc phục. Bộ GD-ĐT nhìn nhận, tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục là một thách thức lớn đối với ngành. 

Là địa phương còn thiếu 688 GV, đại diện Sở GD-ĐT TP Cần Thơ thừa nhận, nguyên nhân không tuyển dụng được GV là do tiền lương trả cho GV còn thấp. Khi chưa được nâng lương cơ sở (trước ngày 1/7/2023), GV mới ra trường chỉ nhận được khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Sau ngày 1/7, GV mới ra trường nhận được mức lương khoảng 4,2 triệu đồng/tháng. 

Lương thấp, việc nhiều, áp lực nhiều khiến mỗi năm, có hàng ngàn GV bỏ nghề. Mới đây, 3 thầy giáo ở tỉnh Hà Tĩnh xin nghỉ phép đi chữa bệnh nhưng thực chất là sang Hàn Quốc tìm việc. Họ đã được nhận làm công việc chân tay ở xứ người và không quay trở lại trường nữa.
Nhận mức lương 5-6 triệu đồng/tháng sau 4 năm học đại học (thấp hơn lương công nhân), một số GV đành phải làm thêm công việc thứ hai để có thêm thu nhập. Nếu thu nhập vẫn không được cải thiện, thật khó để ngăn tình trạng GV bỏ nghề.

Ông Nguyễn Văn Phong - Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương - kiến nghị, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, cải tiến chế độ làm việc, chính sách tiền lương cho đội ngũ nhà giáo nhằm thu hút và giữ chân nguồn nhân lực cho các cơ sở giáo dục, bởi phải mất rất nhiều thời gian để có một GV giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm. 

Hiệu trưởng một trường THPT ở huyện An Lão, TP Hải Phòng cho rằng, ngoài chế độ đãi ngộ tốt cho nhà giáo, cần có cơ chế thoáng, tạo điều kiện để nhà giáo phát huy chuyên môn thay vì quản lý theo kiểu hành chính. Bài soạn 1 tiết dạy có khi tốn cả chục trang giấy A4 khiến GV rất mệt mỏi.

Người thầy không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn truyền thụ đạo đức, tinh thần hiếu học, ham hiểu biết, khát vọng vươn lên cho học trò. Đó là công việc đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực và sáng tạo, cả lòng yêu nghề và tình thương học trò. Nhưng, người thầy của chúng ta sẽ sáng tạo ra sao nếu cứ bị gánh nặng cơm áo hằng ngày đè nặng?

Theo một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD, có thành viên là chính phủ của các nước) về lương trung bình của nghề giáo so với GDP bình quân, Luxembourg trả lương cho GV cao nhất; Trung Quốc và Việt Nam trả lương cho GV thấp nhất trong các nước châu Á; Hàn Quốc trả lương cho GV tốt nhất ở châu Á. Ở các nước, GV không phải là nhóm người kiếm được nhiều tiền nhất, nhưng hầu hết đều sống được bằng tiền lương. 

Phần Lan đã nhiều lần đổi mới giáo dục thành công bởi họ bắt đầu từ GV. Họ đã đầu tư, đổi mới cho các trường sư phạm cả chục năm trước khi đổi mới giáo dục phổ thông, tạo ra đội ngũ GV chất lượng và chính những GV này đi đầu trong những cuộc đổi mới giáo dục. 

Đổi mới giáo dục sẽ thất bại nếu không tính đến người thầy, không đặt người thầy lên hàng đầu bởi họ là tác nhân chính trong hệ thống giáo dục. Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ từng phát biểu: “Chất lượng đội ngũ GV là yếu tố quyết định sự thành bại của đổi mới giáo dục”. Ai cũng biết vậy, nhưng điều chúng ta cần là hành động và hành động ngay, không để lãng phí nguồn lực GV thêm nữa.

Hãy làm cho GV sống tốt được bằng đồng lương dạy học. Hãy để cho đội ngũ GV làm đúng công việc dạy dỗ học trò. Xin đừng ngợi ca nghề giáo bằng hàng núi mỹ từ nhưng lại trả cho nhà giáo đồng lương bạc bẽo và áp lên họ đủ thứ công việc, trách nhiệm có tên lẫn không tên, hữu hình lẫn vô hình.

 Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI